Giữ lửa truyền thống lưu lại cháu con
Trong những ngày tháng 10, Ban Liên lạc Cơ quan Chính trị Quân khu 8 tất bật với nhiều hoạt động nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Cơ quan Chính trị Quân khu 8 (20-10-1946 - 20-10-2016). Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước 30-4-1975 đến nay, các cán bộ, chiến sĩ thuộc Cơ quan Chính trị Quân khu 8 chuyển đến công tác ở nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị, nhưng vẫn luôn giữ trong mình ngọn lửa truyền thống của đơn vị và lưu lại cho cháu con tiếp nối.
CỐNG HIẾN LỚN LAO
Tháng 12-1945, tại Hội nghị mở rộng, Xứ ủy Nam bộ quyết định chia Nam bộ ra thành 3 chiến khu. Chiến khu 8 gồm các tỉnh: Tân An, Gò Công, Mỹ Tho, Bến Tre và Sa Đéc; sau đó bổ sung thêm tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh.
Được sự cho phép của Xứ ủy, Phòng Chính trị Chiến khu 8 ra đời vào ngày 20-10-1946, do đồng chí Nguyễn Văn Vịnh, Chính trị Ủy viên khu trực tiếp lãnh đạo và đồng chí Nguyễn Văn Long là Trưởng phòng đầu tiên.
Trong thời kỳ này, Phòng Chính trị Chiến khu 8 có trên 300 cán bộ, chiến sĩ, được phân bổ trong nhiều ban, tổ như: Ban Tuyên truyền lưu động, Ban Tuyên huấn, Ban Sưu tầm tài liệu, Ban Khảo huấn, Văn phòng - Ban Văn thư, Ban Địch vận, Ban Ấn loát, Ban Mỹ thuật, Tổ Báo chí, Tổ Hội họa, Tổ Nhiếp ảnh, Tổ Điện ảnh…
Ban Liên lạc họp bàn kế hoạch tổ chức họp mặt nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Cơ quan Chính trị Quân khu 8. |
Sự ra đời và quá trình xây dựng, phát triển của Phòng Chính trị Chiến khu 8 từ năm 1946 đến giữa năm 1951 đã góp phần rất quan trọng trong nhiệm vụ công tác Đảng, công tác chính trị đối với lực lượng vũ trang chiến khu 8; tác động cán bộ, chiến sĩ các đơn vị trong chiến khu chiến đấu dũng cảm, không sợ gian khổ, hy sinh, vượt qua khó khăn để công tác, chiến đấu giành nhiều thắng lợi to lớn, lập nên những chiến công vang dội, để lại dấu ấn không bao giờ phai mờ, là niềm tự hào của quân và dân miền Trung Nam bộ.
Giữa năm 1951, Bộ Chỉ huy Chiến khu 8 giải thể, Phòng Chính trị Chiến khu 8 cũng giải thể, cán bộ, chiến sĩ chia về làm lực lượng nòng cốt của 2 Phân liên khu miền Đông và miền Tây, góp phần làm nên những thành tích, chiến công mới.
Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, cán bộ lãnh đạo và lực lượng cách mạng ở lại miền Nam lui vào hoạt động bí mật. Tháng 1-1961, Trung ương Cục miền Nam được thành lập thay cho Xứ ủy Nam bộ và chiến trường khu 8 có mật danh là T2. Sau đó, Ban Quân sự T2 được chuyển thành Bộ Tư lệnh Quân khu 8 và Ban Chính trị Quân khu 8 tái thành lập.
Đóng góp quan trọng nhất thời gian đầu tái thành lập Cơ quan Chính trị Quân khu 8 là công tác biên soạn tài liệu nghiệp vụ để huấn luyện, học tập cho cán bộ, chiến sĩ. Thành tích nổi bật của Cơ quan Chính trị Quân khu 8 là đã xuất hiện những tấm gương không quản ngại gian khổ, hy sinh, bám chiến trường, đơn vị để triển khai các mặt hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị, xây dựng chi bộ thành pháo đài chiến đấu trên mặt trận chính trị, tư tưởng.
Xuyên suốt chặng đường từ năm 1960 đến 1975, Cơ quan Chính trị Quân khu 8 từ chỉ có 9 người, đã phát triển thành Phòng Chính trị với đầy đủ các bộ phận và trưởng thành lên Cục Chính trị Quân khu 8 với số lượng cán bộ, chiến sĩ từ 300 đến 500 người. Qua chiến đấu, công tác, nhiều đồng chí trở thành anh hùng, dũng sĩ, chiến sĩ thi đua, cán bộ cao cấp, trung cấp, giữ nhiều chức vụ quan trọng trong và ngoài Quân đội.
