.
ĐẠI BIỂU LÊ QUANG TRÍ (ĐOÀN ĐBQH TỈNH TIỀN GIANG):

Góp ý 8 vấn đề vào dự án Luật Thủy lợi

Cập nhật: 20:45, 12/06/2017 (GMT+7)

Sáng 8-6, Quốc hội làm việc ở Hội trường để thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thủy lợi. Phát biểu ý kiến thảo luận, đại biểu Lê Quang Trí (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) cơ bản đồng tình với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thủy lợi của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời góp ý 8 vấn đề sau:

Một là, về giải thích từ ngữ, tại Điều 3, đề nghị Ban Soạn thảo nghiên cứu, bổ sung, giải thích cụm từ “thủy lợi nhỏ”, bởi vì trong dự án Luật, cụm từ “thủy lợi nhỏ” được nêu nhiều lần, do đó cần giải thích để thống nhất về cách hiểu và thực thi luật.

Hai là, về điều tra cơ bản thủy lợi, tại khoản 1, Điều 10 dự án Luật quy định: Điều tra cơ bản thủy lợi được thực hiện hằng năm. Quy định như vậy chưa hợp lý, bởi vì công trình thủy lợi thường có tuổi thọ cao, nên đề nghị điều tra cơ bản thủy lợi được thực hiện từ 2 - 3 năm/lần để tránh gây lãng phí.

Ba là, tại khoản 4, Điều 19 dự án Luật quy định: Quản lý, khai thác công trình thủy lợi phải có sự tham gia của người sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và các bên liên quan. Quy định như vậy không khả thi, bởi vì người sử dụng sản phẩm và dịch vụ thủy lợi và các bên liên quan chỉ có thể tham gia giám sát. Việc tham gia quản lý rất khó, vì liên quan đến khả năng, trình độ chuyên môn về quản lý, khai thác công trình thủy lợi. Tuy nhiên, để tham gia giám sát một cách hiệu quả, luật cần bổ sung quy định việc phải công khai minh bạch quy trình quản lý, khai thác công trình thủy lợi. Như vậy, tại khoản 4 của điều này, đề nghị thể hiện lại nội dung quy định như sau: “Quản lý, khai thác công trình thủy lợi phải có quy trình được công khai để có sự giám sát của người sử dụng sản phẩm và dịch vụ thủy lợi”.

Bốn là, tại khoản 1, Điều 21 dự án Luật nêu: Công trình thủy lợi được đầu tư từ ngân sách Nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước, quy định như vậy chưa đầy đủ. Thực tế hiện nay có một số công trình được đầu tư theo hình thức PPP, Nhà nước được nhận chuyển giao sở hữu và thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất. Do đó, đề nghị khoản 1, điều này được thể hiện lại như sau: “Đối với công trình thủy lợi được đầu tư từ ngân sách Nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước, công trình được chuyển giao cho Nhà nước. Việc quản lý công trình thủy lợi được thực hiện như sau:…”

Năm là, tại điểm a, khoản 3, Điều 23 của dự án Luật quy định về tổ chức và phương thức khai thác công trình thủy lợi có đoạn giao cho doanh nghiệp Nhà nước quản lý, khai thác và thực hiện theo hình thức đặt hàng. Với quy định như vậy sẽ gây khó khăn cho một số địa phương, vì thực tế hiện nay một số địa phương không có đơn vị này. Do đó đề nghị Ban Soạn thảo cần làm rõ và quy định cụ thể về vấn đề này, để quy định của luật được chặt chẽ, đảm bảo sự thống nhất trong thực thi luật, tránh trường hợp phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần.

Sáu là, tại điểm c, khoản 1, Điều 46, Chương VI của dự án Luật quy định về các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi phải có giấy phép của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền, trong đó có hoạt động xả nước thải vào công trình thủy lợi, trừ xả nước thải với quy mô nhỏ và không chứa chất độc hại, chất phóng xạ. Tại khoản 2, Điều 46 quy định việc cấp phép cho các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi thuộc thẩm quyền của Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 3 và khoản 5, Điều 37 của Luật Tài nguyên nước thì tổ chức, cá nhân xả nước thải vào nguồn nước phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép. Ngoài ra, theo Điều 2, Luật Tài nguyên nước về giải thích từ ngữ, thì nguồn nước là các dạng tích tụ nước tự nhiên hoặc nhân tạo có thể khai thác sử dụng, bao gồm sông, suối, kinh, rạch, hồ, ao, đầm, biển, các tầng chứa nước dưới đất, mưa, băng, tuyết và các dạng tích tụ khác. Như vậy, theo luật này, đối tượng xả thải vào nguồn nước bao gồm cả đối tượng xả thải và phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Do đó, quy định về cấp phép xả nước thải vào phạm vi công trình thủy lợi trong luật này chồng chéo với Luật Tài nguyên nước, đề nghị Ban Soạn thảo nghiên cứu quy định này để có sự thống nhất về quy định cấp phép xả nước thải vào nguồn nước vào phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trong Luật Tài nguyên nước và Luật Thủy lợi.

Bảy là, về yêu cầu phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng tại Điều 51, đề nghị Ban Soạn thảo bổ sung 1 khoản vào điều này, quy định về phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng theo hình thức xã hội hóa để huy động nguồn lực xã hội phát triển kết cấu hạ tầng theo chủ trương của Đảng và làm giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.

Tám là, về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tại Điều 63, đề nghị Ban Soạn thảo nghiên cứu xem xét điều chỉnh Điều 63, với nội dung quy định như sau: “Giao Chính phủ, các bộ, ngành quy định chi tiết hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong luật”, nhằm đảm bảo sự chặt chẽ trong công tác lập pháp và đúng với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

ĐĂNG HIẾU (lược ghi)

.
.
.