Nội dung họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9-2016
Chiều 4-10, tại Hà Nội đã diễn ra buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9-2016 dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn.
Toàn cảnh phiên họp báo. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Thông tin về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 trong 2 ngày 3 và 4 -10 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Đây là phiên họp với khối lượng rất lớn, đề cập 22 nội dung khác nhau. Ngày đầu tiên, Chính phủ họp về xây dựng thể chế. Ngày thứ hai, Chính phủ dành thời gian bàn tập trung các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội năm 2016, trong đó có những nhóm giải pháp tích cực nhất, đột phá nhất để hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu trong kế hoạch 2016.
Đến thời điểm này, chúng ta đã đi được 3/4 chặng đường của năm 2016. Đây là phiên họp Chính phủ thường kỳ rất quan trọng để nhìn lại, đánh giá lại tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội 9 tháng và nhiệm vụ giải pháp còn lại của 3 tháng cuối năm. Vì vậy Thủ tướng Chính phủ có định hướng chủ đề của phiên họp này đó là phấn đấu thúc đẩy tăng trưởng, cải thiện chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững với sự nỗ lực đạt mục tiêu cao nhất kế hoạch 2016. Đó là tăng trưởng 6,7% như Quốc hội đã ra nghị quyết.
Đây cũng là phiên họp Chính phủ đóng góp dự thảo báo cáo đánh giá kinh tế-xã hội năm 2016 để sắp tới Chính phủ trình với BCH Trung ương và trình tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV.
Nhận định tình hình kinh tế tháng 9 và 9 tháng, các thành viên Chính phủ cho rằng kinh tế vĩ mô 9 tháng ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được giữ vững, tiếp tục đà tăng trưởng tốt, quý sau cao hơn quý trước và nhất là quý III chúng ta tăng trưởng 6,4%. Quý I chúng ta tăng trưởng 5,48% GD, quý II tăng trưởng 5,78% và quý III 6,4%. Nông nghiệp quý I tăng trưởng âm 1,23%, quý II tăng trưởng âm còn 0,18% và quý III chúng ta đã có tăng trưởng dương về nông nghiệp là 0,65%.
Trong bối cảnh thế giới không thuận, thương mại toàn cầu đang giảm, trong nước chúng ta phải chịu ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu là hạn hán, xâm nhập mặn và sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, của cộng đồng doanh nhân thì chúng ta tăng trưởng 5,93% GDP trong 9 tháng là sự nỗ lực rất tích cực.
Với quyết tâm rất cao như vậy, độ giãn tăng trưởng của quý III so với quý II (0,68%) cao hơn độ giãn tăng trưởng của quý II so với quý I (0,3%). Trong 9 tháng qua, điều rất quan trọng là chúng ta tạo niềm tin của người dân, của DN với sự quyết tâm rất cao, hành động quyết liệt, thực sự nói và làm của một Chính phủ kiến tạo, đặc biệt là ban hành các thể chế như Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 và Nghị quyết 60.
DN thành lập mới tăng cả về số lượng và số đăng ký vốn, trong 9 tháng là 81.451 DN với vốn đăng ký 629 nghìn tỷ đồng. Như vậy chúng ta tăng 12,9% số DN, tăng 49,5% số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Đây là con số rất đáng khích lệ. Không khí làm việc, lao động, sản xuất của mọi miền Tổ quốc, của các bộ, ngành, địa phương, các cấp, của thành thị đến nông thôn, miền núi đều hết sức sôi động. Đây là cái được bền vững.
Phiên họp Chính phủ kỳ này, Thủ tướng đưa ra quyết tâm cao nhất để hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng tốt nhất. Tốt nhất là gì? Tinh thần cao nhất là đạt mục tiêu Quốc hội giao 6,7% nhưng tình hình dự báo trong nước và quốc tế như thế thì khả năng đạt được 6,7% là rất khó. Nếu chúng ta tăng trưởng 6,3% thì quý IV tăng trưởng phải 7,1%.
Nếu chúng ta tăng trưởng 6,5% cả năm 2016 thì chúng ta tăng trưởng quý IV là 7,7%. Và nếu chúng ta đạt tăng trưởng theo kế hoạch là 6,7% cả năm 2016 thì quý IV phải đạt được mức tăng trưởng 8,3%. Từ những việc như vậy, Chính phủ quyết tâm cao nhất để hoàn thành các mục tiêu nhưng quan trọng hơn hơn là chất lượng tăng trưởng chứ không phải số lượng tăng trưởng.
Các lĩnh vực văn hóa-xã hội, đào tạo, quốc phòng-an ninh có nhiều đổi mới, an ninh trật tự được giữ vững mặc dù có những thế lực lợi dụng ảnh hưởng sự cố môi trường biển miền Trung và một số vụ việc khác. Tuy nhiên tình hình chính trị, an ninh xã hội chúng ta vẫn bảo đảm tốt. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định ứng 3.000 tỷ đồng bồi thường của Formosa cho 4 tỉnh miền Trung để hỗ trợ, bồi thường cho nhân dân dân thiệt hại do Formosa gây ra.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ trong bối cảnh còn rất nhiều khó khăn thách thức, nhiệm vụ còn lại cuối năm 2016 rất nặng nề, nhất là mục tiêu tăng trưởng GDP và mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu. Trong 13 chỉ tiêu, 9 tháng chúng ta đã hoàn thành và vượt 11 chỉ tiêu, còn lại 2 chỉ tiêu là tăng trưởng GDP và xuất khẩu. Xuất khẩu là mục tiêu 7,5-8% nhưng 9 tháng chúng ta mới đạt 6,7%.
