Thứ Hai, 02/01/2017, 04:45 (GMT+7)
.

Chiến thắng Ấp Bắc làm nức lòng quân và dân cả nước

Từ sau tháng 7-1954 đến cuối năm 1960, cách mạng miền Nam từ thế đấu tranh chính trị giữ gìn và phát triển lực lượng đòi đối phương thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ sang thế tiến công, tiến lên “Đồng khởi”… Từ đầu năm 1961 đến giữa năm 1965, cách mạng miền Nam từ khởi nghĩa từng phần, phát triển thành chiến tranh cách mạng, kết hợp đấu tranh võ trang và đấu tranh chính trị, đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ…

Bác Hồ xem sơ đồ chiến lệ trận Ấp Bắc.
Bác Hồ xem sơ đồ chiến lệ trận Ấp Bắc.

Chiến thắng Ấp Bắc đã diễn ra đúng vào giữa giai đoạn lịch sử sôi động đó của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trước những thắng lợi dồn dập của cách mạng miền Nam sau ngày “Đồng khởi”, Bộ Chính trị họp, ra quyết định về phương hướng và nhiệm vụ công tác trước mắt của cách mạng miền Nam là: Ra sức xây dựng mau chóng lực lượng ta về cả 2 mặt chính trị và quân sự, phát động phong trào đấu tranh chính trị mạnh mẽ của quần chúng, tích cực tiêu diệt sinh lực địch, bảo tồn và phát triển lực lượng, đưa cuộc đấu tranh của nhân dân ta ở miền Nam tiến lên giai đoạn mới - giai đoạn kết hợp đấu tranh võ trang và đấu tranh chính trị, đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ…
Trước tình hình đó, tháng 2-1962, Bộ Chính trị ra Nghị quyết mới về tình hình, phương phướng và nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam là: Kiên quyết đẩy mạnh đấu tranh chính trị, quân sự, giành và giữ thế chủ động, đẩy địch vào thế bị động hơn nữa, tích cực xây dựng lực lượng về mọi mặt, ra sức phá kế hoạch Xtalay - Taylo…

Sau Nghị quyết của Bộ Chính trị, ta thu được nhiều thắng lợi như: Kế hoạch “bình định miền Nam trong 18 tháng của địch đã bị thất bại”… Lúc bấy giờ, việc tìm cách đánh bại chiến thuật “thiết xa vận”, “trực thăng vận” đã trở thành một yêu cầu cấp bách của lực lượng võ trang của ta để thúc đẩy mạnh thêm những hoạt động võ trang và đưa lực lượng võ trang cách mạng miền Nam phát triển hơn nữa, nhằm đáp ứng những yêu cầu mới trên chiến trường miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ. Chấp hành chủ trương đó của cấp trên, nhiều đơn vị lực lượng võ trang địa phương đã ra sức điều nghiên, chuẩn bị nhằm thực hiện yêu cầu gấp rút đó. Chính trong thời điểm đó của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân ấp Bắc, xã Tân Phú, quận Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho đã hoàn thành được yêu cầu bức thiết nói trên, góp phần đưa lực lượng võ trang của cách mạng miền Nam vượt qua được một bước khó khăn, phát triển mạnh mẽ, đánh thắng quân thù.

Ấp Bắc là một chiến công đặc biệt quan trọng không chỉ vì đó là một thắng lợi lớn về quân sự mà điều quan trọng hơn nữa là chiến công đó mở ra một cục diện mới, tạo ra một điển hình mới, đem lại lòng tin cho chiến sĩ và đồng bào miền Nam để tiến lên giành thắng lợi từng bước, đi đến thắng lợi cuối cùng ở chiến dịch Hồ Chí Minh”.

(Phát biểu của đồng chí Phạm Văn Đồng ngày 25-1-1985 tại cuộc họp mặt với cán bộ tỉnh Tiền Giang)

Trận Ấp Bắc đã diễn ra vào đúng thời điểm lịch sử đòi hỏi. Được tin có một đơn vị lực lượng võ trang cách mạng mới về ấp Bắc, một ấp nhỏ của xã Tân Phú, Mỹ - ngụy lập tức huy động một lực lượng khá lớn, có máy bay, xe tăng và pháo binh chi viện, càn ngay vào ấp Bắc với hy vọng tiêu diệt gọn đơn vị này của ta nhằm khích lệ tinh thần đang sa sút của quân ngụy trên chiến trường đồng bằng Nam bộ lúc bấy giờ.

Thực hiện trận càn này vào ấp Bắc, địch đã sử dụng 3 tiểu đoàn của sư đoàn 7, tiểu đoàn 8 lính nhảy dù, 2 đại đội biệt động, 8 đại đội bảo an, 3 đại đội dân vệ biệt kích…, tổng cộng địch đã sử dụng 25 đại đội bộ binh gồm trên 2.000 tên, cùng với 13 xe tăng M.113, 13 tàu các loại, 8 máy bay khu trục ném bom, 15 máy bay trực thăng, 11 máy bay trinh sát, 6 khẩu pháo 105 ly, 6 súng cối 106,7 ly. Tất cả lực lượng và trang bị hiện đại đó đặt dưới sự chỉ huy của tên tư lệnh sư đoàn 7 kiêm tư lệnh khu chiến thuật, có các cố vấn Mỹ đi kèm.

