Thứ Năm, 03/11/2016, 10:46 (GMT+7)
.

ĐB Nguyễn Thanh Hải: Góp ý 5 vấn đề vào dự án Luật về Hội

Ngày 25-10, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về những nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật về Hội (gọi tắt là dự thảo Luật).

Tham gia phát biểu ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) cơ bản thống nhất với các quy định của dự thảo Luật và nêu một số ý kiến cần xem xét, làm rõ nhằm đảm bảo tính khả thi của Luật, cụ thể như sau:

Một là, về đối tượng áp dụng (Điều 2): Tán thành với quy định Luật này, không áp dụng đối với: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam”. Bởi việc không áp dụng Luật này đối với 6 tổ chức chính trị - xã hội nêu trên là phù hợp với lịch sử phát triển và vai trò đặc biệt quan trọng của các tổ chức đó, phù hợp với thể chế chính trị của nước ta.

Hai là, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, làm rõ khái niệm Ban lãnh đạo hội là Ban Chấp hành hay Ban Thường vụ hay Thường trực hội. Bởi quy định như dự thảo Luật thì Ban lãnh đạo hội có thể hiểu là Ban Chấp hành hay Ban Thường vụ hội, do điểm d, khoản 2, Điều này quy định Ban lãnh đạo hội có quyền bầu, miễn nhiệm các chức danh lãnh đạo của hội theo quy định của điều lệ hội. Tuy nhiên, Ban Chấp hành hội không thể quản lý tài sản, tài chính, con dấu của hội như quy định tại điểm đ, khoản 2, Điều này.

Ba là, tại khoản 4, Điều 7 quy định Nhà nước hỗ trợ kinh phí để thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao: Đề nghị cần quy định chi tiết trong Luật để đảm bảo sự thống nhất chung từ Trung ương đến địa phương về công tác hỗ trợ này đối với các hoạt động liên quan đến an ninh, quốc phòng, các sự kiện chính trị quan trọng của quốc gia, địa phương, các hoạt động an sinh xã hội…, tránh tạo cơ chế xin - cho, hoặc tùy tiện thực hiện việc hỗ trợ trái với quy định chung, đảm bảo hiệu quả trong thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với hội.

Bốn là, về Điều 8, các trường hợp bị hạn chế quyền lập hội: Đề nghị Ban soạn thảo xem xét, chuyển quy định tại khoản 5, Điều này sang quy định tại Điều 9 của Luật cho phù hợp với tính chất và nội dung của Điều luật. Bởi khoản 5, Điều này quy định: “Hội không liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, không nhận tài trợ nước ngoài; trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định”. Không phải là một trong các trường hợp bị hạn chế quyền lập hội như quy định tại các khoản còn lại của Điều luật. Hơn nữa, việc chuyển nội dung quy định tại khoản 5, Điều 8 vào sau khoản 6, Điều 8 cũng hợp lý, tạo cơ sở để các hội đưa vào điều lệ hội về nội dung này, đảm bảo Luật được thực thi hiệu quả.

Ngoài ra, tại khoản 5 quy định “hội không nhận tài trợ nước ngoài”: Đề nghị cần xem xét để quy định linh động hơn nhằm tạo điều kiện cho các hội có nguồn kinh phí phục vụ hoạt động, nghiên cứu, thực hiện các hoạt động an sinh xã hội, từ thiện…, cũng như trao đổi, học tập kinh nghiệm và giao lưu trong hoạt động với các hội của các quốc gia. Tuy nhiên, hoạt động này phải được quy định trên cơ sở thực hiện đúng chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; đồng thời, khi thực hiện các hoạt động này, các hội phải báo cáo và được sự đồng ý của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. 

Năm là, về Điều 23 về nghĩa vụ của hội: Đề nghị Ban soạn thảo xem xét bỏ khoản 6 của Điều này, bởi tại khoản 1 đã quy định chung nghĩa vụ của hội là “Chấp hành quy định của pháp luật và điều lệ hội” đã bao hàm cả việc quy định sử dụng kinh phí của hội theo đúng quy định của pháp luật và điều lệ hội, tránh việc trùng lắp trong quy định của Luật.

ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)

.
.
.