Thứ Ba, 08/11/2016, 06:37 (GMT+7)
.

Cần có kỷ cương, cơ chế để thúc đẩy liên kết vùng

Hội nghị Trao đổi hoạt động HĐND các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL về thúc đẩy liên kết vùng vừa diễn ra tại tỉnh Bến Tre. Đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội dự và chủ trì hội nghị.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu thẳng thắn nhìn nhận: ĐBSCL là vùng trọng điểm về sản xuất lúa gạo, thủy sản, cây ăn trái của cả nước. Vùng còn nhiều tiềm năng lớn trong phát triển du lịch, công nghiệp năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến hàng nông thủy sản phục vụ xuất khẩu.

Tuy nhiên, hiện nay, ĐBSCL vẫn là "vùng trũng" so với cả nước về giáo dục, y thế, hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút đầu tư và đang đứng trước thách thức khốc liệt của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hạn hán … trong khi nguồn lực tài chính của phần lớn các địa phương trong vùng còn nhiều yếu kém.

Nguyên nhân chủ yếu là hành động liên kết vùng còn nhiều bất cập, chủ trương liên kết chủ yếu còn "trên giấy", chưa có cơ chế chính sách đầu tư trọng điểm nhằm tạo sự phát triển lan tỏa trong vùng. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực trình độ cao của vùng còn thiếu, trong khi công tác đào tạo còn gặp khó khăn. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa tương xứng với tiềm năng, hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng phục vụ sản xuất chưa đồng bộ. Sự liên kết phát triển riêng rẽ, thiếu phối hợp, còn cạnh tranh gây bất lợi cho sự phát triển trong vùng.

Nội dung liên kết giữa các địa phương chủ yếu mang tính hình thức, chưa có tính thỏa thuận, chưa có cơ chế chặt chẽ để giải quyết hài hòa lợi ích giữa các địa phương tham gia liên kết và không có cơ chế ràng buộc nên hiệu quả liên kết chưa cao; chưa tạo được chuỗi sản phẩm hàng hóa chủ lực cho khu vực…

Nhiều ý kiến cho rằng, HĐND các tỉnh, thành phố không đứng ngoài cuộc trong đánh giá đề xuất cơ chế, chính sách thúc đẩy liên kết vùng. Bởi đây là vấn đề có tính thời sự cấp bách, vừa có tính chiến lược lâu dài, sống còn của ĐBSCL. Muốn giải quyết bài toán "liên kết vùng", nhiều ý kiến đề xuất: Liên kết vùng phải có kỷ cương liên kết và xử lý nghiêm những địa phương không tuân thủ. Trong chương trình hoạt động, HĐND các địa phương cần quan tâm, đưa vào chương trình, kế hoạch, theo dõi, giám sát việc thực hiện các cơ chế, chính sách liên kết vùng, liên kết khu vực của Trung ương ban hành. Các tỉnh, thành trong khu vực cần liên kết chặt chẽ trong đẩy mạnh hợp tác, xây dựng kế hoạch chung trong từng lĩnh vực: xúc tiến đầu tư, xây dựng các cơ chế chính sách, nhất là trong ưu đãi, thu hút đầu tư; xây dựng vùng nguyên liệu, phát triển công nghiệp chế biến, phát triển sản phẩm có lợi thế xuất khẩu và xây dựng thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ…

Từ đó tạo thành chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm trong khu vực. Trung ương cần xây dựng và hoàn thiện cơ chế về tổ chức điều phối chung (ai là "nhạc trưởng", tổng chỉ huy), cơ chế về tài chính (nguồn lực phục vụ các hoạt động ở đâu, phân công thế nào…)…; đặc biệt là cơ chế chia sẻ thông tin, hình thành cơ sở dữ liệu vùng trong việc xem xét, hoạch định chính sách của địa phương phù hợp với định hướng, sự phát triển của toàn vùng.

Tai hội nghị, đồng chí Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Quốc hội, đánh giá cao sáng kiến của HĐND các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL trong việc lựa chọn chủ đề vai trò của HĐND các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL trong đánh giá, đề xuất cơ chế, chính sách thúc đẩy liên kết vùng. Đây là chủ đề khó, lần đầu bàn tại hội nghị trao đổi kinh nghiệm của HĐND các tỉnh, thành trong cả nước.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị: HĐND từng địa phương cần có cách tiếp cận những nhiệm vụ phù hợp với mục tiêu phát triển liên kết vùng. Cần có ngay và với tinh thần trách nhiệm cao về sự phối hợp giữa các tỉnh, thành trong khu vực để rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế của từng địa phương, không để không gian kinh tế ảnh hưởng bởi chia cắt địa giới hành chính. HĐND các địa phương cần tổ chức và đẩy mạnh vận động, tuyên truyền người dân đồng thuận, hưởng ứng thực hiện Đề án liên kết vùng thông qua các phương tiện truyền thông và tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và HĐND. Trong mỗi kỳ họp, các Nghị quyết của HĐND các địa phương cần chỉ rõ công tác phối hợp trong thực hiện các nội dung liên kết vùng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, gắn với quốc phòng - an ninh, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân...

(Theo baocantho.com.vn)

.
.
.