Kỷ niệm trọng thể 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trường Chinh
Sáng 9-2, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nam Định đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trường Chinh (9/2/1907-9/2/2017).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến dự Lễ kỷ niệm. Ảnh: TTXVN |
Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trần Đại Quang; nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh.
Nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước; các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, đại diện gia đình, dòng họ, quê hương Tổng Bí thư Trường Chinh cũng tham dự buổi lễ.
Đọc diễn văn kỷ niệm, ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Trường Chinh, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Đoàn Hồng Phong nêu rõ: Đồng chí Trường Chinh tên thật là Đặng Xuân Khu, sinh ngày 9/2/1907 trong một gia đình trí thức yêu nước tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, một vùng quê có truyền thống hiếu học, “mỹ tục, thuần phong”.
Ngay từ nhỏ, đồng chí đã có điều kiện thường xuyên tiếp xúc với các bậc đàn anh tham gia phong trào Đông Du, nghe bình văn yêu nước của các sĩ phu ủng hộ phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, lại tận mắt chứng kiến thực dân Pháp đàn áp dã man phong trào yêu nước… Đồng chí là một hạt giống đỏ được gieo mầm trên mảnh đất cách mạng và nhanh chóng trở thành một nhà cách mạng chân chính.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trường Chinh được mở đầu bằng sự kiện tham gia cuộc vận động đòi thực dân Pháp ân xá cho chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu vào năm 1925, khi đó đồng chí vừa tròn 18 tuổi, đang theo học ở trường thành chung TP. Nam Định.
Năm 1927, đồng chí tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1929, đồng chí là một trong những người tham gia cuộc vận động thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng ở Bắc Kỳ…
Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trường Chinh rất kiên định, phong phú và sôi động. Với cương vị 3 lần làm Tổng Bí thư, hơn 20 năm là Ủy viên Bộ Chính trị, được phân công giữ nhiều trọng trách lớn của Đảng, Nhà nước, dù ở bất cứ cương vị công tác nào, đồng chí cũng luôn hết lòng vì Đảng, vì nước, vì dân, vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách. Phẩm chất đạo đức cách mạng, trí tuệ và tài năng của đồng chí luôn tỏa sáng trong mọi hoàn cảnh, nhất là ở các bước ngoặt quan trọng của lịch sử cách mạng Việt Nam.
Dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, từ năm 1941, cùng với Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, đồng chí Trường Chinh đã có nhiều quyết sách đúng đắn, sáng tạo, nhất là trong những bước ngoặt của cách mạng. Vai trò của đồng chí, nổi bật là một trong những người lãnh đạo kiệt xuất, đã đưa cuộc Cách mạng tháng Tám đến thành công và đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi cuối cùng.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với các cương vị là Phó Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, rồi sau đó là Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng chí đã có những đóng góp to lớn, cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân chiến đấu kiên cường “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong công cuộc xây dựng đất nước, đồng chí Trường Chinh là “Tổng Bí thư của đổi mới”. Với tầm nhìn xa trông rộng, với tư duy lý luận sắc sảo, nhạy bén và kinh nghiệm thực tiễn sống động, đồng chí đã sớm nhận rõ xu thế của thời đại, thực trạng của đất nước, yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân và chủ động đề xuất với Bộ Chính trị chủ trương đổi mới đất nước.
Vang mãi trong lòng nhân dân ta lời phát biểu của đồng chí trong quá trình chuẩn bị Đại hội VI của Đảng: “Đối với nước ta, đổi mới là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có tầm quan trọng sống còn”, “ Quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta đòi hỏi chúng ta phải đổi mới trên nhiều mặt: Đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế, đổi mới phong cách làm việc, đổi mới tổ chức chính trị”.
Đại hội VI đã đi vào lịch sử dân tộc ta với tư cách là đại hội của đổi mới, là cột mốc đánh dấu bước phát triển mới của cách mạng Việt Nam. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước sau hơn 30 năm đổi mới đã khẳng định tính đúng đắn của sự nghiệp đổi mới mà Tổng Bí thư Trường Chinh là người đề xuất và khởi xướng.
Ở đồng chí Trường Chinh, có thể thấy nhà chính trị, nhà tư tưởng, nhà lý luận, nhà hoạt động cách mạng đã hòa quyện vào nhau, bổ trợ cho nhau. Đồng chí còn là một nhà báo, nhà văn hóa, nhà thơ lớn có đạo đức cao đẹp, trái tim trong sáng, tri thức uyên thâm và hành vi mẫu mực. Đồng chí đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị như: “Vấn đề dân cày” (viết chung với đồng chí Võ Nguyên Giáp), “Chống chủ nghĩa cải lương”, “Chính sách mới của Đảng”, “Kháng chiến nhất định thắng lợi”, “Bàn về cách mạng Việt Nam”, “Nắm vững ba bài học lớn để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược”…
Thông qua những tác phẩm đó, đồng chí Trường Chinh đã làm rõ và phát triển lý luận chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng cụ thể vào hoàn cảnh của cách mạng Việt Nam, góp phần định ra đường lối chiến lược của Đảng, đóng góp quan trọng vào kho tàng lý luận của cách mạng Việt Nam.
Hàng loạt tác phẩm cùng các bài viết của đồng chí về văn hóa đã góp phần tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh những quan điểm đặc sắc, đúng đắn của Đảng ta về lĩnh vực văn hóa. Nổi bật nhất là những đóng góp của đồng chí trong quá trình soạn thảo Đề cương văn hoá Việt Nam, Báo cáo về Chủ nghĩa Marx và văn hóa Việt Nam... Đây là cơ sở lý luận cho việc xây dựng và hình thành một nền văn hóa Việt Nam mới theo phương châm dân tộc, khoa học, đại chúng.
Chương trình nghệ thuật chào mừng Lễ kỷ niệm. Ảnh: TTXVN |
Là nhà báo cách mạng nổi tiếng, là cây bút xuất sắc của báo chí cách mạng Việt Nam, ngay từ thời kỳ Mặt trận Dân chủ, những bài báo của đồng chí Trường Chinh luôn có tính chiến đấu cao, có sức thuyết phục lớn, có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Đồng chí đã từng là chủ bút nhiều tờ báo quan trọng, tiếp đó là người lãnh đạo chịu trách nhiệm trực tiếp đối với các cơ quan ngôn luận của Đảng như “Cờ Giải phóng”, “Sự thật”, “Nhân dân”, “Tạp chí Cộng sản”… Đồng chí còn là một nhà thơ lớn với bút danh Sóng Hồng. Thơ của đồng chí luôn mang hơi thở của thời đại, có sức chiến đấu cao, có lòng nhân ái sâu sắc.
Bí thư Tỉnh ủy Nam Định nêu rõ: Nam Định tự hào là quê hương đã sinh ra đồng chí Trường Chinh, một chiến sĩ cộng sản kiên cường, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và cách mạng Việt Nam.
Ghi nhớ và thực hiện những lời chỉ dặn của đồng chí Trường Chinh, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nam Định đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống văn hiến anh hùng, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội.
Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Nam Định đang dồn sức tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, với những hành động thiết thực để đạt được mục tiêu là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ; phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, sức mạnh đoàn kết toàn dân; tạo bước đột phá về phát triển kinh tế; phấn đấu đến năm 2020, Nam Định là tỉnh nông thôn mới, có nền công nghiệp phát triển nhanh theo hướng hiện đại” và “Tập trung xây dựng, phát triển TP. Nam Định, để từng bước trở thành trung tâm vùng nam Đồng bằng sông Hồng”.
(Theo chinhphu.vn)