.
Bà Đoàn Thị Giàu:

Người vợ thủy chung, kiên cường của cố Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng

Cập nhật: 06:43, 09/03/2017 (GMT+7)

Phu nhân của cố Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng tên thật là Đoàn Thị Giàu, người con của quê hương Vĩnh Kim, tên thường gọi là Hai Oanh, sinh năm 1898, tại ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành.

Theo tài liệu của ông Lê Hữu Lập (Thư ký của Bác Tôn) ghi lại lời kể của Bác Tôn về mối lương duyên của vợ chồng Bác như sau: “Vào khoảng năm 1916 lúc ấy tôi còn đang ở Pháp có quen với một người Việt Nam tên là Đoàn Công Sứ. Lúc đầu chỉ là quen nhưng càng về sau tôi và Sứ trở thành người bạn chí cốt. Chẳng bao lâu Sứ ốm và chết. Trước khi nhắm mắt Sứ có nói với tôi: “Tôi có người chị tên là Đoàn Thị Giàu hiện đang ở quê là người phúc đức. Anh có thể tìm đến chị và làm quen”. Khi trở về nước, theo đúng lời dặn của Sứ tôi tìm đến quê Sứ ở Mỹ Tho, quả nhiên tôi đã gặp Đoàn Thị Giàu. Chúng tôi yêu nhau và cưới  nhau. Năm 1929 tôi bị địch bắt. Sau đó, năm 1930 tôi bị chúng đày ra Côn Đảo với án tù 20 năm khổ sai. Sống trong tù tôi thấy ngày dài lê thê. Nghĩ mình  đã khổ vậy không nên để cho người vợ khổ theo. Vì vậy tôi có viết thư gởi vợ khuyên vợ đi lấy chồng khác. Ít lâu sau tôi nhận được thư của vợ. Thư rằng: “Anh Tôn Đức Thắng thân mến, xin báo để anh biết tôi đã đi lấy chồng, chồng tôi là Tôn Đức Thắng người Long Xuyên. Chúng tôi  ăn ở với nhau đã có 3 mụn con (1 trai 2 gái), đứa con trai chẳng may sớm qua đời. Tôi sẽ trọn đời sống cùng chồng tôi mặc dù anh ấy đang phải tù đày nơi hải đảo xa xôi”. Đọc xong thư tôi sung sướng đến nỗi cứ áp chặt bức thư vào  ngực mình. Khi mới ra tù chúng tôi cũng chỉ gặp nhau có một đôi lần. Mãi từ năm 1954 trở đi chúng tôi mới được hàng ngày sống bên nhau. Trước khi lấy nhau, vợ tôi đã có một thời  phiêu bạt sang Phnôm Pênh đi ở cho một chủ hiệu. Nhờ có chí vợ tôi rất chịu khó giác ngộ cách mạng và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương...”.

Cố Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng cùng vợ (Ảnh tư liệu do gia đình cung cấp).
Cố Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng cùng vợ (Ảnh tư liệu do gia đình cung cấp).

Bà Tôn Thị Hạnh, người con gái lớn của vợ chồng Bác Tôn đã kể về người mẹ kiên cường, thủy chung của mình: “… Sau khi ba, mẹ tôi cưới nhau, đưa nhau lên Sài Gòn ở, má tôi chỉ biết ba tôi đi làm và mỗi tháng đưa cho mẹ tôi 150 đồng, còn việc hoạt động cách mạng thì mẹ tôi không biết. Nhưng dần dà rồi cũng biết. Sau vụ đường Barbier, mặc dù ba tôi không tham gia nhưng ba tôi biết thế nào cũng bị bắt nên nói thật với mẹ tôi. Mẹ tôi bảo: “Anh đi làm cách mạng, làm việc phải, lẽ nào tôi lại ngăn anh, anh yên lòng đi”. Sau lần ấy, ba tôi đưa mẹ tôi về quê, ở nhờ nhà ông Sáu tôi ở Vĩnh Kim. Khi mẹ tôi sắp sinh em tôi thì được tin ba tôi bị bắt… Mỗi tháng 1 lần, mẹ tôi gánh thỏ, gánh gà lên Sài Gòn bán, thăm dò tin tức ba tôi. Được biết ba bị giam ở bót Catina, một hôm mẹ tôi đưa tôi và thằng em út lên bót Catina để thăm ba, khi đến cửa, mẹ tôi dặn: “Con có gặp ba thì đừng khóc mà ba buồn”. Vào đến nơi thấy ba tôi bị còng chân, tôi cúi đầu muốn khóc nhưng mẹ tôi thì cười nói tự nhiên và đưa thằng em cho ba bế. Ngồi chơi được một chút thì lính mã tà đuổi mẹ và chị em tôi ra, ra khỏi cổng bót, mẹ và chị em tôi mới dám khóc…”.

