Thứ Tư, 07/12/2016, 21:11 (GMT+7)
.

Đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước

Chiều ngày 6-12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó Thủ tướng chủ trì Hội nghị Toàn quốc triển khai công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) giai đoạn 2016-2020. Tại điểm cầu Tiền Giang, ông Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện sở, ngành và các DNNN tại địa phương dự hội nghị.

ông Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ngành và các DNNN tại địa phương dự hội nghị.
ông Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ngành và các DNNN tại địa phương dự hội nghị.

Sau 15 năm sắp xếp lại, DNNN đã giảm mạnh về số lượng. Năm 2001 cả nước có khoảng 6.000 DNNN, dàn trải trên 60 ngành, lĩnh vực, đến năm 2011 có 1.369 DNNN và đến hết tháng 10 năm 2016 chỉ còn 718 DNNN, tập trung vào 19 ngành, lĩnh vực. Mặc dù số lượng chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong khu vực doanh nghiệp (khoảng 0,67%) nhưng DNNN vẫn nộp ngân sách đáng kể, đóng góp lớn nhất vào GDP (DNNN 28,8%, ngoài nhà nước 11,8% và FDI 17,9%).

Riêng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, dự kiến đến cuối năm 2016, sẽ còn 3 công ty TNHH MTV 100% vốn Nhà nước; 2 công ty cổ phần có vốn Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và Công ty TNHH MTV Công trình đô thị Mỹ Tho đã thực hiện xong việc bán cổ phần ra công chúng  nhưng quá trình cổ phần hóa đang gặp khó khăn do trong quá trình hoạt động của công ty có nhiều sai phạm, UBND tỉnh đang giao các ngành xử lý.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tiếp tục coi nhiệm vụ sắp xếp, đổi mới DNNN là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay. Tái cơ cấu DNNN giải phóng nhanh nguồn lực, nâng cao hiệu quả hoạt động thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững. Để thực thực hiện tốt mục tiêu sắp xếp, đổi mới DNNN giai đoạn 2016-2020, cần xác định được lĩnh vực nào Nhà nước cần nắm giữ và không cần nắm giữ để cổ phần hóa, thoái vốn; lành mạnh hóa hoạt động doanh nghiệp; giao trách nhiệm cho cá nhân, lãnh đạo bộ, địa phương, doanh nghiệp, loại bỏ mâu thuẫn gây cản trở trong công tác cổ phần hóa. Trong quá trình cổ phần hóa cần nâng cao công tác quản trị, hoàn thành thể chế, xây dựng cơ chế phù hợp thu hút các nhà đầu tư, tạo bước đột phá… nhưng phải giám sát chặt chẽ, công khai, minh bạch, tránh thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước.

HỮU NGHỊ

.
.
.