.

Câu chuyện nửa cán dù năm ấy

Cập nhật: 06:53, 26/01/2017 (GMT+7)

Nếu ai đã đọc hồi ký “Từ đất Tiền Giang” của bà Nguyễn Thị Thập, chắc hẳn muốn biết thêm về bà Nguyễn Thị Thẩm (Tám Thẩm), người nữ du kích tham gia Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940. Khi khởi nghĩa thất bại, Tám Thẩm đã tình nguyện giả làm vợ của Bảy Thường - một chiến sĩ tham gia Khởi nghĩa Nam kỳ, cải trang đưa chị chồng về tỉnh Bến Tre “thú phạt” với gia đình. Rồi chính Tám Thẩm lại cải trang, vượt qua sự kiểm soát dày đặc của mật thám, bồng đứa con trai của bà Nguyễn Thị Thập khi ấy mới 8 ngày tuổi đưa về “bên nội” của cháu bé. Câu chuyện “Nửa cán dù năm ấy” được bà Nguyễn Thị Thập kể lại sau chiến tranh, mang đậm tính nhân văn, để lại bài học sâu sắc cho thế hệ sau. Bài viết này được tác giả tham khảo từ “Những mảnh đời cao đẹp” của chị Nguyễn Thị Châu, do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tiền Giang ấn hành năm 1992 và chuyện kể từ bà Ngô Thị Huệ, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ Trung ương Đảng.

Bà Nguyễn Thị Thẩm (Tám Thẩm).
Bà Nguyễn Thị Thẩm (Tám Thẩm).

Gần cuối tháng 11-1940, địch khủng bố trắng Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ ở Mỹ Tho. Dù vũ khí, đạn dược còn ít, dòng máu hăng say giết giặc của các cán bộ, chiến sĩ vẫn nóng bỏng trong huyết quản. Nguyễn Thị Thẩm (Tám Thẩm) cùng các chiến sĩ trực tiếp chỉ huy đội du kích đón đánh 4 tàu địch. Sau khi nhất trí về kế hoạch, trong chốc lát, mặt trận được dàn ra hai bên bờ kinh, sát bến đò. Do anh chị em du kích chưa quen cách đánh có dàn mặt trận, Tám Thẩm phải bò đến khắp công sự rà soát lại súng ống, đội ngũ. Gần 20 giờ nước mới bắt đầu ròng, dòng kinh vẫn còn tràn đầy, tàu giặc cao to xập xình quay mũi xuôi dòng. Không gian đang yên ắng, thì trên bờ, các nòng súng đủ cỡ, đủ loại nhắm thẳng tàu địch nhả đạn xối xả. Tàu giặc lặng im và trôi theo dòng nước. Tám Thẩm xông lên. Anh chị em du kích trườn theo và bồi tiếp những loạt đạn cuối cùng. Độ một khắc sau, giặc hoàn hồn, nổ máy chạy nhanh ra dòng Cửu Long. Tàu giặc tuy không chìm, không cháy nhưng nhiều tên địch bị sát thương. Theo tài liệu của Cục Lưu trữ Hà Nội, trong trận đó, tên Côm-măn-dăng đã bị thương nặng cùng nhiều tên khác. Trong lý lịch và báo công, Tám Thẩm không hề nhắc chiến công này, nhưng sau này bà Nguyễn Thị Thập đã kể lại cho nhiều người nghe và kết luận: “Trong trận đánh tàu này, Tám Thẩm là một nữ đảng viên trẻ, dũng cảm, được nhiều người nể phục”.

Những ngày sau đó, Tám Thẩm vẫn len lỏi khắp xóm làng để động viên, chia sẻ với những gia đình bất hạnh do bị địch khủng bố và không cam tâm nhìn đồng bào bị địch đàn áp đẫm máu, Tám Thẩm đã đảm đương trọng trách đưa bà Nguyễn Thị Thập, đảng viên được kết nạp từ năm 1932, tham gia lãnh đạo Khởi nghĩa Nam kỳ ở Long Hưng, đang mang thai gần đến ngày sinh, thoát khỏi tầm kiểm soát của kẻ thù bằng cách cải trang thành thường dân, giả làm vợ Bảy Thường - một nông dân chân chất, thông minh, lúc bấy giờ là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, bơi xuồng về quê ở Tường Đa, Bến Tre. Sinh con được 8 ngày, bà Nguyễn Thị Thập nhận được tin chồng là ông Lê Văn Giác hy sinh. Dù rất thương con nhưng bà Thập hiểu nếu giữ đứa con bên mình sẽ rất dễ lộ tung tích, đành giao đứa con bé bỏng cho Tám Thẩm đưa về cho ông bà nội ở Mỹ Tho nuôi dưỡng.

Bà Nguyễn Thị Thập (thứ hai, cạnh người bơi xuồng) về thăm lại căn cứ kháng chiến cũ.
Bà Nguyễn Thị Thập (thứ hai, cạnh người bơi xuồng) về thăm lại căn cứ kháng chiến cũ.

