Thứ Bảy, 01/10/2016, 09:52 (GMT+7)
.

Trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm lo tới công tác giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, bởi Người cho rằng: Đạo đức là cái gốc của người cách mạng, “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân". Do vậy, Người đã có nhiều ý kiến chỉ đạo mang tính toàn diện, thiết thực về công tác giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng, trong đó đặc biệt quan tâm đến vấn đề xây dựng trách nhiệm của cán bộ và mối quan hệ giữa cán bộ với nhân dân.

Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức và Chỉ thị 26/CT-TTG của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư trong hoạt động công vụ (đối với cán bộ, công chức), hoạt động nghề nghiệp (đối với viên chức).

Trong giao tiếp ở công sở, cán bộ, công chức, viên chức phải có thái độ lịch sự, tôn trọng đồng nghiệp; ngôn ngữ giao tiếp phải chuẩn mực, rõ ràng, mạch lạc. Cán bộ, công chức, viên chức phải lắng nghe ý kiến của đồng nghiệp; công bằng, vô tư, khách quan khi nhận xét, đánh giá; thực hiện dân chủ và đoàn kết nội bộ. Khi thi hành công vụ, hoạt động nghề nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức phải có tác phong lịch sự; giữ gìn uy tín, danh dự cho cơ quan, tổ chức, đơn vị và đồng nghiệp.

Cán bộ, công chức, viên chức phải gần gũi với nhân dân; có tác phong, thái độ lịch sự, nghiêm túc, khiêm tốn; ngôn ngữ giao tiếp phải chuẩn mực, rõ ràng, mạch lạc. Cán bộ, công chức, viên chức không được hách dịch, cửa quyền, gây khó khăn, phiền hà cho nhân dân khi thi hành công vụ, hoạt động nghề nghiệp.

Những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm như: Trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý bỏ việc công; sử dụng tài sản của Nhà nước và của nhân dân trái pháp luật; lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ, quyền hạn; sử dụng thông tin liên quan đến công vụ, hoạt động nghề nghiệp để vụ lợi; phân biệt đối xử dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức; hách dịch, cửa quyền, gây khó khăn, phiền hà cho nhân dân khi thi hành công vụ, hoạt động nghề nghiệp.

Ngoài ra, cán bộ, công chức, viên chức còn không được làm những việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh, công tác nhân sự quy định tại Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và những việc khác theo quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền.

Trong thực thi nhiệm vụ, công vụ cán bộ, công chức, viên chức phải tuân thủ tính thứ bậc, kỷ cương và trật tự hành chính, đúng thẩm quyền; nghiêm túc thực hiện công việc, nhiệm vụ được giao, không để quá hạn, bỏ sót nhiệm vụ được phân công; không đùn đẩy trách nhiệm, không né tránh công việc; phải đeo thẻ công chức, viên chức, nhân viên khi thực hiện nhiệm vụ;

Thực hiện nghiêm các quy định về đạo đức, văn hóa giao tiếp của người cán bộ, công chức, viên chức; không sử dụng thời giờ làm việc để làm việc riêng; thực hiện đúng quy định trong văn hóa hội họp; không hút thuốc lá trong phòng làm việc, phòng họp, hội trường;

Nghiêm cấm việc sử dụng rượu, bia, trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực; không được đánh bạc dưới mọi hình thức; không lợi dụng chức năng, nhiệm vụ để gây nhũng nhiễu, phiền hà, trục lợi khi xử lý, giải quyết công việc liên quan đến người dân và doanh nghiệp.

Ngoài ra, cán bộ, công chức, viên chức còn phải thực hiện nghiêm quy chế hoạt động của ngành, địa phương, của cơ quan, đơn vị. Cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên còn phải thực hiện nghiêm Quy định 47-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm.                                                                                                          

M.T

 

 

.
.
.