Về phía ta, có 1 đại đội tăng cường thuộc Tiểu đoàn 261 quân chủ lực Khu 8, 1 đại đội bộ đội địa phương của tỉnh, 1 trung đội trợ chiến, 1 trung đội địa phương huyện Châu Thành cùng lực lượng quân dân du kích của xã Tân Phú, do đồng chí Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 261 chỉ huy thống nhất.
Trận chiến đấu không cân sức giữa ta và địch đã diễn ra quyết liệt và kéo dài từ 5 giờ đến 17 giờ ngày 2-1-1963. Phía địch đã tung ra 5 đợt tấn công ào ạt, có tàu chiến, máy bay lên thẳng, xe M.113 chở quân, cùng khu trục cơ, pháo binh bắn và ném bom yểm trợ…, nhưng với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, quân và dân ta đã chiến đấu quyết liệt để bảo vệ từng tấc đất của quê hương và đã bẻ gãy cả 5 đợt tấn công của địch. Bị thất bại nặng nề, địch phải cam chịu thất bại, rút bỏ cuộc hành quân càn quét vào ấp Bắc.

Kết quả, ta đã giết và làm bị thương 450 tên, trong đó có 9 tên cố vấn Mỹ, bắn hỏng 7 máy bay lên thẳng, 3 xe M.113, làm thất bại hoàn toàn cuộc càn quét bất ngờ và to lớn của địch. Trên các mặt trận phối hợp, ta đã huy động được 36 đội du kích xã, gần 20.000 người tham gia đấu tranh chính trị tiến công địch, bao vây 30 đồn, triệt phá 22 “ấp chiến lược”, bắn rơi 2 máy bay, bắn cháy và bị thương 16 xe quân sự của địch. Trận Ấp Bắc là một trận chống càn tốt, phối hợp giữa 3 thứ quân, phối hợp nhịp nhàng với lực lượng ở khu vực trực tiếp đương đầu chống địch càn quét với lực lượng ở khu vực các xã, ấp lân cận; phối hợp nhuần nhuyễn giữa đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị để làm thất bại hoàn toàn cuộc càn quét của địch…

Chiến thắng Ấp Bắc đã đánh dấu sự trưởng thành của cách mạng miền Nam và mở đầu sự phá sản của chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận”… Chiến thắng Ấp Bắc đã đánh sụp lòng tin của quân ngụy với trang bị kỹ thuật tối tân, lực lượng yểm trợ cơ động bằng máy bay, trọng pháo và xe tăng của Mỹ, làm giảm lòng tin của Mỹ vào khả năng chống đỡ của quân ngụy trước sức mạnh tiến công quyết liệt của quân ta. Tin trận Ấp Bắc làm nức lòng quân dân ta trong cả nước. Sức mạnh tinh thần từ chiến thắng Ấp Bắc đã làm nảy sinh sức mạnh to lớn hơn nữa, tạo thành sức mạnh tổng hợp đánh thắng quân thù trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

HỒNG LÊ (tổng hợp)

Tự hào về Chiến thắng Ấp Bắc, xây dựng Tiền Giang ngày càng giàu đẹp

Chiến thắng Ấp Bắc (ngày 2-1-1963) đánh bại hai chiến thuật chủ yếu trong “Chiến tranh đặc biệt” là “trực thăng vận” và “thiết xa vận”  làm chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - ngụy bước đầu bị phá sản, mở ra thời kỳ mới cho cách mạng miền Nam. Chiến thắng Ấp Bắc là một điển hình sống động về bài học quý giá: Lấy ít thắng nhiều, lấy chiến tranh chính nghĩa thắng chiến tranh phi nghĩa và khẳng định đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng ta là đúng đắn. Chiến thắng Ấp Bắc trở thành điểm mốc quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân Mỹ Tho - Gò Công, là một sự kiện lịch sử to lớn. Chiến thắng Ấp Bắc năm xưa đã khẳng định chân lý: Trong bất kỳ điều kiện khó khăn, gian khổ, thử thách nào, nếu có sự quyết tâm, sự đồng lòng của cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta sẽ vượt qua, sẽ giành chiến thắng trong đấu tranh giải phóng dân tộc trước kia cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Thiết thực chào mừng kỷ niệm 54 năm Chiến thắng Ấp Bắc (2-1-1963 - 2-1-2017), tự hào về Chiến thắng Ấp Bắc hào hùng, mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, mỗi người dân càng nhận rõ trách nhiệm to lớn và nặng nề là tiếp tục triển khai thực hiện tốt các phong trào hành động cách mạng của nhân dân, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, củng cố hệ thống chính trị vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, xây dựng Tiền Giang ngày càng giàu đẹp.

NHƯ NGỌC

 

.
.
.