Sau ngày 30-4-1975, Quân khu 8 và Quân khu 9 hợp nhất thành Quân khu 9 và Cục Chính trị Quân khu 8 cũng hợp nhất với Cục Chính trị Quân khu 9 thành Cục Chính trị Quân khu 9. Tuy tên gọi không còn, nhưng các cán bộ, chiến sĩ được rèn luyện trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước từ Cơ quan Chính trị Quân khu 8 đã đóng góp không nhỏ vào thành tích và chiến công của Cục Chính trị Quân khu 9.
BỒI HỒI MONG NGÀY GẶP MẶT
Nhắc lại những ngày tháng chiến đấu trong hàng ngũ Cơ quan Chính trị Quân khu 8, những cụ ông, cụ bà tóc đã bạc trắng, chân run… nhưng nhắc lại chuyện xưa thì hào hứng như thời tóc xanh tuổi trẻ.
Ông Huỳnh Minh Đoàn, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp nhắc lại kỷ niệm của những ngày đầu tham gia cách mạng, đó là 2 năm ở Cơ quan Chính trị Quân khu 8 với cấp “chiến sĩ hạng bét” vì nhỏ tuổi nhất đơn vị. Nơi đây đã rèn luyện để ông từ “binh bét” dần trưởng thành, trở thành quân nhân anh dũng đứng dưới Quân kỳ Quyết thắng.
Khánh thành Nhà bia truyền thống Cơ quan Chính trị Quân khu 8 Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Cơ quan Chính trị Quân khu 8, Ban Liên lạc đã tổ chức khánh thành Nhà bia truyền thống Cơ quan Chính trị Quân khu 8 tại ấp Tân Chánh A, xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An. Nhà bia có tổng diện tích khoảng 500 m2, kinh phí xây dựng trên 600 triệu đồng. Ấp Tân Chánh A, xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An là nơi thành lập và hoạt động của Cơ quan Chính trị Quân khu 8 trong những năm đầu mới thành lập. |
Ông Lê Thanh Phong thì chia sẻ những ngày làm báo giữa rừng bom đạn của giặc, với cơm vắt nằm bờ của một phóng viên Báo Quân khu 8.
Đó là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa bám chiến trường, sống chết cùng bộ đội, là những lúc viết báo giữa trận địa:
“Lúc trận địa nổ súng, tất cả phóng viên đều chui vào công sự để viết bài, lấy đầu gối làm bàn và thắp đèn bằng chai alcol. Địch phản kích, pháo nổ gần, đèn bị tắt liên tục, viết xong bản tin thì đất, bụi rơi phủ kín cả đầu người…”.
Ông Đặng Văn Đấu nhớ kỷ niệm ngày cưới “3 không, 2 có” của mình. Đó là đám cưới mà không có xe hoa, áo cưới cô dâu; không có họ hàng nhà trai, nhà gái và cũng không có bàn thờ gia tiên để tạ ơn ông bà, cha mẹ; nhưng trong ngày trọng đại đó của cuộc đời, vợ chồng ông đã làm lễ tuyên thệ trước bàn thờ Tổ quốc, nguyện cùng nhau vượt qua khó khăn, gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ của người lính và có đồng chí, đồng đội chứng kiến, chung vui.
Trong những năm tháng công tác, chiến đấu gian khổ, các cán bộ, chiến sĩ cách mạng ấy đã đón nhận ân tình đùm bọc của người dân. Với họ “nợ dân” không thể nào trả hết, người dân yêu nước đã từng chia ngọt sẻ bùi, nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ; nợ ân tình dân đã cưu mang, chở che.
Ông Nguyễn Chí Trung và ông Lê Trọng Nghĩa ray rứt: “Tới giờ chúng tôi vẫn còn ân hận là mượn gạo của chị Sáu Nhanh ở xã Long Tiên, huyện Cai Lậy chưa kịp trả thì phải lên đường theo kế hoạch tổng công kích. Sau giải phóng không tìm được chị để trả gạo!...”.
Theo Đại tá Ngô Hà Thanh, Phó Trưởng Ban Liên lạc Cơ quan Chính trị Quân khu 8, hiện còn trên 300 đồng chí đã từng chiến đấu, công tác ở Cơ quan Chính trị Quân khu 8 đang sinh sống trên địa bàn các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Bắc. “Cứ 2 - 3 năm chúng tôi tổ chức họp mặt một lần để ôn lại truyền thống, nhắc nhở nhau làm tốt nhiệm vụ trong cuộc sống đời thường…”.
THỦY HÀ (lược ghi)