Thứ Sáu, 02/09/2016, 16:21 (GMT+7)
.

Giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại Bản Tuyên ngôn Độc lập

Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Bản Tuyên ngôn tuy ngắn gọn nhưng chứa đựng những nội dung bất hủ, có giá trị lịch sử đối với dân tộc Việt Nam và có ý nghĩa thời đại sâu sắc.

Bản Tuyên ngôn Độc lập do Bác Hồ soạn thảo đã kế thừa, tổng kết tiến trình lịch sử dân tộc, nhất là giai đoạn đấu tranh cách mạng do Đảng lãnh đạo và chú trọng đến các giá trị pháp lý quốc tế. Bản thảo Tuyên ngôn được Bác trao đổi, tham khảo ý kiến của nhiều người, kể cả người nước ngoài.

Bản Tuyên ngôn Độc lập đã kết tinh ý chí tự lực, tự cường của dân tộc, từ “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” đến “cõi bờ sông núi đã riêng” và sáng ngời nền văn hiến hơn 4.000 năm của dân tộc; đồng thời kế thừa và phát triển những giá trị tiến bộ của nhân loại. Tuyên ngôn Độc lập tập trung thể hiện các vấn đề cơ bản sau:

1. Tuyên ngôn Độc lập đề cao những giá trị về quyền con người và quyền của các dân tộc. Mở đầu Bản Tuyên ngôn, Hồ Chí Minh trích dẫn ngay Bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ công bố năm 1776: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Tiếp đó, Người còn đề cập đến tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái trong Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Đó là những tư tưởng bất hủ về quyền con người, là lẽ phải không ai chối cãi được.

Từ việc thừa nhận quyền tự do, bình đẳng của con người, Bác khẳng định quyền của các dân tộc: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Từ tiến trình lịch sử Việt Nam và cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức, Hồ Chí Minh khẳng định chân lý: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Các quyền dân tộc cơ bản: Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc phải được tôn trọng và bảo đảm trên thực tế thì mới có điều kiện thực hiện quyền con người. Nước có độc lập thật sự, người dân mới có hạnh phúc, tự do. Quyền dân tộc và quyền con người có mối quan hệ mật thiết với nhau và không ngừng hoàn thiện, bảo đảm cho đất nước phát triển bền vững, con người làm chủ vận mệnh của mình.

2. Tuyên ngôn Độc lập tố cáo và lên án chính sách áp bức của chủ nghĩa thực dân đối với dân tộc Việt Nam và các dân tộc thuộc địa. Sau khi khẳng định những lẽ phải không ai chối cãi được, Hồ Chí Minh nhấn mạnh:

“Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”. Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho dân ta một chút tự do, dân chủ nào; lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, ngăn cản dân ta đoàn kết. Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học; thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta; dìm các cuộc khởi nghĩa của ta trong bể máu. Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều...

Chính sách cai trị của chủ nghĩa thực dân đã thể hiện bản chất tàn bạo, phản động của chủ nghĩa đế quốc đối với các dân tộc bị cai trị. Đấu tranh chống đế quốc, thực dân để tự giải phóng là yêu cầu tự thân, sống còn để bảo vệ quyền sống và quyền tự quyết dân tộc.

Cuộc đấu tranh của dân tộc Việt Nam do Đảng và Hồ Chí Minh lãnh đạo đã giành thắng lợi, với ý chí quật cường “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Đó là sự đóng góp về phát triển lý luận và chính trị - thực tiễn của cách mạng thuộc địa, một bộ phận không thể tách rời của cách mạng thế giới trong thế kỷ XX.

Trong Tuyên ngôn Độc lập, sự lên án đó càng làm rõ hơn bản chất của chủ nghĩa thực dân, thức tỉnh các dân tộc đứng lên đấu tranh vì quyền sống. Vì thế, bản Tuyên ngôn không chỉ có ý nghĩa với dân tộc Việt Nam, mà còn có ý nghĩa thời đại sâu sắc. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc điển hình, đóng góp cho sự phát triển lý luận và thực tiễn về vấn đề dân tộc.

3. Bản Tuyên ngôn nêu bật cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam chống sự xâm lược của Pháp, Nhật; đồng thời khẳng định cơ sở pháp lý của nước Việt Nam độc lập. Tuyên ngôn nêu rõ: “Mùa thu năm 1940, phát xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương để mở thêm căn cứ đánh Đồng minh, thì bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật. Từ đó, dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật. Từ đó, dân ta càng cực khổ, nghèo nàn. Kết quả là cuối năm ngoái sang đầu năm nay, từ Quảng Trị đến Bắc kỳ, hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói”.

Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính, tước vũ khí quân đội Pháp, quân Pháp hoặc bỏ chạy hoặc đầu hàng. Nhân dân Việt Nam vẫn đối xử khoan hồng, nhân đạo với quân Pháp, giúp người Pháp chạy qua biên thùy hoặc cứu người Pháp khỏi trại giam của Nhật. Khi Nhật đầu hàng Đồng minh, thời cơ Tổng khởi nghĩa đã đến, nhân dân cả nước Việt Nam nổi dậy giành chính quyền.

Đó là hiện thực lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam được làm nên bởi sức mạnh khối đại đoàn kết và khát vọng độc lập, tự do của toàn dân Việt Nam dưới lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ. Hiện thực lịch sử đó không những làm thay đổi vị thế của một dân tộc, một đất nước, mà còn làm biến đổi cuộc sống của mỗi con người Việt Nam, mở ra thời đại mới và tạo nên động lực phát triển đất nước bền vững.

Khẳng định hiện thực lịch sử, đồng thời Tuyên ngôn cũng làm sáng tỏ cơ sở pháp lý của nền độc lập của dân tộc ta. “Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các hội nghị Tê-hê-răng và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không nhận quyền độc lập của dân Việt Nam”. 

Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 được dựa trên cơ sở chính trị và pháp lý vững chắc đó; đồng thời khẳng định, chủ quyền dân tộc Việt Nam được xác lập từ cuộc đấu tranh lâu dài chống thực dân, phát-xít và được bảo đảm bởi những cam kết quốc tế và Hiến chương Liên Hợp quốc.

“Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập! Vì những lẽ trên, chúng tôi - Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do và độc lập”.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của Việt Nam là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc điển hình của dân tộc thuộc địa chống thực dân, phát-xít đứng lên tự giải phóng vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ II. Đó là thành quả của 15 năm đấu tranh cách mạng do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo.

Cuộc giải phóng dân tộc điển hình đó, với Bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử đã cổ vũ các dân tộc bị áp bức đứng lên đấu tranh tự giải phóng. Một cuộc cách mạng vừa mới nổ ra, một bản Tuyên ngôn vừa được công bố đã có tầm ảnh hưởng to lớn, thu hút sự chú ý của nhiều nước trên thế giới. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mở ra kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

LÊ VĂN TÝ

.
.
.