Đặc biệt khi kết luận phiên họp Chính phủ tháng 9, Thủ tướng nhấn mạnh không chỉ quyết tâm mà phải có nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để đạt tăng trưởng cao nhất, với hành động năng động sáng tạo, kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, thách thức, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Đặc biệt, các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ , Chủ tịch các địa phương phải thực sự có chương trình hành động cụ thể với kỷ cương, kỷ luật đã nêu tại phiên họp Chính phủ tháng 8. Từ đó cần có sự chuyển động mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, của cả bộ máy, nhất là tháo gỡ các rào cản cho sản xuất kinh doanh.
Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp có hiệu lực thì Chính phủ cũng đã ban hành các nghị định chi tiết để thi hành các luật. Vừa qua, Chính phủ cũng dành thời gian tập trung thảo luận xây dựng thể chế. Đó là xây dựng một luật để sửa đổi 12 luật liên quan đến Luật Đầu tư, trình Quốc hội để thông qua Luật Doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để tạo điều kiện cho môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn. Đặc biệt năm 2016 là năm khởi nghiệp DN, chúng ta đã có hành động rất cụ thể hướng về DN, tháo gỡ khó khăn cho DN.
Sau phiên họp Chính phủ ngày 3/10, hết giờ làm việc, Thủ tướng Chính phủ cũng triệu tập các cơ quan chức năng, các bộ liên quan như EVN, PVN, TKV để nghe báo cáo Đề đề án quy hoạch điện, khả năng cung cấp điện và dự báo khả năng điện của 2018-2020. Trong bối cảnh DN tăng trưởng, nhu cầu sử dụng điện lớn thì một điều kiện tiên quyết là không thể thiếu điện phục vụ cho sản xuất và an sinh xã hội.
Nội dung thứ hai trong phiên họp Chính phủ là công tác xây dựng thể chế. Trong 9 tháng qua công tác này đã được Chính phủ quan tâm và coi là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên của Chính phủ. Xây dựng Chính phủ kiến tạo, Chính phủ liêm chính, Chính phủ hành động vì người dân, nên vấn đề hoàn thiện thể chế và không để khoảng trống pháp lý là một nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên của Chính phủ.
Lần đầu tiên Chính phủ khẳng định rằng không còn nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh. Theo kế hoạch chỉ còn 7 văn bản phải ban hành trước thời điểm 15/10. Thủ tướng yêu cầu phiên họp này phải kiểm điểm các bất cập tồn tại, nhất là vấn đề phản ứng trước chính sách, phản ứng trước yêu cầu của các DN, đặc biệt liên quan đến điều kiện kinh doanh theo kinh tế thị trường tại Việt Nam, những tác động của chính sách đã ban hành, những tác động cần tháo gỡ khó khăn phục vụ cho sản xuất kinh doanh, các kế hoạch tái cơ cấu kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính ngân sách giai đoạn 2016-2020, dự thảo nghị định của Chính phủ về tự chủ các trường ĐH, dự thảo nghị quyết của Chính phủ về giải pháp thuế nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh phát triển DN và các nội dung liên quan đến việc bán vốn của SCIC tại các DN đã niêm yết trên thị trường chứng khoán, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp thị thực điện tử... Đó là những nội dung Chính phủ dành nhiều thời gian thảo luận.
Tại phiên họp, tôi với tư cách là Tổ trưởng Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo kết quả kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ, kết luận của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, ngành, địa phương. Ngày 19/8, Thủ tướng quyết định thành lập Tổ Công tác và tháng 9 đã kiểm tra 4 cơ quan: Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, UBND TP. Hà Nội và tập đoàn EVN.
Thời gian hoạt động của Tổ Công tác chưa nhiều nhưng qua tác động của hoạt động kiểm tra tại Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính (tháng 8) và 4 cơ quan trong tháng 9 thì cũng đã tạo chuyển biến rõ nét của các bộ, ngành, địa phương như việc các bộ, ngành, địa phương chủ động thành lập các tổ công tác trực tiếp rà soát nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kết luận của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo bộ giao cho các cơ quan trực thuộc. Và kết luận đó cũng đã được Tổ Công tác rà soát, theo dõi, đôn đốc, tháo gỡ, phản ánh, cập nhật, kết nối để đề xuất những giải pháp.
Tổ Công tác cũng đã nêu những kết quả kiểm tra tại 4 cơ quan nêu trên, đặc biệt phân tích rõ những vướng mắc, tồn tại chủ quan của các cơ quan khi để nhiệm vụ quá hạn. Kết luận phiên họp, Thủ tướng đánh giá cao hoạt động của Tổ Công tác đã dần đi vào nền nếp, tạo chuyển biến tiến bộ sau kiểm tra, đặc biệt việc giảm số nhiệm vụ quá hạn.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải nhận thức rõ Tổ Công tác được ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra là vì công việc chung, trong thời gian tới sẽ tiếp tục kiểm tra và có thể quay lại kiểm tra các bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra trước đó để xem mức độ hậu kiểm thế nào. Thủ tướng đồng ý với các kiến nghị của Tổ Công tác và yêu cầu các cơ quan Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, UBND TP. Hà Nội, EVN thực hiện nghiêm túc các kết luận đã kiến nghị của Tổ Công tác.
