.
Chiến thắng Ngã Sáu:

Trận đánh mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh của Khu Trung Nam bộ

Cập nhật: 11:02, 10/03/2017 (GMT+7)

Nhân kỷ niệm 42 năm Ngày Chiến thắng Ngã Sáu (10-3-1975 - 10-3-2017) - trận đánh mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử của Khu Trung Nam bộ, chúng tôi đã tìm gặp những cựu chiến binh (CCB) đã từng trực tiếp tham gia trận đánh để ghi lại những khoảnh khắc, dấu ấn của trận đánh lịch sử này.

Cựu chiến binh Sư đoàn Bộ binh 8 thăm lại chiến trường xưa - Khu di tích Chiến thắng Ngã Sáu.
Cựu chiến binh Sư đoàn Bộ binh 8 thăm lại chiến trường xưa - Khu di tích Chiến thắng Ngã Sáu.

Trung tướng Nguyễn Văn Thạnh, nguyên Phó Chính ủy Quân khu 8 bồi hồi nhớ lại: “Chuẩn bị Chiến dịch mùa khô 1974 - 1975, Bộ Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam quyết định cho Quân khu 8 được thành lập sư đoàn chủ lực đầu tiên của Khu Trung Nam bộ, lấy phiên hiệu là Sư đoàn Bộ binh 8 (gọi tắt là Sư đoàn). Lúc đó, tôi được điều về làm Chính ủy Sư đoàn. Chưa đầy 1 tháng sau khi thành lập, Sư đoàn tổ chức trận đánh đầu tiên vào chi khu Kinh Quận, nằm trên kinh Dương Văn Dương. Sau 1 tuần chiến đấu liên tục, Sư đoàn đã đánh 29 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 682 tên địch, bắt sống 67 tên, bắn rơi 1 máy bay trực thăng, phá hủy 1 khẩu pháo 105 mm, thu nhiều vũ khí đạn dược và phương tiện chiến tranh của địch. Tiếp theo, Sư đoàn được lệnh hành quân chuyển hướng về hoạt động trên chiến trường Mỹ Tho. Sau khi nghiên cứu địa hình, Sư đoàn được lệnh tấn công chi khu Ngã Sáu.

Nhiệm vụ được giao cho Trung đoàn 24 có sở trường đánh công kiên, Trung đoàn 320 lập trận địa phục kích trên cánh đồng Bằng Lăng nhằm tiêu diệt quân tiếp viện, Trung đoàn 207 đứng chân trên kinh Nguyễn Văn Tiếp B làm thê đội dự bị. Đêm 10 rạng ngày 11-3-1975, Sư đoàn bắt đầu nổ súng tấn công, trận đánh kéo dài 16 ngày đêm liên tục và giành được thắng lợi. Toàn Sư đoàn đã đánh 49 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 744 tên địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, thu nhiều vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng, được Bộ Tư lệnh Quân khu tặng Cờ với dòng chữ “Vượt khó, tấn công, băng đồng, dũng mạnh”. Chiến thắng Ngã Sáu là trận đánh mở màn của Sư đoàn tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sau đó, Sư đoàn được lệnh thọc sâu xuống đường 4, tiến về giải phóng thành phố Mỹ Tho; đồng thời tạo thành mũi vu hồi đánh vào phía Tây Nam Sài Gòn. Lúc này, thông qua hệ thống vô tuyến điện, Sư đoàn nhận được mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh Quân khu 8 và Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh: “Hành quân thần tốc, kiên quyết cắt đứt lộ 4 thành nhiều đoạn, kìm chân sư đoàn 7 và sư đoàn 9 ngụy, không cho chúng tiến quân về thành phố Sài Gòn ứng cứu và chặn đứng không cho tàn quân ngụy từ Sài Gòn chạy về Đồng bằng sông Cửu Long cố thủ”. Chấp hành mệnh lệnh chiến đấu, trong những ngày cuối tháng 4 lịch sử, Trung đoàn 320 đã cắt đứt đường 4 thành nhiều đoạn, từ cầu Bến Chùa đến phía Nam thị trấn Tân Hiệp, giữ vững trận địa, không cho địch từ miền Tây lên ứng cứu và không cho tàn quân địch từ Sài Gòn chạy về Đồng bằng sông Cửu Long cố thủ. Kìm chân địch, Trung đoàn 1 Đồng Tháp liên tục tấn công làm tan rã sư đoàn 7 ngụy. Ngày
30-4-1975, với thế đánh chẻ tre, Trung đoàn 320 đánh chiếm ngã ba Trung Lương, buộc 1 tiểu đoàn bảo an phải buông súng đầu hàng; Trung đoàn 1 Đồng Tháp đánh chiếm căn cứ Đồng Tâm, khu kho Bình Đức. Sáng 1-5-1975, Sư đoàn hợp quân tiến vào giải phóng thành phố Mỹ Tho.

Đại tá Đỗ Thanh Xuân, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn Bộ binh 8 Anh hùng tự hào: “Hằng năm, mỗi lần ôn lại truyền thống của Sư đoàn, các thế hệ CCB của Sư đoàn đều vô cùng tự hào về trận đánh mở màn của Sư đoàn tiêu diệt chi khu Ngã Sáu. Đây là trận đánh cấp sư đoàn đầu tiên của Khu Trung Nam bộ. Có thể nói, chiến thắng Ngã Sáu là trận đánh then chốt, tạo điều kiện cho Sư đoàn giải phóng thành phố Mỹ Tho và tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Cứ đến Ngày kỷ niệm Chiến thắng Ngã Sáu 10-3 hằng năm là tôi không khỏi ngậm ngùi thương tiếc những đồng đội đã anh dũng hy sinh!...”.

Sư đoàn Bộ binh 8 Anh hùng có nhiều đơn vị trực thuộc được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân gồm: Trung đoàn 1 Đồng Tháp, Trung đoàn 320, Trung đoàn 24, Trung đoàn 18, Trung đoàn 157 (2 lần được phong tặng); Tiểu đoàn 9 (Trung đoàn 3), Tiểu đoàn Quân y, Tiểu đoàn Thông tin, Tiểu đoàn 261A (Tiểu đoàn Hi-rôn), Đại đội Quân y, Trung đoàn 1, Đại đội 18 súng máy phòng không 12,8 mm, Trung đoàn 3 (1 lần được phong tặng) và là Sư đoàn có nhiều cán bộ, chiến sĩ được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân gồm: Hồ Văn Bé, Nguyễn Văn Đừng, Nguyễn Minh Tua, Nguyễn Minh Dứt, Nguyễn Minh Hồng, Lê Hữu Thời, Mai Văn Ánh, Lê Văn Phích, Hà Kiện Toàn, Hồ Khải Hoàn, Nguyễn Văn Tham, Đoàn Minh Triết (Bảy Đen).

ĐẬU VIẾT HƯƠNG

.
.
.