Thứ Năm, 01/09/2016, 17:02 (GMT+7)
.

Bác luôn nâng bước chúng con

Tháng 12-1968, sau khi kết thúc cao điểm 3 Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, tôi cùng đoàn 25 cán bộ trẻ lực lượng vũ trang tỉnh Bến Tre, do anh Nguyễn Xuân Hòa làm Trưởng đoàn, được chọn đi đào tạo cán bộ chiến lược ở miền Bắc.

Tạm biệt chiến trường Đồng Khởi Bến Tre ác liệt, hơn một tháng trời vượt sông, qua lộ mới đến Tà Nu (Campuchia) và tiếp tục hơn hai tháng nữa băng rừng, vượt núi mới đến Binh Trạm H25 ( Trường Sơn). Mặc dù, đường xa, mang vác nặng nề nhưng không ai thấy mệt, rất lạc quan, hăng hái, vì ngoài việc học tập, mong muốn lớn nhất của chúng tôi được ra Thủ đô Hà Nội để gặp Bác Hồ kính yêu.

Thế nhưng, khi đến binh trạm cuối cùng (Quảng Bình) thì Tướng Nguyễn Thị Định, Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam gặp chúng tôi động viên: “Do yêu cầu nhiệm vụ mới, các em trở lại miền Đông học rồi trở về chiến trường tiếp tục chiến đấu”.

Tháng 3-1969, chúng tôi vào học Trường Quân chính R (H12), tại căn cứ miền Đông.  Ngày 3-9, khi nghe tin Bác Hồ mất, hàng ngàn học viên và cán bộ nhà trường đứng nghiêm dưới cơn mưa rừng xối xả nghe Trung tá - Chính ủy Nguyễn Văn Vầy đọc điếu văn truy điệu Bác. Là những sĩ quan trẻ chưa một lần gặp Bác nhưng không hiểu sao lúc đó ai nấy đều khóc sướt mướt như đứa trẻ “mất cha”, nhất là khi Chính ủy đọc 5 lời thề tiễn Bác đi xa, tất cả đều hô vang : “Xin thề, xin thề” vang vọng cả một cánh rừng.

Và cũng từ những lời thề ấy mà những người lính trẻ được đào tạo chính quy ra trường trở về chiến trường chiến đấu không sợ gian khổ, hy sinh, rèn luyện cho mình trở thành những chiến sĩ trung kiên với Đảng, với dân và nhiều sĩ quan đã trở thành Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.

Đến bây giờ, đã 47 năm trôi qua mà tôi vẫn nhớ như in ngày ấy.

LÊ HỒNG LÂM

.
.
.