Một vấn đề nữa xin thông báo và chia vui với báo chí, đó là Nghị quyết 35 của Chính phủ nêu rõ hỗ trợ và phát triển DN để đến năm 2020 chúng ta có 1 triệu DN. Tại hội nghị xúc tiến đầu tư tại Hà Nam ngày 6-8, Thủ tướng có chỉ đạo lập một website của Chính phủ giao Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP trực tiếp cùng các chuyên gia và các tổ công tác tiếp thu, lắng nghe phản ánh, kiến nghị của DN tới Chính phủ.
Nói cách khác đây là website của Chính phủ với DN, tiến tới sẽ có website của Chính phủ với người dân. Như vậy sự thông tin tiếp cận của DN với Chính phủ và trả lời của Chính phủ được công khai, minh bạch. Ai cũng có quyền truy cập, xem tất cả nội dung tại website của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP. Có thể nói qua hệ thống này các kiến nghị của DN, những khó khăn vướng mắc của DN trong quá trình SXKD, đặc biệt các cơ chế chính sách, các giao dịch, các chi phí trực tiếp… sẽ được các bộ, ngành, địa phương trả lời và VPCP, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP sẽ thành lập tổ công tác để đôn đốc kiểm tra và trả lời trực tiếp cho DN với danh nghĩa Chính phủ trả lời cho DN. Website này hoạt động từ 1-10-2016.
Tuy nhiên, do tập trung chuẩn bị cho phiên họp Chính phủ, bắt đầu từ ngày 5-10, tổ giúp việc cho Bộ trưởng sẽ trực tiếp tiếp nhận các thông tin của DN. Đến nay chúng tôi đã tiếp nhận được 6 ý kiến của DN trong và ngoài nước, nếu công bố ngày hôm nay thì chúng tôi sẽ nhận được nhiều hơn. Rất mong các phóng viên báo chí cùng theo dõi, giám sát việc tiếp nhận và trả lời của Chính phủ đối với DN, và khuyến nghị các DN trực tiếp hỏi thông tin công khai minh bạch trên cơ sở tuân theo pháp luật, quy định đã ban hành.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng trả lời câu hỏi của phóng viên. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
PV Song Đào (Báo điện tử Tổ quốc): Tôi vừa được nghe giới thiệu về Cổng thông tin tiếp nhận ý kiến của doanh nghiệp, xin hỏi trong trường hợp các doanh nghiệp phản ánh về chuyện phải đút lót phong bì tới một số cơ quan và gây khó dễ cho doanh nghiệp, thì VPCP có tiếp nhận những thông tin như vậy không và trong trường hợp nếu tiếp nhận rồi thì có chuyển tới các cơ quan chức năng để xử lý không?
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Có thể nói thế này, việc chỉ đạo của Thủ tướng là công khai, minh bạch và tạo ra môi trường thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, kể cả vấn đề cắt giảm các rào cản, cắt giảm các giấy phép con, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì... Việc đăng tải các thông tin minh bạch, công khai và thành lập website của Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP giúp việc cho Thủ tướng chính là thể hiện những thông điệp của Thủ tướng ; Xây dựng Chính phủ liêm chính, minh bạch và hướng về doanh nghiệp, phục vụ doanh nghiệp. Những vụ việc báo chí và doanh nghiệp phản ánh là ở chỗ này chỗ kia yêu cầu doanh nghiệp phải nộp phong bao phong bì có không?
Chúng ta phải nói thế này: Trong thực tiễn là có, có những lợi ích nhóm, có lợi ích của cá nhân, công chức, viên chức thi hành công vụ gây khó dễ cho doanh nghiệp, mặc cả với doanh nghiệp tỉ lệ phần trăm trong dự án. Chuyện đó thực tế là có. Chính vì thực tế như thế nên Thủ tướng chỉ đạo tất cả mọi việc công khai để ngăn chặn những nhóm lợi ích và hạn chế nhất những tiêu cực trong quá trình giải quyết thủ tục cho các nhà đầu tư. Khi nhận được những thông tin như vậy thì chúng tôi sẽ chuyển các cơ quan chức năng.
Chúng ta có thể nói là nếu như phản ánh của các doanh nghiệp, của báo chí có chứng cứ, căn cứ xác đáng thì các cơ quan chức năng sẽ xem xét để đánh giá, nhất là cơ quan quản lý cán bộ của cấp đó. Nếu như tại địa phương thì chúng tôi sẽ chuyển về địa phương và yêu cầu cán bộ phải làm rõ, phải giải trình với lãnh đạo địa phương. Nếu như thuộc Bộ thì bộ trưởng phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng, yêu cầu cán bộ bị phản ảnh phải giải trình rõ với các doanh nghiệp, dư luận của người dân và báo chí.
Chúng ta làm một cách công khai, minh bạch như thế. Còn kết luận không hay có, mức độ nào thì cần quá trình xem xét. Chúng ta rất minh bạch nhưng không đổ oan cho người khác, cũng không để lọt những đối tượng có hành động nhũng nhiễu, tiêu cực.
PV Kiều Minh (Báo điện tử Dân Việt): Trong thời gian vừa qua, chúng ta đã tiến hành khởi tố bị can đối với ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch PVC. Tuy nhiên, khi tiến hành khởi tố, cơ quan cảnh sát điều tra phát hiện ông này đã bỏ trốn, hiện chưa xác định được. Dư luận đặt câu hỏi có hay không sự tiếp tay cho trường hợp này trước khi ông này có thông tin bị khởi tố và trách nhiệm của Bộ Công an thế nào khi giám sát với đối tượng này để khi khởi tố thì phát hiện đối tượng không còn ở trong vùng kiểm soát của chúng ta nữa?
