Phải bắn có địa chỉ
Tại phiên họp Thường kỳ Chính phủ tháng 7-2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu lãnh đạo bộ, ngành nói phải đi đôi với làm, giải quyết các vụ việc thuộc ngành mình quản lý đúng người, đúng việc và quy rõ trách nhiệm cụ thể: “…Ta đã bắn chỉ thiên quá nhiều, không trúng vào ai cả, bây giờ phải bắn có địa chỉ, không thể nói xong là xong việc…”.
Câu nói này rất sâu sắc, hàm ý phải truy cứu trách nhiệm và xử lý có địa chỉ cụ thể một cá nhân, tổ chức (dù là của chính mình, tổ chức mình) nếu để xảy ra sai phạm, tránh nói chung chung theo kiểu “bắn chỉ thiên” chẳng những “không ai sợ”, mà còn làm cho dư luận xã hội bức xúc, mất niềm tin. "Bắn có địa chỉ" còn là phải vạch mặt chỉ tên cụ thể các tổ chức, cá nhân để xảy ra tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các tiêu cực khác.
Có một nghịch lý trở thành “lẽ thường tình” lâu nay: Khi có thành tích thì ai cũng cho là công của mình, của tổ chức mình, là thuộc về người đứng đầu nhưng khi có khuyết điểm, sai lầm, thì tìm mọi cách đổ lỗi cho tập thể, cho người khác, cơ quan khác. Tiếc rằng hiện nay một số luật, quy định dưới luật chưa quy định trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm người đứng đầu; trách nhiệm của các bộ, ngành trong công tác phối hợp quản lý Nhà nước, nhất là ở lĩnh vực đa ngành… một cách rõ ràng, minh bạch, để cuối cùng chẳng ai chịu trách nhiệm cả. Hiện tượng này, dân ví von là “cha chung không ai khóc”, “nhiều sãi không ai đóng cửa chùa”.
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về trung thực, trách nhiệm, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đặc biệt là người đứng đầu, cán bộ chủ chốt phải:
Tôn trọng chân lý, yêu cái đúng, ghét cái sai, tôn trọng sự thật, lẽ phải; sống ngay thẳng, thật thà, dũng cảm nhận lỗi khi mình mắc khuyết điểm, dám chỉ ra khuyết điểm của đồng chí mình, dù đó là cấp trên của mình; tự giác phấn đấu, rèn luyện đạo đức, tự phê bình, phê bình, cầu thị, sửa chữa khuyết điểm, khắc phục những mặt hạn chế, tiêu cực, phát huy ưu điểm và mặt tích cực.
Ngoài phẩm chất dám nói thẳng, nói thật, còn phải dũng cảm nhận trách nhiệm cá nhân nếu để xảy ra sai sót; đồng thời, không được nể nang né tránh mà phải chỉ rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức cấp mình, cấp trên, cấp dưới khi để xảy ra vi phạm; trong đấu tranh phê bình, tự phê bình phải nói thẳng, nói thật, nói có địa chỉ cụ thể, tránh nói chung chung vô ích.
M.T