.
Đồng chí Phan Văn Khỏe:

Người cộng sản kiên cường của quê hương Tiền Giang

Cập nhật: 21:54, 23/05/2017 (GMT+7)


Đồng Tháp Mười, giữ vị trí trọng yếu trong quá trình phát triển của vùng đất phương Nam. Nơi đây điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, cuộc sống lam lũ đã hun đúc nên những con người có ý chí quật cường, đấu tranh bất khuất, bền bỉ, giàu đức hy sinh vì nghĩa lớn. Mảnh đất này sinh ra nhiều danh nhân tiêu biểu cho bản lĩnh và khí phách của những người đi mở cõi, đồng chí Phan Văn Khỏe là một trong những người con vùng Đồng Tháp Mười như thế.

Sinh ra và lớn lên trên vùng đất giàu truyền thống cách mạng, vùng đất của những điệu hò, câu hát mang đậm chất nhân văn, trữ tình... đồng chí Phan Văn Khỏe được nuôi dưỡng và giáo dục bởi truyền thống của quê hương, tận mắt chứng kiến nỗi thống khổ của nhân dân dưới ách thống trị của thực dân, phong kiến. Sớm hình thành tư tưởng yêu nước và ý chí cách mạng, đồng chí Phan Văn Khỏe đã lựa chọn và dấn thân vào con đường đấu tranh cách mạng. Được các bậc cách mạng đàn anh dẫn dắt, đồng chí Phan Văn Khỏe đã học tập, rèn luyện về chính trị và quân sự, được đồng bào, đồng chí thương yêu, tin cậy. Cuộc đời hoạt động cách mạng và cống hiến của đồng chí Phan Văn Khỏe  để lại cho chúng ta những bài học hết sức quý giá.

Gần 20 năm hoạt động cách mạng, từ khi tuổi thanh xuân hăng hái, nhiệt tình tham gia cách mạng ở quê nhà xã Mỹ Hạnh Đông cho đến khi đảm nhiệm cương vị lãnh đạo, như: Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho, Xứ ủy viên Nam kỳ, Bí thư Xứ ủy Nam kỳ, cuộc đời của đồng chí Phan Văn Khỏe gắn liền với những chặng đường đấu tranh đầy gian khổ, hy sinh song rất tự hào của nhân dân tỉnh Mỹ Tho và Nam kỳ.

Là người tham gia cách mạng vào cuối những năm 20 của thế kỷ trước, khi đất nước chìm sâu trong đêm dài nô lệ, đồng chí Phan Văn Khỏe cùng với Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho tiến hành một loạt công tác tỉ mỉ, kiên trì, sáng tạo nhằm xây dựng cơ sở Đảng, khôi phục phong trào cách mạng, giữ vững ý chí chiến đấu của nhân dân, nuôi dưỡng niềm tin vào sự thắng lợi của cách mạng. Đồng chí kết hợp nhuần nhuyễn hai yêu cầu cơ bản trong công tác của một người lãnh đạo là vừa quan tâm những vấn đề chiến lược của cách mạng; vừa chỉ đạo những công việc cụ thể, thiết thực, có hiệu quả.

Những năm 1930-1940, cùng với việc đề ra chủ trương xây dựng lực lượng cách mạng từ cơ sở, đồng chí còn trực tiếp lãnh đạo nông dân đấu tranh với bọn chủ đất, giành quyền lợi thiết thực thực cho nông dân để giữ vững phong trào cách mạng. Cơ sở đảng và phong trào cách mạng do đồng chí xây dựng phát triển đều khắp tỉnh Mỹ Tho và các tỉnh Nam kỳ.

Sau khi khôi phục được phong trào cách mạng, đồng chí Phan Văn Khỏe góp phần cùng Đảng bộ tỉnh ra sức vận động thành lập Mặt trận Dân chủ, tập hợp nhân dân đấu tranh đòi dân sinh dân chủ. Đồng chí có công lớn trong thực hiện chuyển hướng chỉ đạo chiến lược đấu tranh nhằm tập hợp rộng rãi quần chúng xung quanh Đảng, tiến tới đấu tranh giành chính quyền về tay nhân dân.

Trong thời gian bị địch giam cầm ở Côn Đảo, đồng chí luôn thể hiện tinh thần chiến đấu ngoan cường của người chiến sĩ cộng sản. Với đức độ và tài năng được rèn luyện trong đấu tranh cách mạng, với nghị lực và sức hoạt động bền bỉ, người chiến sĩ cách mạng kiên cường, vị lãnh đạo năng động, sáng tạo Phan Văn Khỏe có nhiều cống hiến và đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng ở  tỉnh Mỹ Tho và các tỉnh Nam kỳ.
Sau khi cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ, đồng chí Phan Văn Khỏe chủ trương chuyển mọi hoạt động của tổ chức Đảng vào bí mật, đồng thời chỉ đạo cho các đồng chí đảng viên tạm lánh sang địa phương khác chờ thời cơ gây dựng lại phong trào. Còn riêng mình, đồng chí vẫn bám trụ tại tỉnh, tìm mọi cách nối lại liên lạc với Xứ ủy và các tổ chức cơ sở đảng còn lại.