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Đây là vụ việc được dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước rất quan tâm. Có thể khẳng định quyết tâm chính trị rất cao của toàn đảng, toàn dân từ người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến cả hệ thống chính trị, Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, cả hệ thống vào cuộc, chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ các vi phạm của Trịnh Xuân Thanh để báo cáo các cơ quan có thẩm quyền.
Việc chạy trốn của Trịnh Xuân Thanh đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý, như Bộ Công an đã khởi tố bị can và có lệnh truy nã quốc tế.
Như vậy, chúng ta khẳng định rằng, các cơ quan chức năng, người có thẩm quyền không có hiện tượng bao che, dung túng, che đậy tội phạm và bảo kê cho Trịnh Xuân Thanh chạy trốn. Việc Trịnh Xuân Thanh chạy trốn ra nước ngoài là ngoài ý muốn của chúng ta.
Chúng ta cũng nghĩ rằng, với cương vị, tư cách là người lãnh đạo ở thời điểm đó, Trịnh Xuân Thanh lại chạy trốn cơ quan pháp luật, tránh né khỏi tổ chức Đảng, cơ quan đang sinh hoạt ở đó. Chúng ta không mong muốn như thế. Chúng ta khẳng định rằng không có sự bao che, tiếp nối, dung túng để Trịnh Xuân Thanh chạy trốn.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
PV Ngọc Hà (Ban Thời sự VTV): Bộ Thông tin và Truyền thông đã quyết định thu thẻ nhà báo, với ông Nguyễn Như Phong, Tổng Biên tập báo Petrotimes, đình bản 3 tháng hoạt động của báo này. Phải chăng việc đăng lại bài từ một tờ báo Việt ở nước ngoài về ông Trịnh Xuân Thanh là lý do chính của việc xử phạt này? Bộ trưởng có ý kiến gì về dư luận trái chiều thông qua quyết định xử phạt này của Bộ Thông tin và Truyền thông?
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn: Lý do thu thẻ nhà báo của ông Nguyễn Như Phong cũng như đình bản tạm thời 3 tháng với Petrotimes, trong quyết định đình bản và thu thẻ nhà báo đã nêu rất rõ. Nhưng phóng viên đã hỏi, tôi xin nói đó chỉ là một lý do, có nghĩa là còn có những lý do khác. Về lý do thứ nhất này, Bùi Thanh Hiếu là đối tượng chuyên gây rối an ninh trật tự đã bị chính quyền xử lý năm 2009, hiện đang sống ở nước ngoài, có nhiều hoạt động tuyên truyền sai sự thật chống phá Nhà nước, bôi nhọ nhiều tổ chức và cá nhân.
Việc đăng lại phỏng vấn người này trên tờ báo của Hội Dầu khí không chỉ làm trái tôn chỉ mục đích của báo, mà còn tiếp tay cho hoạt động chống phá Nhà nước của đối tượng này.
Trịnh Xuân Thanh hiện đang là bị can bị truy nã. Bài phỏng vấn Bùi Thanh Hiếu đăng trên tờ báo ở nước ngoài đưa ra các thông tin bị cắt xén, thiếu căn cứ, kèm theo nhận định sai lệch, dễ bị suy diễn là Trịnh Xuân Thanh không phạm tội. Petrotimes cho đăng một phần nội dung bài báo, vô hình chung lôi kéo bạn đọc vào địa chỉ đăng toàn văn bài này và các bài khác.
Với tư cách cơ quan ngôn luận của Hội Dầu khí, việc cho đăng tải bài báo nói trên gián tiếp làm dư luận hiểu sai về vụ án này, không những gây nhiễu loạn thông tin, còn cản trở đấu tranh chống tham nhũng, tội phạm kinh tế, gây hoang mang dư luận, bất lợi cho các cơ quan bảo vệ pháp luật khi đang thực hiện quy định pháp luật.
Như tôi đã nói, đó chỉ là một lý do, còn các lý do khác. Đó là, hiện nay theo quy định tại giấy phép hoạt động, Báo điện tử Petrotimes tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực năng lượng dầu khí, thông tin về hoạt động năng lượng dầu khí trong các hoạt động đời sống xã hội, phản ánh hoạt động ngành dầu khí Việt Nam và thế giới, tuyên truyền vận động nhân dân tham gia tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường…Nhưng thực tế hoạt động, những tin bài thuộc các lĩnh vực khác chiếm tỉ lệ lấn át so với tin bài thuộc tôn chỉ tờ báo này. Báo Petrotimes vừa chệch hướng tôn chỉ mục đích, vừa đăng nhiều thông tin không có kiểm chứng, nhiều bài viết xúc phạm danh sự nhiều cá nhân và tổ chức.
