Đề nghị 8 vấn đề về dự án Luật Thủy lợi
Ngày 14-11, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Thủy lợi. Tham gia phát biểu ý kiến, đại biểu Lê Quang Trí (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) nêu: Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế. Chỉ tính trong vụ hè thu năm 2016, hạn mặn đã làm thiệt hại hàng trăm ngàn hécta lúa, cây ăn quả, ao tôm, ao cá; hàng chục ngàn hộ dân thiếu nước sinh hoạt… thì việc ban hành Luật Thủy lợi là hết sức cần thiết.
Qua nghiên cứu Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, đại biểu Lê Quang Trí cơ bản đồng tình và đánh giá rất cao sự chuẩn bị của Ban soạn thảo dự án Luật. Tuy nhiên, để góp phần hoàn thiện dự án Luật, đề nghị dự Luật cần quan tâm thêm một số vấn đề sau:
Thứ nhất, về tiêu đề của Chương IV, đề nghị bổ sung cụm từ “vận hành” vào tiêu đề của Chương IV cho phù hợp. Vì nội dung tại Mục 2, Chương IV từ Điều 25 đến Điều 28 có quy định về vận hành công trình thủy lợi, nhưng trong tiêu đề của chương thì chưa thể hiện.
Thứ hai, về giải thích từ ngữ, tại Điều 3, cần thống nhất giải thích cụm từ “an toàn đập” tại khoản 15 của dự thảo Luật này với khoản 4, Điều 2 dự thảo Nghị định về quản lý an toàn đập. Vì theo dự thảo Luật, an toàn đập là bảo đảm việc thiết kế, thi công xây dựng, vận hành, bảo dưỡng đập và các công trình có liên quan đến hồ chứa nước được an toàn; đồng thời bảo đảm an toàn cho người và tài sản vùng ngập lụt hạ du. Tuy nhiên, theo dự thảo Nghị định, an toàn đập là bảo đảm an toàn cho bản thân đập, các công trình có liên quan và an toàn cho người, tài sản vùng hạ du đập.
Thứ ba, về khoa học, công nghệ trong hoạt động thủy lợi tại Điều 6, đề nghị bổ sung hai điểm vào khoản 2 về ưu tiên nghiên cứu khoa học và ứng dụng, đó là bổ sung điểm đ, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và vận hành công trình thủy lợi; bổ sung điểm e, nghiên cứu ứng dụng các mô hình thủy lợi nội đồng phù hợp với các vùng, miền khác nhau, phù hợp với các đối tượng sử dụng khác nhau. Vì thực tế hiện nay hệ thống thủy lợi truyền thống không đáp ứng được một số mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, như nuôi tôm công nghiệp, tưới nhỏ giọt cho cây trồng, hệ thống nhà màng, nhà lưới… Ví dụ, đối với nuôi tôm công nghiệp, hiện nay kênh cấp nước vào ao chứa và xả nước từ ao tôm ra bên ngoài chỉ là một, nên nếu có một ao tôm bị bệnh thì cả khu vực tôm đó sẽ bị dịch bệnh gây thiệt hại nặng nề. Do đó, rất cần thiết phải ưu tiên nghiên cứu khoa học và ứng dụng các mô hình thủy lợi cho nông nghiệp công nghệ cao.
Thư tư, về các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 8. Tại khoản 2, đề nghị bổ sung cụm từ “chôn lấp” và cụm từ “xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật vào hệ thống công trình thủy lợi”. Viết khoản 2 thành: “Đổ, chôn lấp chất thải, chất thải nguy hại trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật vào hệ thống công trình thủy lợi”. Vì trong thời gian vừa qua đã xảy ra một số trường hợp chôn lấp chất thải nguy hại, xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật vào công trình thủy lợi, làm ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng, gây bức xúc trong nhân dân. Cũng trong điều này, đề nghị bổ sung một khoản về hành vi bị nghiêm cấm, đó là việc chăn nuôi gia cầm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Vì việc chăn nuôi này có thể gây ô nhiễm nguồn nước, không đảm bảo chất lượng nguồn nước cho nông nghiệp công nghệ cao.
Thứ năm, về chiến lược phát triển thủy lợi tại Điều 10, đề nghị bổ sung quy định nguyên tắc về lập chiến lược phát triển thủy lợi như sau: Phải phù hợp với chiến lược quốc phòng, an ninh; phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch tài nguyên. Đặc biệt, phù hợp với kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế của đất nước và kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Cánh đồng lớn và Chương trình mục tiêu Quốc gia về nông thôn mới.
Thứ sáu, về căn cứ nội dung quy hoạch thủy lợi tại Điều 12, đề nghị bổ sung các căn cứ sau: Ý kiến, nguyện vọng của người dân trong vùng quy hoạch; ý kiến phản biện của các nhà khoa học và dự báo tác động của biến đổi khí hậu đối với công trình. Thực tế, có công trình thủy lợi chỉ sau một thời gian ngắn khai thác đã không thể vận hành do biến đổi khí hậu, nước mặn xâm nhập sâu vào đầu nguồn của công trình.
Thứ bảy, về các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi tại Điều 49, đề nghị hành vi xả nước thải chưa qua xử lý vào công trình thủy lợi phải đưa vào hoạt động cấm. Cần quy định chặt chẽ việc xả thải vào công trình thủy lợi tại điểm b, khoản 1, Điều 49 để không ảnh hưởng đến sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp.
Thứ tám, về tổ chức hoạt động của tổ chức thủy lợi cơ sở tại Điều 55, đề nghị nghiên cứu thí điểm giao một số công trình thủy lợi ở Đồng bằng sông Cửu Long đã được Nhà nước đầu tư cho cộng đồng quản lý, khai thác, vận hành và duy tu. Bởi lẽ, nếu được giao công trình, người dân sẽ chủ động nạo vét, khơi thông dòng chảy để bảo đảm cấp nước. Ngược lại, người dân sẽ được hưởng lợi từ việc khai thác cá, tôm và các nguồn lợi khác trong phạm vi công trình thủy lợi.
ĐĂNG HIẾU
(tổng hợp)