Cuối năm 1940, ông Thái Văn Đẩu thay mặt Xứ ủy phổ biến chủ trương rút cán bộ, đảng viên, du kích lộ mặt vô Đồng Tháp Mười để tránh tổn thất và có kế hoạch chia nhau cất giữ tài sản của cách mạng để tạo lập cơ sở sau này. Trong số tài sản ta tịch thu được của một tên ác ôn có một cán dù bọc vàng. Trước khi chia tay, cán dù này được chặt làm hai, giao một nửa cho bà Nguyễn Thị Thập, một nửa cho Tám Thẩm. Họ có thể tạm sử dụng và dùng làm tài sản cho đến khi nào cách mạng cần. Cũng từ đó, cuộc sống Tám Thẩm vô cùng gian truân, phải lưu lạc nhiều tỉnh Bến Tre, Mỹ Tho, Lâm Đồng.
Phần bà Nguyễn Thị Thập cũng trải qua muôn vàn khó khăn, gian khổ. Bà bàn với các cán bộ còn lại mua một chiếc ghe đi về hướng Bạc Liêu, Cà Mau, xuyên qua rừng U Minh, giả làm người đi buôn, lênh đênh trên những con thuyền, mua bán đủ thứ để kiếm sống và kiên trì bắt liên lạc với tổ chức cách mạng để tiếp tục hoạt động. Có những đêm mưa to, xuồng ngập nước, phải trèo lên ngọn trâm bầu, run rẩy chống cái lạnh đến sáng. Nhớ con, bà không sao ngủ được, mắt nhìn lên sao trời, thuộc lòng từng vị trí của những chòm sao…

Đầu năm 1942, nữ đảng viên Ngô Duy Liên đưa chị ruột là bà Ngô Thị Huệ đến gặp ông Nguyễn Xung Phong, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Sài Gòn. Mặc dù địch khủng bố trắng nhiều nơi, nhưng lúc này phong trào cách mạng ở Sài Gòn và các tỉnh miền Đông vẫn duy trì hoạt động. Liên Tỉnh ủy miền Đông còn có các ông: Nguyễn Oanh (Thành ủy viên Sài Gòn), Hà Văn Nam (tức Mùi), Bùi Dự, Nguyễn Hồng Minh, Nguyễn Hồng Phước, Phú... Nhờ số đảng viên cốt cán này mà tài liệu về Mặt trận Việt Minh, về các đoàn thể cứu quốc kịp thời được phổ biến trong công nhân và nông dân một số tỉnh miền Đông, vùng ven Sài Gòn. Ông Nguyễn Hữu Xuyến - liên lạc của Trung ương trao tận tay tài liệu Việt Minh cho các cán bộ ở Sài Gòn. Trong số các đảng viên cốt cán thời kỳ “giữ lửa” này, có những người phụ nữ vượt qua những ngày tù ngục, số phận bi thương, ngang trái, âm thầm, bền bỉ, nhẫn nại nuôi dưỡng niềm tin cách mạng sẽ thắng lợi.

Bà Nguyễn Thị Thập (mặc áo trắng, quàng khăn rằn) về thăm lại nhà tù Bà Rá (Phước Long - Bình Phước).
Bà Nguyễn Thị Thập (mặc áo trắng, quàng khăn rằn) về thăm lại nhà tù Bà Rá (Phước Long - Bình Phước).

5 năm sau - ngày ấy đã đến. Ở Mỹ Tho, vào một ngày đầu của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, các cán bộ, đảng viên lánh đi lúc trước, đã trở về tham gia xây dựng chính quyền. Họ xúc động nhắc lại chuyện một nửa cái cán dù năm xưa. Tám Thẩm đưa ra một đôi neo vàng óng, xin trao lại cho Đảng, cho cách mạng. Nhiều người rơi nước mắt khi hiểu Tám Thẩm dù có lúc sống trong gian khổ, đói nghèo cùng cực, vẫn giữ gìn tài sản cách mạng giao cho. Nửa chiếc cán dù năm ấy thêm giá trị bội phần bởi phẩm chất cao đẹp của người nữ đảng viên trẻ đã giữ nó. Nó được chế thành đôi neo để Tám Thẩm dễ mang theo bên mình. Đôi neo ấy đã đi vào lịch sử, bởi nó được bán đi để lập một nhà máy in lưu động, gọn nhẹ, phục vụ  cho tờ báo “Chiến đấu” và tủ sách “Mác-xít” cho cơ quan Tỉnh Đảng bộ Mỹ Tho suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp.

Sau Hiệp định Genève, Tám Thẩm cùng chồng là Bảy Thường tập kết ra Bắc. Chị qua đời một cách nhẹ nhàng, dịu ngọt (trước vài giờ anh Bảy Thường chở chị trên chiếc xe cọc cạch đi khám bệnh, về còn ghé chợ mua thức ăn). Chị ra đi thanh thản, an tâm về cuộc đời của mình, về sự nghiệp của chồng con. Chị gửi lại quê hương ước mơ lớn lao - ước mơ chị không có dịp thực hiện được trong nhật ký:

“Ai về quê mẹ Mỹ Tho
Dưới chợ ông Hổ trên đò Long Hưng
Quê hương khởi nghĩa tưng bừng
Bến đò kinh Xáng đã từng đánh Tây
Bắc Nam nhất định sum vầy
Là tôi nhất định về đây thăm nhà”.

Bà Nguyễn Thị Thập (đứng) về quê hương kể chuyện Khởi nghĩa Nam kỳ.
Bà Nguyễn Thị Thập (đứng) về quê hương kể chuyện Khởi nghĩa Nam kỳ.

Quê hương Mỹ Tho không quên chị. Nhiều người hằng nhắc nhớ, yêu thương và rất tự hào về chị, trong đó có bà Nguyễn Thị Thập - người lãnh đạo Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, đã từng được Tám Thẩm đỡ đần, chia sẻ trong cơn “vượt biển”, đã từng chia nửa cán dù với Tám Thẩm trong buổi loạn ly.

TRẦM HƯƠNG

.
.
.