Trong phạm vi trả lời tại buổi họp báo này, chưa liệt kê hết được, nhưng tôi chỉ xin dẫn vài điển hình. Phá vụ án “Năm Cam” là thành tích lớn của các cơ quan bảo vệ pháp luật, nhưng Petrotimes liên tục đăng bài nhằm lật lại vụ án trong các bài viết như: “Người hùng trong vụ án Năm Cam tiếp tục bị truy tố”, “Một người hùng trong vụ án Năm Cam lĩnh án 10 năm tù”; “Tướng Nguyễn Việt Thành lợi dụng vụ án Năm Cam như thế nào?”... Ngoài ra, còn nhiều bài sai sự thật khác trên Petrotimes, như “Ông nghị Đặng Thành Tâm ôm 600 tỷ đi đâu?”, thông tin không đúng sự thật gây thiệt hại cho DN và ngân hàng. Rồi loạt bài khen ngợi Dương Tự Trọng, em trai Dương Chí Dũng trong vụ án Vinalines hay loạt bài về “Bí mật việc Trung quốc lấy nội tạng tử tù” lấy thông tin từ các nguồn không được kiểm chứng.
Ngay cả vụ “bác sĩ Cát Tường”, báo đưa ra bài “Bộ trưởng Y tế nên từ chức”, gây bức xúc dư luận. Chưa nói các bài như “Vong hiện hình trên bia đá” sai sự thật, liên tiếp đăng các vụ giết người chặt xác man rợ, thông tin giật gân, câu khách không chính xác. Các bài này đã bị xử phạt hành chính, phê bình nhắc nhở nhiều lần, nhưng Petrotimes vẫn tiếp tục xảy ra sai phạm. Với tư cách người đứng đầu Petrotimes, ông Nguyễn Như Phong phải chịu trách nhiệm.
Theo tôi, những người làm báo chân chính và đông đảo người dân ủng hộ quyết định này. Sự phản ứng một số người trên một số trang mạng xã hội cũng dễ hiểu. Người ta nói Việt Nam siết chặt báo chí, vi phạm tự do ngôn luận. Tôi xin thưa, Việt Nam có luật pháp của Việt Nam, không chỉ bảo vệ quyền tự do báo chí, tức là không chỉ tự do cho các nhà báo, mà còn bảo vệ quyền tự do ngôn luận của mọi công dân.
Khi nhà báo, cơ quan báo chí lạm dụng quyền này, sử dụng quyền này cho mục đích khác thì xâm phạm quyền đó của công dân. Việc xử lý nghiêm minh trường hợp Petrotimes vừa rồi góp phần làm trong sạch cơ quan báo chí, là bước tiến mới để chúng ta thực hiện quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí của nhân dân.
Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát mục đích tôn chỉ các cơ quan báo chí và sẽ tiếp tục xử lý nghiêm các cơ quan báo chí nếu xảy ra sai phạm.
PV Bích Diệp (Báo Dân trí): Xin hỏi lãnh đạo VPCP và lãnh đạo Bộ Công Thương về việc niêm yết và thoái vốn của Habeco và Sabeco. Tháng trước, lãnh đạo Bộ Công Thương đã nói sẽ thực hiện thoái vốn tại Habeco trong năm nay và một phần tại Sabeco. Đồng thời, theo chỉ đạo của Thủ tướng, sẽ phải niêm yết trước khi thoái vốn. Từ giờ đến cuối năm chỉ còn 3 tháng nữa, công tác này hiện đã được thực hiện như thế nào? Hai DN này khi nào sẽ được niêm yết trên sàn chứng khoán? Vừa rồi VPCP có thông báo về chỉ đạo của Phó Thủ tướng liên quan đến vấn đề của ông Vũ Quang Hải. Có chi tiết là trước đấy đã có 2 công văn của Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính về vấn đề này. Xin hỏi nội dung của 2 công văn này như thế nào?
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng: Vừa rồi Thủ tướng có văn bản chỉ đạo Bộ Công Thương triển khai chóng đưa lên sàn chứng khoán 2 doanh nghiệp Habeco và Sabeco. Hiện Bộ Công Thương đã thành lập ban chỉ đạo và đang chỉ đạo rất quyết liệt làm sao để đưa lên sàn sớm nhất 2 DN này.
Nhưng khi triển khai thực hiện thì các thủ tục mất rất nhiều thời gian, thủ tục liên quan đến việc lên sàn theo quy định phải mất 12-14 tuần. Trong khi đó đối với Habeco trước đây có nhà đầu tư chiến lược là Carlsberg, việc giải quyết vướng mắc với Carlsberg mất rất nhiều thời gian. Do đó khả năng lên sàn của 2 DN này trong năm nay là khó khăn. Tuy nhiên, việc lên sàn nếu chậm cũng chỉ sang quý I/2017.
Về việc Vũ Quang Hải, trước đây Bộ Công Thương đã có báo cáo với Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và trong thời gian vừa qua, Bộ đã làm việc với đoàn kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương liên quan đến công tác cán bộ trong thời gian vừa qua, trong đó có trường hợp của Vũ Quang Hải.
Sau khi có văn bản của Bộ Nội vụ và Bộ Tài Chính, Phó Thủ trướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Công Thương báo cáo với Chính phủ liên quan đến các nội dung mà 2 Bộ Tài Chính và Nội vụ đề cập trong 2 văn bản trên trước 1/11/2016. Bộ Công Thương còn 1 tháng nữa để thực hiện việc này. Chúng tôi đang làm việc với tinh thần trung thực, khách quan, cầu thị, tiếp thu ý kiến của các bộ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Tôi xin nói thêm về việc thoái vốn của 2 DN Habeco và Sabeco. Chủ trương của Thủ tướng Chính phủ là cương quyết sắp xếp lại các DNNN, trong đó việc bán phần vốn của Nhà nước không cần nắm giữ tại các DN này, với chủ trương nhất quán là minh bạch, công khai bán cho các DN trong và ngoài nước. Nguyên tắc bán là phải đấu giá, không bán chỉ định cho một nhà đầu tư.