Giữa năm 1941, trên đường đi đến tỉnh Bến Tre, đồng chí bị địch bắt chuyển về Cai Lậy. Tại đây, địch nhận ra đồng chí là người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa nên chúng dùng mọi cực hình tra tấn dã man hòng khuất phục đồng chí. Nhưng địch thất bại, chúng kết án đồng chí tử hình, sau đó hạ xuống chung thân và đày ra nhà tù Côn Đảo. Ở Côn Đảo, địch đày đọa các chiến sĩ cộng sản như những con vật. Bọn chúa ngục luôn tay đàn áp dã man đối với tù nhân, nhà tù Côn Đảo đúng là "Địa ngục trần gian".
Vừa ra Côn Đảo, đồng chí nhận được tin Phan Văn Lữ, con trai lớn của đồng chí cũng rơi vào tay giặc, bị tra tấn đến chết tại bót cảnh sát Catinat ở Sài Gòn. Sau đó, đồng chí lại được tin Út Nam, người em ruột cũng bị bắt ra Côn Đảo, rồi vĩnh viễn nằm lại tại đó . Mặc dù chịu nhiều đau thương cả về thể xác và tinh thần nhưng đồng chí Phan Văn Khỏe không bị khuất phục. Với phẩm chất, ý chí của người cộng sản kiên trung, đồng chí đã biến đau thương thành hành động.

Trong tình hình địch khủng bố ác liệt và bệnh tật phát sinh nhiều, chi bộ nhà tù Côn Đảo đặt trọng tâm công tác vào việc cứu tế, đoàn kết, tương trợ giữa các tù nhân, bảo vệ cán bộ của Đảng. Đồng chí Phan Văn Khỏe giúp đỡ, chữa bệnh hoặc tìm thêm thực phẩm bồi dưỡng cho nhiều tù nhân khác. Với tinh thần cách mạng triệt để và phẩm chất cao đẹp của người cộng sản, đồng chí Phan Văn Khỏe góp phần quan trọng cùng tổ chức Đảng chỉ đạo cứu tế tù nhân. Đồng thời, đồng chí cùng với nhiều tù nhân tổ chức đấu tranh chống chế độ giam cầm hà khắc của địch và tích cực tham gia nhiều khóa huấn luyện chính trị bí mật do tổ chức Đảng tổ chức với một niềm tin trở về với quê hương, với cách mạng tiếp tục cuộc khởi mới.

Quá trình hoạt động và trưởng thành trong cách mạng của đồng chí Phan Văn Khỏe luôn gắn liền với những hoạt động tại Mỹ Tho. Ngay từ khi gia nhập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên rồi trở thành người đảng viên cộng sản, đồng chí nỗ lực tuyên truyền vận động nhân dân đứng lên đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ, cải thiện đời sống nhân dân. Từ những hoạt động của đồng chí, phong trào cách mạng ở huyện Cai Lậy lan rộng ra khắp toàn tỉnh Mỹ Tho.

Khi ở vị trí Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho, trên cơ sở đường lối của Trung ương Đảng, Xứ ủy Nam kỳ, đồng chí có nhiều sáng tạo trong tổ chức và chỉ đạo cách mạng toàn tỉnh. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí, cuộc khởi nghĩa Nam kỳ ở Mỹ Tho nổ ra mạnh mẽ: chỉ đạo thiết kế cờ đỏ sao vàng năm cánh, thành lập chính quyền cách mạng lâm thời, thành lập Toàn án nhân dân cách mạng, tổ chức xét xử bọn tay sai tại đình Long Hưng...

Khi cuộc khởi nghĩa bị khủng bố khốc liệt, đồng chí vẫn không ngừng bám trụ địa phương gây dựng lại phong trào, chắp nối liên lạc các cơ sở cách mạng với với Xứ ủy. Khi bị địch bắt, bị đày ra Côn Đảo đồng chí vẫn kiên trung, không chịu khuất phục trước đòn roi của kẻ thù, vẫn miệt mài hăng say chiến đấu, học tập để bảo vệ sinh mạng, khí tiết người cộng sản, chờ đợi thời cơ trở về với cách mạng.

Quá trình xây dựng tổ chức Đảng, lãnh đạo nhân dân đấu tranh, gây dựng lại tổ chức sau khi bị địch khủng bố… đều gắn liền với vai trò của đồng chí Phan Văn Khỏe. Trước sự khủng bố khốc liệt của kẻ thù, đồng chí Phan Văn Khỏe cùng các đồng chí trong Tỉnh ủy Mỹ Tho vẫn kiên trì bám trụ, gây dựng lại cơ sở. Với ý chí, lý tưởng, tài năng tổ chức thuyết phục, các tổ chức Đảng ở Mỹ Tho dần được củng cố về tổ chức, vững vàng về tư tưởng, lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945.  

Những thắng lợi mà nhân dân Mỹ Tho giành được từ khi có Đảng lãnh đạo: các cuộc đấu tranh từ năm 1928 đến năm 1940, khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940 đều in đậm dấu ấn của một thế hệ những nhà lãnh đạo cách mạng ưu tú mà Phan Văn Khỏe là một trong những người tiêu biểu đó ở tỉnh Tiền Giang.

                                                                                                                                          TS. LÊ VĂN TÝ

                                                                                     

 

.
.
.