Nghị quyết về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh
Những năm qua, công tác bảo vệ môi trường đã được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo, tạo được sự chuyển biến và đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng; thực hiện tốt chức năng giám sát, phản ánh những vấn đề bức xúc về môi trường góp phần quan trọng giúp các cấp ủy đảng, chính quyền đưa ra các chủ trương, quyết sách sát thực, nhất là trong việc giải quyết, xử lý các vấn đề ảnh hưởng môi trường ở khu dân cư, các khu, cụm công nghiệp và nơi công cộng.
Để công tác bảo vệ môi trường ngày càng đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả cao hơn, ngày 18-11-2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 05-NQ/TU về việc tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn với những nhiệm vụ và giải pháp sau:
- Các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan chức năng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tổ chức quán triệt và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng cấp thiết của công tác bảo vệ môi trường. Tiếp tục đẩy mạnh việc chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 29-CT/TW ngày 21/01/2009 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, kiểm soát ô nhiễm môi trường khu vực đô thị, khu công nghiệp, vùng nông thôn; tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt việc thanh tra, kiểm tra đột xuất, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; tập trung xử lý triệt để, di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi khu dân cư.
- Tiếp tục thực hiện xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia công tác bảo vệ môi trường; có giải pháp từng bước nâng cao chất lượng môi trường ở các khu công nghiệp, đô thị và nông thôn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, đảm bảo đạt được các mục tiêu về bảo vệ môi trường mà Đại hội lần thứ X Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
- Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc: “Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng thành phần môi trường, được hưởng lợi từ môi trường có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho bảo vệ môi trường” và “Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân gây ô nhiễm, sự cố và suy thoái môi trường phải khắc phục, bồi thường thiệt hại và trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật”. Thực hiện tốt công tác thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải; ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia hoạt động bảo vệ môi trường; kiểm tra, giám sát việc thực hiện hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Tuyên truyền, giáo dục kết hợp với biện pháp hành chính, kinh tế và biện pháp khác để xây dựng kỷ cương bảo vệ môi trường.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2020, như sau:
- Các cơ sở sản xuất mới xây dựng phải áp dụng công nghệ sạch và được trang bị các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường.
- Các bệnh viện, trung tâm, trạm y tế có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường; chất thải rắn y tế phát sinh được thu gom và xử lý, đạt 100%.
- Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường đạt 90%.
- Tỷ lệ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được thu gom và xử lý đạt trên 90%.
- Tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường trên 90%
- Tỷ lệ chất thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi được thu gom và xử lý trên 90%
- Các khu, cụm công nghiệp đang hoạt động phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường. Các doanh nghiệp thứ cấp xử lý nước thải ở cụm công nghiệp phải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về môi trường.
- Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 99%, trong đó có trên 90% sử dụng nước từ hệ thống cấp nước tập trung.
- Hoàn thành việc xây dựng khu dành riêng cho các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường khó khắc phục và phấn đấu năm 2020 tiến hành việc di dời các cơ sở thuộc đối tượng vào khu này đảm bảo theo lộ trình thời gian quy định.
- Hoàn thành quy hoạch và thực hiện lộ trình chuyển đổi các làng nghề sang mô hình khu, cụm công nghiệp làng nghề có hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.
- Toàn bộ các khu, cụm công nghiệp; các cơ sở sản xuất kinh doanh (không đấu nối nước thải vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp, cụm công nghiệp có quy mô xả nước thải từ 1.000m3/ngày đêm trở lên) phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động liên tục và truyền số liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, quản lý.
- Phấn đấu xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung cho 3 khu đô thị gồm thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công và thị xã Cai Lậy.
- Chủ động trong việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải nguy hại phát sinh trên địa bàn tỉnh.
Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, địa phương, đơn vị phải xác định rõ vị trí, vai trò của công tác bảo vệ môi trường để tập trung, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức tốt công tác công tác bảo vệ môi trường gắn với thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương; chỉ đạo quyết liệt công tác bảo vệ môi trường, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2016 và các năm tiếp theo. Những nơi không hoàn thành nhiệm vụ, để tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng xảy ra thì cấp ủy đảng phải chịu trách nhiệm trước cấp ủy cấp trên.
TẤN ĐỜI