Liên quan đến việc 2 DN lên sàn chứng khoán chậm là lỗi của 2 DN vì 2 DN này đã cổ phần hóa lâu rồi nhưng không lên sàn chứng khoán. Muốn bán được thì phải lên sàn chứng khoán để trên cơ sở giá tham chiếu của sàn chứng khoán, các cơ quan tư vấn nghiên cứu thêm. Muốn bán phần vốn, nguyên tắc là các DN này phải lên sàn chứng khoán, phải có tư vấn đấu thầu để xác định giá trị trước khi bán với nguyên tắc bán cho DN nào có điều kiện mua được giá cao nhất, không có lợi ích nhóm trong bán cổ phần của DN.
Với mục tiêu mang lại cho Nhà nước Việt Nam lợi ích cao nhất, không bán chỉ định, không bán giới hạn, tóm lại ai có giá cao nhất người đó mua. Việc Thủ tướng giao cho 2 DN này phải niêm yết lên sàn chứng khoán và thực hiện trong năm 2016, nếu thực hiện chậm, Bộ Công Thương có trách nhiệm kiểm điểm trước Thủ tướng. Hai DN Habeco và Sabeco sẽ có trách nhiệm kiểm điểm trước Bộ Công Thương về việc chậm trễ, không minh bạch vì nếu lên sàn chứng khoán là tạo ra sự minh bạch nhất, mọi nhà đầu tư có thể lên sàn chứng khoán theo dõi, xem xét.
Tinh thần của Thủ tướng trong cuộc họp về cổ phần hóa DN, đặc biệt là các DN không cần nắm giữ, là “Chính phủ không cần phải đi bán bia, bán sữa”. Dự kiến cuối tháng 10 các cơ quan chức năng sẽ tham mưu cho Thủ tướng tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về vấn để cồ phần hóa DN, vấn đề bán vốn tại các DNNN không cần nắm giữ. Lúc đó sẽ mời báo chí dự để thấy sự công khai và quyết liệt của Thủ tướng về nội dung này.
Chúng ta sẽ thấy rằng nguồn lực khi bán các nguồn vốn tại các DNNN không cần nắm giữ chính là nguồn lực đầu tư cho tăng trưởng, phát triển những dự án, nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ phải chọn trong nhiệm kỳ 2016-2020.
PV Huy Hoàng (VTV24): Vẫn liên quan đến Sabeco, theo quy định chúng ta sẽ phải niêm yết xong mới thoái vốn. Nhưng có câu chuyện liên quan đến việc nộp thuế tiêu thụ đặc biệt và truy thu thì hiện nay Bộ Công Thương nói không, trong khi Kiểm toán Nhà nước nói là có. Vậy xin hỏi đến thời điểm này, việc truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt của Sabeco, và có thể sắp tới là Habeco, như thế nào rồi vì việc này không diễn ra được thì không thể kiểm toán được và do đó sẽ không thể lên sàn được?
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng: Liên quan đến hai doanh nghiệp này, Bộ Công Thương cũng đang chỉ đạo, triển khai một cách quyết liệt nhất để làm sao có thể niêm yết lên sàn, kịp thoái vốn Nhà nước tại hai doanh nghiệp này theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Về truy thu tiền thuế tiêu thụ đặc biệt của hai doanh nghiệp Habeco và Sabeco, xin thông báo với các bạn là hai doanh nghiệp Sabeco và Habeco đã nộp theo đúng kết luận của Kiểm toán Nhà nước. Như vậy vấn đề truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt không phải là lý do, không ảnh hưởng tới tiến độ niêm yết hai doanh nghiệp này trên sàn chứng khoán.
PV Hoài Thu (Báo Giao thông): Vừa qua, TPHCM lên kế hoạch 5 nhóm dự án để giải cứu sân bay Tân Sơn Nhất khỏi tình trạng quá tải. Ngày 27-9 vừa qua, TPHCM đã có văn bản gửi Chính phủ xin chủ trương cho phép Thành phố thực hiện khẩn cấp, áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn trong dự án tư vấn này? Chính phủ đã có quan điểm về việc này hay chưa vì nếu như quá chậm sẽ không kịp thực hiện cho dịp Tết năm nay?
Được biết, sáng nay, Chủ tịch thành phố Hà Nội đã báo cáo về sự cố cá chết Hồ Tây lên Thủ tướng Chính phủ. Xin Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP thông tin về việc này, đặc biệt là nguyên nhân ban đầu?
