Tổ chức kỳ họp thứ 2 Hội đồng nhân dân tỉnh khóa IX
Ngày 3-8-2016, kỳ họp thứ 2 Hội đồng nhân dân tỉnh khoá IX đã được khai mạc. Tham dự có ông Nguyễn Văn Danh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Lê Hồng Quang - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Võ Văn Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang; ông Lê Văn Hưởng - Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đại biểu Quốc hội, các vị trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh và lãnh đạo các sở, ban ngành, các huyện, thị, thành.
Các đại biểu tham dự kỳ họp và ông Nguyễn Văn Danh phát biểu khai mạc kỳ họp (ảnh phải). |
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Danh - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu các đại biểu HĐND nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực thảo luận, đóng góp ý kiến vào các báo cáo, tờ trình; xem xét cho ý kiến để thông qua một số Nghị quyết trên các lĩnh vực; đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ người đại biểu nhân dân, chất vấn những vấn đề còn tồn tại, nhằm góp phần thúc đẩy các ngành phấn đấu hoàn thành tốt các kế hoạch, chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng.
Bà Nguyễn Thị Sáng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đã báo cáo kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2016: Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân và các đại biểu đã thực hiện tốt các chương trình hoạt động theo kế hoạch; chủ yếu là tổ chức giám sát, triển khai chương trình xây dựng nghị quyết, chuẩn bị tổ chức kỳ họp, các đợt tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp. Trong đó, hoạt động giám sát, nội dung giám sát được chọn lọc có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề bức xúc của xã hội, từ đó có những kiến nghị xác đáng.
Bà Nguyễn Thị Sáng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh trình bày báo cáo. |
Tiếp đó, ông Huỳnh Văn Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh trình bày các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp, tập trung vào các vấn đề: Tình hình thiên tai, dịch bệnh, hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng phức tạp; tình trạng ô nhiễm môi trường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, tai nạn giao thông, tội phạm, tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Cử tri đề nghị các ngành, các cấp cần có các biện pháp kiên quyết và hiệu quả hơn trong công tác phòng ngừa và xử lý các vi phạm.
Báo cáo tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 2 cho thấy, qua các buổi tiếp xúc, cử tri đã có 596 ý kiến phản ánh, kiến nghị về nhiều vấn đề: Bảo hiểm xã hội, các chính sách hỗ trợ nông dân sản xuất, tiêu thụ nông sản, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về thông tin tuyên truyền, quan tâm nhiều hơn công tác xây dựng nông thôn mới, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, nâng cao chất lượng nước sinh hoạt, tăng cường đầu tư cho giáo dục, y tế, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh,…
Trong đó có nhiều ý kiến đã được đại diện chính quyền giải đáp tại các buổi tiếp xúc, được cử tri đồng tình. Những ý kiến chưa được giải đáp, Thường trực HĐND tỉnh tổng hợp theo lĩnh vực và thẩm quyền, để chuyển đến các cơ quan Trung ương cùng các ngành chức năng của tỉnh xem xét, giải quyết.
Ông Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo tình hình kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm 2016. |
Báo cáo tình hình kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm 2016, ông Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh phát triển đúng hướng, đạt được kết quả trên nhiều lĩnh vực. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRD) bình quân tăng 7,1%. Trong đó, khu vực nông, lâm, ngư nghiệp tăng 2,1%, khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 16,7% và dịch vụ tăng 7,5%.
Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 908,9 triệu USD,tăng 13,7% so cùng kỳ; thu ngân sách từ kinh tế địa phương là 3.570 tỷ đồng, đạt 61% kế hoạch; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội là 11.229 tỉ đồng, đạt 42, 2% kế hoạch, tăng 9,7%; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 5,87%.
Đáng chú ý là UBND tỉnh đã lãnh đạo công tác ứng phó với hạn mặn kịp thời, góp phần giảm thiểu thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp; đồng thời đã đề ra các nhóm giải pháp phấn đấu đạt các chỉ tiêu mà Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra năm 2016, trong đó tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh,…
Các đại biểu HĐND tỉnh cũng đã nghe các thành viên UBND tỉnh trình bày tờ trình kèm dự thảo Nghị quyết về các vấn đề:
Quy định nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2017-2020 của tỉnh; Phân bổ kinh phí do ngân sách Trung ương hỗ trợ để thực hiện chính sách bảo vệ và phát triển đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh;
Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030; Qui định mức thu, quản lý và sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản; Qui định mức thu, quản lý học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non công lập và cơ sở giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh từ năm học 2016-2017 đến năm học 2020-2021;
Quy định mức thu, quản lý học phí đối với Trường Đại học Tiền Giang, các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề công lập trên địa bàn tỉnh từ năm học 2016-2017 đến năm học 2020-2021,… Các Ban của HĐND tỉnh đã báo cáo thẩm tra các dự thảo Nghị quyết nêu trên.
Ngày 4-8, các đại biểu HĐND tỉnh sẽ thảo luận tại tổ, đóng góp ý kiến phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh trong những tháng còn lại của năm 2016 và các dự thảo Nghị quyết dự kiến thông qua tại kỳ họp. Sáng ngày 5-8, các đại biểu tiếp tục thảo luận tại hội trường, thực hiện các hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn về những vấn đề cử tri và đại biểu quan tâm.
(Theo Cổng TTĐT Tiền Giang)