Chủ Nhật, 14/08/2016, 10:57 (GMT+7)
.

Phát huy vai trò to lớn của phản biện xã hội

Phản biện được hiểu là xem xét, đánh giá, bàn bạc trao đổi vấn đề ở nhiều khía cạnh. Phản biện giúp chỉ ra những thiếu sót hạn chế của vấn đề đưa ra phản biện, đồng thời đưa ra hướng khắc phục. Vì vậy, người phản biện (nhà chuyên môn, nhà báo, nhà khoa học, lịch sử, văn hóa và nhân dân - gọi tắt là nhân dân) phải am hiểu sâu sắc các vấn đề mình phản biện.

Phản biện xã hội (một trong các loại phản biện) có ý nghĩa tích cực bởi tạo ra sự tương tác, sự hợp tác giữa các lực lượng xã hội để tìm ra phương án tối ưu nhất, làm tăng thêm chất lượng, tính thuyết phục, sự sáng suốt trong các quyết định của những người thay mặt nhân dân lãnh đạo, quản lý đất nước. Phản biện xã hội giữ vai trò quan trọng đóng góp vào quá trình phát triển của đất nước, của từng địa phương.

Để phát huy vai trò to lớn và ý nghĩa sâu sắc của phản biện xã hội trong phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, trong thu hút trí tuệ, tâm huyết của nhân dân tham gia công tác xây dựng Đảng, quản lý Nhà nước, quản lý xã hội, thời gian tới cần phải:

Thứ nhất, Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã yêu cầu: “Tổ chức thực hiện tốt Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội”. Trong Quy chế giám sát và phản biện xã hội này cần thể hiện rõ những vấn đề quản lý Nhà nước, quản lý xã hội, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước nào cần đưa ra để nhân dân phản biện; quy định cụ thể hình thức, đối tượng, phương thức thực hiện quyền phản biện xã hội của nhân dân. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, ngành chức năng cần thực hiện tốt quyền phản biện xã hội của nhân dân, thật sự cầu thị lắng nghe ý kiến phản biện của nhân dân.

Thứ hai, nâng cao dân trí và tăng cường ý thức chính trị của công dân trong thực hiện quyền và nghĩa vụ về phản biện xã hội. Để thực hiện tốt quyền phản biện xã hội đòi hỏi công dân phải có sự hiểu biết nhất định về chính trị, văn hóa - xã hội, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, về pháp luật… mới có khả năng tham gia bàn bạc, trao đổi, suy xét vấn đề cần phản biện và đưa ra kiến nghị xác đáng. Công dân tham gia phản biện xã hội phải có động cơ khách quan, trong sáng, trí tuệ và trách nhiệm cao, tuân thủ kỷ luật, kỷ cương, pháp luật và đạo đức xã hội.

M.T

.
.
.