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Cá chết tại Hồ Tây là sự kiện trước nay chưa từng có. Một diện tích hơn 500 ha xảy ra sự cố, với 24 cửa xả xuống Hồ Tây. Ngay sau khi có hiện tượng thì Chủ tịch UBND đã trực tiếp xuống kiểm tra. Thủ tướng Chính phủ giao cho Hà Nội kiểm tra và xác định nhanh nguyên nhân. Sáng nay, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình đã chỉ đạo cơ quan chức năng, giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học môi trường, đặc biệt là Bộ Công an tiến hành kiểm tra, rà soát nguyên nhân tại sao cá chết. Khi nào có kết quả, chúng tôi sẽ thông báo tới cơ quan báo chí. Thủ tướng đã yêu cầu kiểm tra rõ nguồn xả thải, xem nguồn nước có vấn đề gì không. Có thông tin là do thiếu oxy, nếu như vậy phải tìm hiểu rõ tại sao thiếu oxy. Khi có kết quả, các cơ quan chức năng sẽ chia sẻ thông tin cụ thể.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đào Quang Thu: Đầu tư trong tình trạng khẩn cấp đã được quy định trong Luật Đầu tư công và Nghị định 136 của Chính phủ về thi hành Luật Đầu tư công. Theo đó, pháp luật đã có quy định về một số dự án được đầu tư trong tình trạng khẩn cấp. Chủ đầu tư được thực hiện cắt giảm một số bước, có thể về thi công, có thể cho chỉ định thầu hoặc là lựa chọn nhà thầu trong tình trạng đặc biệt. Đó là nguyên tắc chung. Rất tiếc là dự án TPHCM đề nghị thì hiện nay chúng tôi chưa nhận được, nên chưa biết cụ thể về dự án và thuyết minh tính khẩn cấp của TPHCM đối với dự án đó. Do đó tôi chưa thể khẳng định được quan điểm của Bộ KH&ĐT ủng hộ hay không về đề nghị nêu trên.
PV Nghĩa Nhân (Báo Pháp luật TPHCM): Chỉ tiêu tăng trương Quốc hội đề ra là 6,7% nhưng Thủ tướng đến phiên họp này đề cập đến khả năng chỉ tăng 6,3%, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đã nêu về một số khó khăn khách quan, chủ quan, trong và ngoài nước. Xin Bộ trưởng đánh giá liệu đầu năm Đại hội Đảng, sau đó công tác chuyển giao lãnh đạo, nhân sự… có ảnh hưởng thế nào đến việc điều hành tăng trưởng này? Xin hỏi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá thế nào nếu tăng GDP thấp hơn mục tiêu đề ra khá nhiều, ảnh hưởng chi tiêu vĩ mô khác ví dụ như nợ xấu, bội chi…?
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Về tốc độ tăng trưởng GDP là 6,3%, tôi khẳng định, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ hiện không đặt vấn đề hạ chỉ tiêu tăng trưởng giảm đi so với Nghị quyết của Quốc hội. Tốc độ GDP phải tăng 6,7% và xuất khẩu phải duy trì theo Nghị quyết của Quốc hội là 7,5-8%. Bội chi không quá 4%, nợ công không quá 65%, nợ Chính phủ không quá 50%.
Hôm nay họp Chính phủ thường kỳ có đặt vấn đề là phấn đấu tăng trưởng giữ được mức độ từ 6,3% đến 6,5%. Như các bạn biết, điều kiện quốc tế có cái không thuận, thương mại toàn cầu có sự suy giảm lớn. Trong nước ảnh hưởng nặng nề, tiêu cực của biến đổi khí hậu, hạn hán miền Trung, Tây Nguyên, ngập mặn ở ĐBSCL, cơn bão số 1 tại các tỉnh ven biển như Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam, Hải Phòng, lạnh giá gây hại gia súc, sạt lở đất tại một số tỉnh miền núi... khiến cho tăng trưởng nông nghiệp âm 1,23% quý I, đến quý II vẫn âm 0,18%... Trong khi đó, tỉ lệ khai khoáng giảm do giá dầu thô giảm so với cùng kỳ năm 2015.
Chính phủ đưa ra chỉ số tăng trưởng 6,3% đến 6,5% không phải là chỉ tiêu tăng trưởng, mà tinh thần Chính phủ là phấn đấu mức độ cao nhất để đạt mục tiêu nhưng dự báo nếu như chúng ta đạt 6,7% trong năm 2016 là cực khó. Muốn đạt được, phải đạt tăng trưởng quý IV là 8,3%, quý III đạt 6,4%. Có mức tăng 7,7% để cả năm GDP đạt 6,5% cũng là rất quyết liệt. Một số nhóm giải pháp Chính phủ đưa ra, quan trọng nhất phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Quan điểm của Thủ tướng là tỉ lệ tăng trưởng không quan trọng bằng chất lượng tăng trưởng.
Giải pháp là thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, đặc biệt giảm chi phí trong sản xuất, thúc xuất nhập khẩu, thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Chúng ta phải đầu tư bằng vốn Chính phủ, vốn tư nhân… Đó là các yếu tố tạo ra tăng trưởng GDP quan trọng. Đặc biệt Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 60 thúc đẩy giải ngân. Thời điểm này, vốn ngân sách nhà nước đã giải ngân được 58,6%, vốn TPCP đã giải ngân được 38,8%. Nhưng tinh thần, nếu 30-9 mà các địa phương, bộ, ngành không giải ngân được 50% thì sẽ phải điều chuyển vốn sang các đơn vị, địa phương khác. Tinh thần quyết liệt của Thủ tướng như vậy. Ngoài ra, có giải pháp tăng cường thúc đẩy phát triển tại các bộ, ngành, địa phương, thực hiện an sinh xã hội.
Trong các nhóm giải pháp thực hiện nhiệm vụ, giải pháp quan trọng chính là vai trò giám sát phản biện các cơ quan báo chí, thông tin cơ chế chính sách đến người dân. Đồng thời báo chí cũng tạo ra cầu nối thông tin của người dân với Chính phủ, doanh nghiệp với Chính phủ.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu: Chính phủ quyết tâm đạt cao nhất thực hiện mục tiêu kinh tế-xã hội trong năm 2016. Việc chưa đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các chỉ số khác vì tăng trưởng GDP là mẫu số tính toán nhiều chỉ tiêu khác. Nếu tăng trưởng GDP giảm đi so với mục tiêu thì sẽ có ảnh hưởng, nhưng chắc chắn trong tầm chấp nhận được.
