Góp ý vào dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước
Ngày 10-11, Quốc hội làm việc ở Hội trường để thảo luận về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi).
Tham gia ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Kim Tuyến (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) nêu: Phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng tài sản công thời gian qua, ngăn chặn và phòng ngừa sự lãng phí, thất thoát, tham nhũng trong mua sắm, sử dụng, quản lý tài sản công, tạo hành lang pháp lý trong quản lý, sử dụng tài sản thì việc sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước là cần thiết. Trên cơ sở thống nhất với nội dung cơ bản của dự thảo Luật và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách, đại biểu Nguyễn Kim Tuyến đóng góp một số ý vào dự thảo Luật như sau:
Thứ nhất, về giải thích từ ngữ tại khoản 1, Điều 3: Trong nội dung giải thích từ ngữ tại khoản 11, Điều 3 của Luật Kiểm toán Nhà nước 2015, tài sản công bao gồm đất đai, tài sản Nhà nước, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác, tài sản Nhà nước tại cơ quan Nhà nước… Còn trong nội dung giải thích từ ngữ tại khoản 1, Điều 3, dự thảo Luật thì tài sản công là tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, bao gồm tài sản công phục vụ quản lý, cung cấp dịch vụ công… Như vậy, có thể nói, một khái niệm về tài sản công nhưng được giải thích khác nhau ở hai luật, đề nghị Ban soạn thảo xem xét để chỉnh sửa dự thảo Luật cho thống nhất.
Thứ hai, về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội tại Điều 13 và nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước tại Điều 15: Ngoài nhiệm vụ lập pháp và giám sát trong quản lý và sử dụng tài sản công nêu tại khoản 1 và khoản 2, Điều 13 của dự thảo Luật thì khoản 3, Điều 13 quy định Quốc hội quyết định các vấn đề quan trọng về tài sản công. Tuy nhiên, các vấn đề quan trọng cụ thể là những vấn đề gì thì chưa được nêu rõ, dễ dẫn đến vướng mắc, khó khăn và chồng chéo trong thẩm quyền và trách nhiệm trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Luật. Mặt khác, nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội đã được quy định rõ trong Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội; tương tự Điều 15 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của kiểm toán Nhà nước cũng còn rất chung, chưa cụ thể và vấn đề này trong Luật Kiểm toán Nhà nước đã có quy định cụ thể. Vì vậy, đề nghị bỏ Điều 13 và Điều 15 trong dự thảo Luật này.
Thứ ba, về huy động vốn để đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản của đơn vị sự nghiệp công lập: Tại Điều 57 dự thảo Luật cho phép đơn vị sự nghiệp công lập huy động vốn các tổ chức, cá nhân được sử dụng tài sản hình thành từ vốn huy động để thế chấp khi huy động. Đề nghị cân nhắc khi ban hành quy định này, vì đối với một số đơn vị sự nghiệp, nhất là đơn vị sự nghiệp ngân sách đảm bảo, đơn vị đảm bảo được một phần chi thường xuyên thì khả năng hoàn trả vốn huy động trong trường hợp vốn huy động quy mô lớn rất khó khăn. Trường hợp rủi ro trong nghĩa vụ trả nợ thì cần phải xử lý tài sản thế chấp, mà tài sản thế chấp là tài sản Nhà nước thì ảnh hưởng đến quản lý Nhà nước và ngân sách Nhà nước. Đề nghị soạn thảo cụ thể nội dung, giới hạn đối tượng đơn vị được huy động vốn, trách nhiệm hoàn trả vốn huy động và xử lý tài sản thế chấp trong trường hợp này để làm cơ sở pháp lý cho việc tổ chức, triển khai thực hiện.
Thứ tư, về tài sản phục vụ công tác quản lý dự án tại Điều 102 và Điều 103 của dự thảo Luật: Theo Điều 62, 63, 64 của Luật Xây dựng được Chính phủ hướng dẫn cụ thể tại Điều 17 và Điều 18 của Nghị định 59 và Bộ Xây dựng quy định chi tiết tại khoản 1, khoản 3, Điều 4, Thông tư 16 thì ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực được thành lập để thực hiện chức năng quản lý nhiều dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Ban quản lý dự án theo quy định của Điều 17 và Điều 18 của Nghị định 59 là tổ chức sự nghiệp công lập hoạt động theo cơ chế tự chủ về tài chính, tự bảo đảm chi thường xuyên theo quy định của Nghị định 16 của Chính phủ, quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Như vậy, việc quản lý và sử dụng tài sản phục vụ cho công tác quản lý dự án tại ban quản lý dự án xây dựng thuộc chế độ quản lý sử dụng tài sản của đơn vị sự nghiệp công lập, tức là theo các điều quy định tại Mục 4, Chương III của dự thảo Luật này.
Tuy nhiên, tại khoản 2, Điều 102 và khoản 1, Điều 103 của dự thảo Luật này lại quy định việc quản lý và sử dụng tài sản phục vụ cho công tác quản lý dự án tại ban quản lý dự án đầu tư xây dựng lại thuộc chế độ quản lý sử dụng tài sản công của cơ quan Nhà nước, tức là theo các điều tại Mục 3, Chương III của dự thảo Luật. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, chỉnh sửa nội dung quy định về quản lý và sử dụng tài sản phục vụ cho hoạt động dự án thống nhất với pháp luật về xây dựng.
Thứ năm, các ý kiến về quản lý tài sản hình thành từ dự án đầu tư xây dựng: Theo Điều 50 của Luật Xây dựng quy định trình tự đầu tư, xây dựng có 3 giai đoạn gồm: Chuẩn bị dự án, thực hiện dự án và xây dựng, đưa công trình của dự án vào khai thác, sử dụng. Trên cơ sở đó thống nhất với khoản 2, Điều 78 dự thảo Luật quy định nguồn tài sản giao cho đối tượng quản lý đối với tài sản kết cấu hạ tầng quy định là tài sản được bàn giao sau khi hoàn thành việc đầu tư, xây dựng. Điều này có nghĩa là tài sản hình thành từ dự án đầu tư, kết cấu hạ tầng trong giai đoạn chuẩn bị dự án và giai đoạn thực hiện dự án không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật này.
Đối với tài sản là công trình đầu tư khác, tức là không phải kết cấu hạ tầng nhưng được thực hiện theo pháp luật về xây dựng thì đề nghị bổ sung quy định như đối với tài sản là kết cấu hạ tầng. Bởi vì, trong giai đoạn trước khi dự án hoàn thành, bàn giao, đưa vào sử dụng thì tài sản của dự án phải chịu sự quản lý bởi nhiều đối tượng quản lý khác nhau và đã được quy định cụ thể bởi Luật Xây dựng và Luật Đầu tư công.
ĐĂNG HIẾU
(tổng hợp)