Chồng bị tù, đày ra Côn Đảo, một mình bà vừa phải tần tảo nuôi con, chờ chồng cho đến ngày gặp mặt sau 17 năm dài đằng đẵng. Ở quê nhà, bà nuôi 2 con bằng cách hằng ngày mua trái cây hay gà, vịt chở lên Sài Gòn hoặc thị xã Mỹ Tho bán. Sau ngày Cách mạng Tháng 8 thành công Bác Tôn về Vĩnh Kim. Bác gái đang đi bắt gà ở xóm trên nghe tin chồng về bươn bả chạy về nhà buông cả mấy con gà đã trả tiền rồi đang xách trên tay. Bác Tôn ngồi đó trên bộ ván dầu, khách khứa đến khá đông. Bác gái nhìn chồng xa 17 năm không nói được lời nào, chỉ đứng ôm cột nhà mà khóc.

Sau lần gặp gỡ ngắn ngủi đó, Bác Tôn có lệnh của Trung ương điều ra chiến khu Việt Bắc. Cũng qua lời kể của bà Tôn Thị Hạnh:

“… Ba tôi về chỉ ở nhà với mẹ và chị em tôi có 1 ngày rồi ra đi công tác. Hai chị em tôi cũng được đoàn thể dìu dắt, vào đội công tác tuyên truyền xung phong đi các tỉnh rồi ra Bắc. Mẹ ở nhà một mình, sau rồi cũng được đoàn thể đưa lên căn cứ địa tại Đồng Tháp Mười, làm công tác nuôi trẻ cho đến năm 1954 thì tập kết ra Bắc. 26 năm xa cách, lúc gặp nhau, ba mẹ tôi đều già cả. Mẹ tôi già không làm được gì, chỉ ở nhà giúp con nuôi cháu và giúp ba mỗi lúc ốm đau. Ba tôi tuy có người giúp việc nhưng mẹ tôi vẫn tự lao động lấy, từ giặt quần áo đến cơm nước, làm được việc gì thì làm không hề sai ai cả… Tôi học được gương mẹ tôi về đức tính thủy chung, chờ chồng, nuôi con, dù phải gặp nhiều gian khổ cũng chịu, không kêu ca, phàn nàn. Mẹ tôi còn có đức tính thương người, khi giàu cũng như lúc nghèo, giàu có nuôi người đã đành, nhưng khi nhà tôi nghèo lắm, ai đến cần nương tựa, mẹ tôi cũng nuôi, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, vui vẻ như thường…”.

Câu chuyện mua quà tặng vợ của Bác Tôn dưới đây làm chúng ta xúc động sâu sắc. Năm 1950, Bác Tôn sang Liên Xô nhận Giải thưởng Hòa Bình Quốc tế Lê Nin, nước bạn có đưa cho Bác 10.000 rúp để mua quà về cho gia đình, bè bạn. Các thành viên đi cùng mỗi người được 1.000 rúp ai cũng mua hết số tiền. Riêng Bác Tôn chỉ mua một cái cối xay tiêu đem về cho bác gái hết 7 rúp, còn 9.993 rúp Bác trả lại cho nước bạn.

Bà Đoàn Thị Giàu qua đời lúc 4 giờ sáng ngày 25-5-1974 tại Quân y viện 108. Từ đó, cứ đúng ngày 25 hằng tháng bao giờ Bác Tôn cũng đi viếng mộ vợ thắp nhang và cúi đầu mặc niệm. Tình nghĩa vợ chồng son sắt, thủy chung của vợ chồng Bác Tôn là một mẫu mực về hạnh phúc gia đình, là tấm gương nhân nghĩa vợ chồng cho chúng ta noi theo.

HỒNG LÊ

.
.
.