Thứ Tư, 09/11/2016, 15:00 (GMT+7)
.
ĐẠI BIỂU NGUYỄN HOÀNG MAI (ĐOÀN ĐBQH TỈNH TIỀN GIANG):

Góp ý 3 nội dung để xây dựng NTM và tái cơ cấu nông nghiệp

Ngày 4-11, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2015 gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Đây là nội dung Quốc hội thực hiện giám sát tối cao tại kỳ họp thứ hai - Quốc hội khóa XIV.

Phát biểu ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Hoàng Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) đồng tình và thống nhất cao với Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2015 gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và nhiều nội dung trong báo cáo của Chính phủ về vấn đề này.

Trong giai đoạn vừa qua, dù gặp nhiều khó khăn do tác động của khủng hoảng tài chính, sự suy thoái kinh tế toàn cầu, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, song với những nỗ lực to lớn của cả hệ thống chính trị, chúng ta đã đạt được những kết quả ban đầu đáng ghi nhận trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2015 gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, diện mạo nông thôn tại một số địa phương có nhiều thay đổi. Đồng thời, thống nhất với những đánh giá thẳng thắn về các hạn chế, trong đó có những hạn chế về nhận thức, cách thức tổ chức thực hiện, sự nôn nóng chạy theo thành tích, thể hiện qua việc nợ chỉ tiêu, nợ tiền xây dựng cơ bản, coi trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, chưa quan tâm đúng mức đến phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, hiệu quả đầu tư và sự bền vững của các kết quả đã đạt được.

Với nhận thức rằng, xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp vừa là thách thức, vừa là động lực, cũng là cơ hội để phát triển toàn diện khu vực nông thôn, đại biểu Nguyễn Hoàng Mai tham gia đóng góp ý kiến với 3 nội dung để xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành Nông nghiệp có hiệu quả hơn. Trong đó, có 2 nội dung liên quan đến con người và 1 nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách trong sản xuất, bao gồm vấn đề thay đổi nhận thức, vấn đề hỗ trợ sản xuất nâng cao đời sống và vấn đề phát hiện, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cộng đồng.

Thứ nhất, về việc thay đổi nhận thức của người dân, cán bộ lãnh đạo các cấp và các thành phần khác trong xã hội. Đây là vấn đề có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự thành công thực chất của Chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong thời gian qua, chính quyền các cấp đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tuy nhiên sự đầu tư và quan tâm chưa đúng tầm, kết quả đạt được còn hạn chế; tâm lý bị động, trông chờ sự hỗ trợ từ cấp trên còn khá phổ biến.

Giai đoạn tới, chúng ta cần có những biện pháp để chuyển đổi mạnh mẽ ý thức của người dân, chính quyền và các thành phần khác trong xã hội, xem đây là cuộc cách mạng về tinh thần. Theo đó, đối với người dân, quan trọng nhất là phải chuyển đổi được ý thức từ việc an phận, chấp nhận số phận đói nghèo sang ý thức làm chủ, tự vươn lên và cùng hợp tác để phát triển gia đình cũng như cộng đồng. Đối với cán bộ lãnh đạo các cấp, kể cả các thành phần khác trong xã hội như: Các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, dù trực tiếp hay gián tiếp cũng phải hiểu được và thường xuyên cập nhật nội dung cốt lõi nhất của Chương trình Quốc xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; thấu hiểu và trăn trở với các vấn đề của nông dân, họ sẽ được gì từ các chính sách, dự án, đề án, chương trình do mình quyết định.

Có một thực tiễn sống động, một khi đã hiểu được nông dân thì sẽ thành công. Do đó, để phong trào cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới trở nên thực chất hơn, kiến nghị Chính phủ quan tâm hơn nữa đến hợp phần tuyên truyền thay đổi nhận thức theo hướng bài bản hơn, thiết kế tổ chức các lớp tập huấn phù hợp, gắn kết lý luận với thực tiễn, tạo cơ hội gặp gỡ, trao đổi trực tiếp giữa nông dân với cán bộ lãnh đạo các cấp và thành phần khác trong xã hội. Có thể nghiên cứu lồng ghép các nội dung này vào các chương trình của các lớp bồi dưỡng hành chính, chính trị cho cán bộ lãnh đạo các cấp và cần đầu tư ngân sách thỏa đáng để thực hiện hợp phần này.

Thứ hai, vấn đề phát hiện, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cộng đồng, công cuộc xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp với sự đầu tư rất lớn các nguồn lực của xã hội. Thực tiễn sống động của phong trào cho thấy, vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ lãnh đạo trong hệ thống chính trị; đồng thời chúng ta cũng đã thấy xuất hiện và sẽ xuất hiện nhiều gương mặt nông dân có khả năng lãnh đạo cộng đồng làm theo. Đề nghị Chính phủ, chính quyền các địa phương tổng kết, đánh giá về nhân tố này, có kế hoạch nhân rộng các tấm gương điển hình, bồi dưỡng các kỹ năng và có cơ chế để khuyến khích đội ngũ cán bộ lãnh đạo cộng đồng cống hiến hết mình cho công cuộc xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.

Thứ ba, vấn đề hỗ trợ sản xuất, nâng cao đời sống. Mục tiêu quan trọng của xây dựng nông thôn mới là nâng cao thu nhập của người nông dân và có nhiều mô hình hiệu quả. Ở Tiền Giang, đã phát triển đủ các loại cây ăn quả, diện tích lên đến 77.500 ha và cũng trồng nhiều loại rau, trái cây sạch…, song thiếu các cơ chế để bảo vệ những người làm ăn chính đáng. Do đó, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, có chính sách ưu tiên đầu tư cho khoa học, công nghệ, đặc biệt là công nghệ giống, bảo quản, chế biến sau thu hoạch, phát triển các thương hiệu và có cơ chế để bảo vệ người nông dân yên tâm phát triển sản xuất các sản phẩm sạch, đạt chuẩn để góp phần vào thành công của tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Về cây lúa, nước ta đã đạt được mức bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu khá lớn. Tuy nhiên, nếu tính trung bình mỗi hộ gồm vợ chồng và hai đứa con chỉ canh tác 0,5 ha lúa - mức tương đối phổ biến, thì tổng tiền lời tối đa chỉ khoảng 15 triệu đồng/năm, như vậy sẽ thuộc diện hộ nghèo. Do đó, đề nghị Chính phủ nghiên cứu điều chỉnh chiến lược và có cơ chế, chính sách hợp lý đối với sản xuất nông nghiệp theo hướng thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện vùng, miền; điều chỉnh diện tích trồng lúa, tăng diện tích trồng cây khác có giá trị kinh tế cao hơn, thậm chí hiện nay một số cây, một số sản phẩm chúng ta đang phải nhập để tạo nên sự bền vững đa dạng của các sản phẩm nông nghiệp, duy trì việc làm cho người nông dân, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Chúng ta phải có cơ chế để bảo đảm sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, tránh các hiện tượng lật kèo, bẻ kèo. Ngoài ra, đề nghị Chính phủ ban hành các chính sách khuyến khích sự chủ động, sáng tạo của cộng đồng, sự cạnh tranh lành mạnh giữa các cộng đồng để thu hút được nhiều nguồn lực cho đầu tư xây dựng nông thôn mới.

ĐĂNG HIẾU
(tổng hợp)

.
.
.