Đóng góp 7 nội dung vào dự án Luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ
Vừa qua, Quốc hội làm việc tại Hội trường để thảo luận dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN). Phát biểu ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Kim Tuyến (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) cho rằng:
Theo báo cáo thống kê, nước ta hiện có trên 97% DNVVN trên tổng số doanh nghiệp cả nước. Lực lượng doanh nghiệp này đã có những đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội nước ta nên cần được quan tâm hỗ trợ phát triển. Mặc dù chính sách hiện hành đã phần nào mang lại hiệu quả tích cực, nhưng vẫn còn biểu hiện nhiều khó khăn, dẫn đến kết quả hỗ trợ phát triển DNVVN còn hạn chế. Vì vậy, việc ban hành Luật Hỗ trợ DNVVN là cần thiết, tạo khung pháp lý đủ mạnh và hiệu quả giúp DNVVN phát triển. Đại biểu Nguyễn Kim Tuyến thống nhất những nội dung cơ bản của dự thảo Luật Hỗ trợ DNVVN; đồng thời đóng góp một số nội dung cụ thể như sau:
Thứ nhất, tại Điều 4 về tiêu chí xác định DNVVN: Cơ bản thống nhất tiêu chí xác định DNVVN theo dự thảo Luật là số lao động và vốn. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo xem xét không sử dụng cụm từ “tổng nguồn vốn” mà thay bằng “quy mô vốn” để thể hiện rõ mục tiêu là xác định tổng lượng vốn của doanh nghiệp, do cụm từ “nguồn vốn” không thể hiện mục tiêu này.
Thứ hai, khoản 2, Điều 8 dự thảo Luật quy định nghiêm cấm cơ quan, tổ chức và cá nhân ban hành các điều kiện đầu tư kinh doanh về quy mô gây bất lợi hoặc thiệt hại cho DNVVN trong tiếp cận nguồn lực. Quy định này chưa thể hiện được tính khoa học vì các lợi ích thường mang tính xung đột nhau, sự thuận lợi của nhóm đối tượng này đôi khi là bất lợi của đối tượng khác. Vì vậy, đề nghị quy định các trường hợp nghiêm cấm cụ thể để đảm bảo thuận lợi và thống nhất chung trong tổ chức triển khai và thực hiện Luật.
Thứ ba, khoản 1, Điều 9 quy định các ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho DNVVN tiếp cận vốn thông qua cung cấp khoản vay với lãi suất và thời gian phù hợp với khả năng thanh toán của doanh nghiệp và tình hình tài chính của ngân hàng. Quy định như thế là rất khó thực hiện trong thực tế, vì khoản 2, Điều 91, Luật Các tổ chức tín dụng 2010 quy định tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, chi phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng. Như vậy, với quyền chủ động của ngân hàng - là chủ thể quản lý vốn, nhằm mục tiêu lợi nhuận và hiệu quả vốn cho vay, thì khoản vay và lãi suất khi thỏa thuận khó đạt được theo nhu cầu của DNVVN. Mặt khác, trong trường hợp DNVVN không đủ điều kiện được quỹ bảo lãnh tín dụng bảo lãnh đủ khoản vay vốn theo nhu cầu, doanh nghiệp không có hoặc có tài sản thế chấp nhưng không đủ giá trị theo yêu cầu đảm bảo tài sản, nhất là đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, thì việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng là rất khó khăn. Vì vậy, đề nghị xem xét lại để quy định nội dung này cho phù hợp và khả thi hơn.
Thứ tư, điểm c, khoản 2, Điều 10 quy định quỹ bảo lãnh tín dụng DNVVN không được từ chối nghĩa vụ bảo lãnh đã cam kết. Do thực tế có thể phát sinh các trường hợp khách quan không thể thực hiện hợp đồng bảo lãnh hoặc do doanh nghiệp cố ý không thực hiện các điều, khoản cam kết trong hợp đồng bảo lãnh, do vậy đề nghị chỉnh sửa nội dung quy định này, cụ thể là thay cụm từ “không được từ chối nghĩa vụ bảo lãnh đã cam kết” thành cụm từ “thực hiện đúng các cam kết trong hợp đồng bảo lãnh”.
Thứ năm, khoản 1, Điều 11 quy định về thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp: Theo Báo cáo số 48/BC-UBTVQH 14 ngày 8-11-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về đánh giá thực hiện Kế hoạch tài chính, ngân sách Nhà nước 5 năm 2011 - 2015, định hướng Kế hoạch tài chính Quốc gia 5 năm 2016 - 2020, chính sách miễn giảm thuế trong thời gian qua đã có tác động nhất định đến phát triển kinh tế - xã hội và giảm gánh nặng về thuế cho các thành phần kinh tế, nhưng vai trò trung lập của thuế giảm sút, việc giảm thuế chưa thực sự mang lại hiệu quả tích cực cho nền kinh tế mà còn làm giảm thu ngân sách Nhà nước.
Vì vậy, đề nghị cơ quan dự thảo Luật cần tổng hợp, đánh giá và phân tích sâu hơn nhu cầu thực tế của các DNVVN trong thực hiện các chính sách thuế hiện nay. Khó khăn lớn của các doanh nghiệp này trong thực hiện chính sách thuế có thực sự là thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cao hay không, hay do các thủ tục còn phức tạp về kê khai, nộp thuế, hoàn thuế…? Trên cơ sở đó, đề nghị cơ quan soạn thảo xây dựng chính sách cho phù hợp với nhu cầu DNVVN và phù hợp lợi ích xã hội.
Thứ sáu, Điều 35 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội DNVVN Việt Nam và các Hiệp hội khác: Sắp tới Quốc hội sẽ ban hành Luật về Hội, đối tượng điều chỉnh bao gồm các hiệp hội, do đó đề nghị bỏ khỏi điều này các nội dung quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của các hiệp hội.
Thứ bảy, dự thảo Luật thể hiện các nội dung cụ thể trong hỗ trợ DNVVN nhưng chưa quy định về giới hạn hỗ trợ. Nguồn lực của nước ta còn nhiều hạn chế và khó khăn, ngoài ra nhằm đẩy mạnh quyết tâm và nỗ lực phấn đấu phát triển cho chính DNVVN, đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung nội dung giới hạn dừng hỗ trợ các doanh nghiệp này; đồng thời bổ sung các nội dung chế tài trong trường hợp doanh nghiệp lợi dụng chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)