Thăm nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn Độc lập
Mỗi năm đến tháng 9, du khách đến Hà Nội đều đến tham quan ngôi nhà số 48, phố Hàng Ngang - một di tích lịch sử cách mạng đặc biệt, là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo Bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhà số 48 phố Hàng Ngang đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa theo Quyết định 54VH/QĐ ngày 29-4-1979.
Ngôi nhà số 48 nằm sát lề đường mé phải phố Hàng Ngang trong khu phố cổ Hà Nội, trước đây thuộc phường Diên Hưng, tổng Hữu Túc (sau đổi là tổng Đông Thọ), huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức. Nay di tích thuộc phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.
Căn phòng được thiết kế như một phòng triển lãm, trưng bày chuyên đề về Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác Hồ. |
Ngôi nhà xưa xây theo lối cổ, quay hướng Đông, mặt sau quay ra phố Hàng Cân, có 2 tầng thấp. Nhà là cửa hàng bán tơ lụa, vải vóc của hiệu Phúc Lợi, giữa khu buôn bán sầm uất nhất kinh thành lúc bấy giờ. Chủ ngôi nhà là ông bà Trịnh Phúc Lợi. Đến những năm đầu thế kỷ XX, ông bà Lợi đã cho vợ chồng người con lớn là Trịnh Văn Bô quản lý và ngôi nhà này đã được tôn tạo theo lối kiến trúc hiện đại thời Pháp, với 4 tầng lầu.
Gia đình ông bà Trịnh Văn Bô là một gia đình yêu nước, được giác ngộ cách mạng và là một trong những cơ sở cách mạng tại nội thành. Vì lợi thế nằm giữa khu mua bán sầm uất nên ngôi nhà đã sớm được chọn làm nơi ở, làm việc của Bác Hồ và các đồng chí trong Thường vụ Trung ương Đảng trong những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Ngày 19-8-1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội thắng lợi rực rỡ và UBND cách mạng lâm thời Hà Nội ra mắt đồng bào thủ đô vào sáng ngày 20-8-1945. Trong chuỗi sự kiện lịch sử trọng đại đó, ngày 22-8-1945, tại nhà số 48, phố Hàng Ngang, Tổng Bí thư Trường Chinh cùng với Thường vụ Trung ương Đảng họp, ra Chỉ thị cho các nơi tiếp tục giành chính quyền theo gương Hà Nội và cử ông Lê Đức Thọ lên Tân Trào đón Hồ Chủ tịch về Hà Nội.
Ngày 25-8-1945, Người về đến Thủ đô. Tại tầng 2 của ngôi nhà, phòng ăn của gia đình chủ nhà đã được dùng làm phòng họp của Bác với Thường vụ Trung ương Đảng. Căn phòng rộng chừng 60 m2, chính giữa phòng là một chiếc bàn chữ nhật có kích thước lớn bằng gỗ màu cánh dán sẫm, 8 chiếc ghế tựa mềm bọc nỉ xanh phủ trắng.
Góc phải phía ngoài của phòng họp còn có một chiếc bàn nhỏ và một chiếc ghế tựa cũng được bọc nỉ phủ vải trắng. Trên bàn là chiếc máy chữ mà Bác Hồ đã dùng từ Chiến khu Việt Bắc và Bác đã dùng chiếc máy chữ này soạn thảo các chỉ thị của Đảng và Tuyên ngôn Độc lập.
Qua hành lang sang phía ngoài là 2 căn phòng, một phòng của Bác và một phòng tiếp khách. Căn phòng nhỏ của Bác diện tích chừng 20 m2, đồ đạc rất đơn sơ. Góc trong kê một chiếc bàn tròn, một chiếc ghế bành có tựa cao, bọc vải trắng. Góc bên đặt một chiếc đi văng, một chiếc tủ gỗ màu cánh dán và một chiếc giường vải xếp để Bác nằm nghỉ ngơi.
Chính tại căn phòng nhỏ bé này, Bác Hồ đã dành trọn 3 ngày, từ 28 đến 30-8 tập trung tâm lực, trí tuệ, bản lĩnh của một vị lãnh tụ để soạn thảo Bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bản Tuyên ngôn Độc lập đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố với thế giới, với dân tộc vào ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Ngày 2-9-1945 là ngày hội lớn của dân tộc Việt Nam vì Việt Nam đã chính thức được thế giới công nhận là một nước độc lập và có quyền tự do, dân chủ…
Nhà số 48 phố Hàng Ngang đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa theo Quyết định 54VH/QĐ ngày 29-4-1979. Năm 2008, theo chỉ đạo của Thành ủy và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, TP. Hà Nội đã triển khai thực hiện Dự án tu bổ, tôn tạo, phục hồi nguyên trạng di tích nhà số 48 phố Hàng Ngang.
Phòng ngoài của tầng 1 ngôi nhà được tái tạo lại thành nội thất của cửa hàng bán tơ lụa như vốn có từ hơn 60 năm trước. Tầng 2, nơi làm việc của Bác Hồ và Thường vụ Trung ương Đảng được giữ nguyên nội thất với những hiện vật đã có. Trên tầng 3 và 4 sắp xếp thành các phòng trưng bày, giới thiệu những đóng góp của gia đình ông bà Trịnh Văn Bô cho cách mạng cùng một phòng tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và trưng bày chuyên đề về học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác Hồ.
Bà Irina Bokova, Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) đã đến Việt Nam vào dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội để trao Bằng Chứng nhận Di sản Văn hóa thế giới Khu Trung tâm Hoàng Thành và Thăng Long, cũng đã đến thăm Di tích Văn hóa - Lịch sử 48 Hàng Ngang.
Bà chia sẻ cảm xúc rất ngưỡng mộ và khâm phục đức tính giản dị, gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi được tận mắt nhìn thấy những hiện vật trưng bày trong phòng trưng bày. Và một sự kiện đặc biệt có ý nghĩa là: Cũng nhân dịp này, bà Irina Bokova đã trao tặng bản Nghị quyết của Đại hội đồng UNESCO về việc tôn vinh Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới”.
PHÙNG LONG