Góp ý 9 vấn đề vào Bộ luật Hình sự 2015
Ngày 26-10, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13.
Phát biểu ý kiến thảo luận, đại biểu Tạ Minh Tâm (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) bày tỏ sự thống nhất với nội dung Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 và tán thành quan điểm sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật lần này là sửa đổi tối đa các sai sót; không làm thay đổi các chính sách lớn của Bộ luật Hình sự đã được Quốc hội thông qua; phải bảo đảm góp phần đáp ứng yêu cầu thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là đối với các loại tội phạm xâm phạm trật tự xã hội, tội phạm về môi trường, tội phạm sử dụng công nghệ cao và tội phạm về ma túy là những vấn đề mà cử tri hết sức quan ngại hiện nay.
Thống nhất quan điểm đề nghị Quốc hội thông qua dự án Luật này theo quy trình 2 kỳ họp, kỳ họp này Quốc hội thảo luận cho ý kiến và sẽ thông qua tại kỳ họp lần thứ ba vào năm 2017; đồng thời đề nghị Quốc hội quan tâm xem xét đến những vấn đề quy định cụ thể của dự thảo Luật như sau:
Một là, về phân loại tội phạm đối với pháp nhân thương mại (Điều 9): Thống nhất bổ sung quy định về phân loại tội phạm đối với pháp nhân thương mại như trong dự thảo Luật, để làm căn cứ xác định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, xác định thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử... Bởi lẽ, đây là vấn đề mới, phức tạp, chưa có thực tiễn nên cần có lộ trình nghiên cứu, hoàn thiện.
Hai là, về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (Điều 27): Thống nhất nội dung sửa đổi bổ sung thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Tuy nhiên, để công tác điều tra truy tố xét xử không để xảy ra việc lạm quyền, oan sai, sót lọt tội phạm, đề nghị làm rõ như thế nào là “pháp nhân thương mại phạm tội cố tình trốn tránh, cản trở việc truy cứu trách nhiệm hình sự” quy định tại khoản 4. Vì pháp nhân không phải là một con người cụ thể và được quy định tại Điều 74, 75 Bộ luật Dân sự 2015 nên rất khó xác định được việc pháp nhân thương mại phạm tội cố tình trốn tránh, cản trở việc truy cứu trách nhiệm hình sự trong thực tiễn.
Ba là, về căn cứ miễn trách nhiệm hình sự (Điều 29): Thống nhất phương án sửa đổi, bộ sung dự thảo Luật. Tuy nhiên, tại khoản 5b, Điều 29, đề nghị thay chữ “hoặc” bằng chữ “và”; bởi đối với trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự khi dự thảo Luật quy định “pháp nhân thương mại tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả của tội phạm, tích cực hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện, điều tra tội phạm và có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước thừa nhận” thì chưa đảm bảo tính nghiêm minh, nhất là trong điều kiện pháp nhân thương mại có hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh tế, môi trường đang có xu hướng gia tăng và ngày càng nghiêm trọng như hiện nay.
Đồng thời, theo quy định tại Điều 84 thì tình tiết “tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả” là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; trong khi đó, cũng chỉ với tình tiết này, pháp nhân thương mại lại có thể được miễn trách nhiệm hình sự là chưa hợp lý.
Bốn là, về chính sách hình sự đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội (Điều 12): Thống nhất với phương án sửa đổi, bổ sung.
Bên cạnh đó, tại khoản 2, Điều 12, đề nghị cân nhắc bổ sung thêm các tội danh thuộc nhóm các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII và các tội phạm phá hoại hòa bình, chống lại loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI để bảo đảm phòng ngừa tội phạm. Bởi vì, trong điều kiện hiện nay khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin ngày càng phát triển, trình độ hiểu biết và nhận thức của con người ngày càng được nâng cao, một bộ phận người chưa thành niên nghĩ rằng mình đã lớn, đủ hiểu biết để thực hiện hành vi của mình và muốn thể hiện bản thân của mình cho người khác thấy, từ đó rất dễ bị kích động hay dụ dỗ lôi kéo để thực hiện hành vi phạm tội.
Năm là, về việc bổ sung quy định liên quan đến vấn đề xác định hàm lượng để quy ra khối lượng hoặc thể tích chất ma túy làm cơ sở cho việc xử lý hình sự (các Điều 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật Hình sự 2015): Đây là quan điểm hợp lý. Tuy nhiên, đề nghị Quốc hội cân nhắc trong điều kiện thực tế, cũng như sự phức tạp trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy hiện nay, khi mà năm 2016 tội phạm ma túy nhiều hơn năm 2015 18,85% số vụ, 17,65% số bị can, thiết nghĩ cần có thêm thời gian, có lộ trình để chúng ta áp dụng nguyên tắc này làm cơ sở cho việc xử lý hình sự mọi tội phạm về ma túy. Trước mắt, đề nghị chỉ quy định cần phải xác định hàm lượng chất ma túy thu giữ được để quy ra khối lượng hoặc thể tích chất ma túy làm cơ sở cho việc xử lý hình sự nếu thuộc 1 trong 4 trường hợp sau: Chất ma túy ở thể rắn được hòa thành dung dịch; chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng; xái thuốc phiện; thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần.
Sáu là, về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175): Thống nhất phương án sửa đổi, bổ sung; đồng thời, để không bỏ lọt tội phạm, tại điểm a, khoản 1, đề nghị bổ sung cụm từ “hoặc sử dụng sai mục đích đến thời điểm trả tài sản nhưng không có khả năng chi trả” vào sau cụm từ “Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả”.
Bảy là, về tội sản xuất, buôn bán hàng cấm và tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm (Điều 190 và 191): Thống nhất chọn phương án 2 như quan điểm tại Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp.
Tại điểm a, khoản 1, Điều 109 và 191, đề nghị cần phải bổ sung định lượng số hàng phạm pháp là thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật đến bao nhiêu thì bị xử lý hình sự; cũng như cân nhắc quy định giá trị hàng hóa làm căn cứ để định tội, định khung hình phạt đối với 2 tội danh này nhằm khắc phục những điểm chưa hợp lý mà các ý kiến tham gia đóng góp đã nêu ra.
Tám là, về tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 292): Thống nhất quan điểm bỏ tội danh cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông; đồng thời cân nhắc đưa vào các chương tương ứng về xử lý hình sự đối với hành vi kinh doanh vàng tài khoản; kinh doanh đa cấp bất chính trên mạng máy tính, mạng viễn thông vì phạm vi ảnh hưởng, tính chất và mức độ nguy hiểm cao cho xã hội, hậu quả lớn, rất khó khắc phục, cần phải có quy định để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm; đồng thời nghiên cứu sửa đổi lại cấu thành: Mức thu lợi bất chính, doanh thu... cho phù hợp.
Chín là, về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giam, giữ người trái pháp luật (Điều 377): Nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, đề nghị khoản 1, Điều 377 bổ sung cụm từ “mà đã bị xử lý kỷ luật về hành vi đó hoặc gây ra những hậu quả nghiêm trọng” phía sau cụm từ “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây…”.
ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)