PV Báo Quân đội Nhân dân: Vấn đề bến xe Thượng Lý của TP. Hải Phòng mặc dù Thủ tướng đã 3 lần chỉ đạo nhưng TP. Hải Phòng trong công văn mới nhất vẫn cho thấy là chưa giải quyết được vấn đề này. Xin hỏi Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, dưới góc độ Tổ trưởng Tổ Công tác của Thủ tướng, Bộ trưởng đánh giá thế nào về kỷ luật hành chính của một địa phương khi Thủ tướng có 3 lần mà vẫn chưa giải quyết được công việc? Trong thời gian tới Tổ Công tác có kế hoạch kiểm tra việc giải quyết các chỉ đạo của Thủ tướng tại TP.Hải Phòng, trong đó có vụ việc bến xe Thượng Lý, hay không?
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Ngày 8-8-2016, Công ty CP đầu tư và phát triển Kim khí Hải Phòng đã kiến nghị Thủ tướng về việc chuyển từ bến xe Tam Bạc sang bến xe Thượng Lý. Trên cơ sở kiến nghị của DN, Thủ tướng đã giao cho Hải Phòng xem xét và thụ lý ý kiến của DN theo nguyên tắc phải bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quy hoạch giao thông của Thành phố.
Ngày 29-9, thành phố Hải Phòng đã có báo cáo Thủ tướng, theo đó bến xe Thượng Lý là bến xe của Thành phố nằm trong quy hoạch, việc điều chuyển các tuyến xe từ bến xe Tam Bạc nằm trong Thành phố sang bến xe Thượng Lý nằm bên ngoài là chủ trương nằm trong quy hoạch, để giãn mật độ xe trong Thành phố vì liên quan nhiều đến các xe tải, xe container ra cầu cảng. Đến nay bến xe Thượng Lý đã có 15 DN vận tải với mật độ xe là 406 chuyến/ngày và Thành phố tiếp tục rà soát, đặc biệt là các tuyến tour, các “nốt” xe xuất phát từ bến xe Thượng Lý đi các tỉnh. Đây là chủ trương của Thành phố.
Vấn đề có kiểm tra TP. Hải Phòng không thì hiện Tổ Công tác chưa có kế hoạch. Nếu có kiểm tra thì Tổ Công tác sẽ thông tin thêm cho báo chí về vấn đề này nhưng tinh thần là phải bảo đảm được quyền lợi của nhà đầu tư và quy hoạch giao thông vận tải của Thành phố, bảo đảm an toàn giao thông phù hợp với quy hoạch.
PV báo VNEconomy: Cách đây 2, 3 tháng, Thủ tướng có chỉ đạo NHNN điều hành chính sách tiền tệ theo xu hướng giảm lãi suất cho vay. Nhưng 2, 3 tháng nay vẫn chưa thấy động thái nào từ NHNN đối với chỉ đạo này. Xin được hỏi Phó Thống đốc liệu có rào cản nào với việc này không và từ nay tới cuối năm lãi suất cho vay có thể giảm hay không?
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng: Bước vào năm 2016, khi cầu trong nước tăng trưởng lại, tín dụng tăng nhanh từ đầu năm, lạm phát có xu hướng tăng trở lại thì câu chuyện điều hành lãi suất là vấn đề rất khó khăn. Trên thực tế, những tháng đầu năm, trên thị trường xuất hiện xu hướng một số ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Khi lãi suất huy động tăng thì rất khó để giảm lãi suất cho vay. Chính vì thế, vào tháng 4-5, Thủ tướng có cuộc đối thoại với DN, tiếp sau đó có chỉ đạo tại các nghị quyết của Chính phủ, yêu cầu NHNN chỉ đạo, tổ chức điều hành làm sao để phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Vào thời điểm đó, NHNN thấy điều kiện thị trường là như vậy thì mục tiêu đầu tiên đặt ra là ngăn chặn xu hướng tăng lãi suất huy động, từ đó giảm áp lực lên lãi suất cho vay. Vì thế, về phía điều hành của NHNN, chúng tôi đã điều hành theo hướng điều tiết lượng vốn khả dụng của hệ thống một cách hợp lý, tức là cho phép hệ thống dư thừa thanh khoản, cho phép lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp. Việc này để các tổ chức tín dụng nếu gặp khó khăn về thanh khoản thì họ dễ dàng tiếp cận trên thị trường liên ngân hàng, không quay ra cạnh tranh lãi suất huy động từ thị trường 1.
Để giảm lãi suất cho vay, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị 04, là chỉ thị xuyên suốt với Chỉ thị 01, chỉ đạo tác tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn cho hợp lý, tiết kiệm chi phí, phấn đấu giảm lãi suất cho vay.
Trên thực tế, có một số ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay đối với một số đối tượng với thời hạn cụ thể. Từ nay tới cuối năm, bao giờ nhu cầu tín dụng cũng tăng cao hơn so với những tháng đầu năm, trong lộ trình và diễn biến của lạm phát hiện nay thì NHNN vẫn theo dõi rất sát để có thể điều hành. Gần đây có một số ngân hàng thương mại lớn có động thái điều chỉnh giảm lãi suất huy động khi thanh khoản của hệ thống vẫn tiếp tục dư thừa. Đây là cơ sở tốt để các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay.
(Theo chinhphu.vn)