Thứ Sáu, 05/10/2018, 20:50 (GMT+7)
.

Tôi cũng chỉ là công bộc của nhân dân

Đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng Chính phủ) ra đi ở tuổi 101 - tuổi đại thọ của một đời người. Từng giúp việc trong nhiều năm cho đồng chí, thông qua Báo SGGP, tôi xin kể lại những mẩu chuyện về đồng chí Đỗ Mười để nhân dân hiểu thêm về con người ông.

a
Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười thăm TPHCM năm 1989

Người lãnh đạo nhân hậu và chu đáo

Trước khi trở thành người đứng đầu Chính phủ, đồng chí Đỗ Mười đã kinh qua các công tác: Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh của 7 tỉnh khác nhau, là Chính ủy viên, tư lệnh của Liên khu 3, khu tả ngạn Sông Hồng, đã từng làm việc trong gần 10 bộ ngành khác nhau. Trên những cương vị công tác đó, ông đã tích lũy rất nhiều kinh nghiệm từ thực tiễn.

Cũng vì vậy, ông là một trong những vị Thủ tướng thuộc việc nhất, nhớ việc nhất. Đồng chí làm việc không kể ngày đêm. Mỗi ngày làm việc ba buổi: sáng, chiều, tối. Để giữ gìn sức khỏe cho ông, nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhiều lần nhắc nhở và Ban Bí thư Trung ương có chỉ thị không để ông làm việc thêm vào buổi tối.

Còn nhớ, năm 1985, khi đồng chí Đỗ Mười đang họp Quốc hội thì có đồng chí công an vào báo cáo: Bên ngoài có nhiều người tụ tập, xin gặp Thủ tướng để đưa đơn khiếu nại. Và đồng chí đó khuyên ông không nên gặp vì sợ có hành động manh động nào đó, nhưng đồng chí Đỗ Mười nói: “Trước kia dân nuôi ta hoạt động cách mạng, chúng ta dựa vào dân mà sống, vì thế tôi phải ra để gặp bà con chứ!".

Nói xong ông lập tức rời hội trường ra với dân. Thấy Thủ tướng, bà con reo ầm lên “Bác Mười ra rồi kìa!”. Đồng chí Đỗ Mười nói: “Tôi đang bận họp, nghe thấy bà con yêu cầu gặp, tôi ra ngay. Bà con có đơn từ khiếu nại xin cứ đưa cho tôi”.

Khi trở lại phòng họp, ông nói với tôi: “Chú thấy không, chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Mình phải tin vào dân chứ!”. Sau đó, đồng chí Đỗ Mười đề nghị văn phòng Phủ Thủ tướng phải có phòng tiếp dân để nhận và xử lý kịp thời khiếu nại của dân. Sau này, chính đồng chí Đỗ Mười đã tham gia tích cực nhất để hình thành quy chế dân chủ cơ sở.

Một lần khác, sau khi làm việc tại tỉnh Khánh Hòa, khi rời trụ sở UBND tỉnh ra sân bay thì một cụ già lao vào xe chở đồng chí Đỗ Mười. Rất may khi ấy không xảy ra tai nạn. Đồng chí sĩ quan bảo vệ và tôi nhảy xuống xe thì thấy cụ già đang quỳ dưới đất, hai tay giơ cao tờ đơn xin nộp Thủ tướng. Lúc đó đồng chí Đỗ Mười đã ra khỏi xe, ông tiến lại chỗ ông cụ, đỡ cụ đứng lên và nói: “Sao cụ lại quỳ xuống như vậy? Tôi có phải là vua chúa đâu. Thật ra tôi chỉ là công bộc của dân mà thôi”.

Rồi tự tay đồng chí Đỗ Mười nhận lá đơn và gọi Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND, Giám đốc Công an tỉnh tới, ông nói to để bà con cùng nghe: “Dân có bức xúc mới nộp đơn khiếu nại lên nhà nước. Sau khi tôi đi rồi, các đồng chí không được làm khó dễ bà con. Nếu các đồng chí làm không đúng lời tôi nói, tôi sẽ kỷ luật các đồng chí đấy!”.

Trong thời gian đồng chí Đỗ Mười làm Thủ tướng, chính đồng chí đã tìm mọi biện pháp để đổi mới nền kinh tế theo chủ trương của Đảng. Chính ông đã đề ra những biện pháp để giảm tình trạng đồng tiền phá giá, khủng hoảng tài chính. Chính ông đã ra lệnh bỏ ngăn sông, cấm chợ; gấp rút nhập hàng tiêu dùng để đổi lấy lương thực cho dân thoát khỏi nguy cơ nạn thiếu đói.

Từ khi còn là Phó Thủ tướng, Bộ Chính trị đã giao đồng chí Đỗ Mười phụ trách xây dựng gấp ngành mũi nhọn, đó là dầu khí, điện lực và hạ tầng cơ sở. Chính ông đã trực tiếp chỉ đạo xây dựng các cơ sở dầu khí như cảng chuyên dùng, bãi lắp ráp chân đế giàn khoan để khoan dầu tại thềm lục địa nước ta, đẩy mạnh tiến độ thi công các nhà máy thủy điện sông Đà, thủy điện Trị An,…

Tấm gương của sự ham học

Nhắc về sự liêm khiết của đồng chí Đỗ Mười thì toàn dân, toàn Đảng đều rõ. Đồng chí thuộc thế hệ những người cộng sản, là đồng chí, là cộng sự, là học trò của Bác Hồ như các đồng chí: Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh, Trần Hữu Dực… Tôi chỉ muốn nói thêm một đức tính khác rất đáng quý của ông là sự ham học. Đồng chí tự học suốt đời. Ông đọc sách, đọc báo hằng ngày. Có cuốn sách nào, bài báo nào có ích cho một ngành, bộ nào đó, cho một đồng chí lãnh đạo nào đó, ông đều cắt ra giữ cho họ hoặc thông báo cho họ đọc. Đồng chí Đỗ Mười đọc các tác phẩm lý luận kinh điển của Chủ nghĩa Mác - Lê Nin và nhiều chủ nghĩa, trường phái khác. Ông đọc sách văn học, lịch sử… Khi có tuổi, đồng chí đọc văn thơ Lý - Trần,… Chỗ nào chưa rõ, ông mời các chuyên gia, giáo sư tới giải thích, trao đổi.

Tôi nhớ đồng chí Đỗ Mười luôn nhắc nhở mọi người “Không nên giấu dốt”. Trong một lần gặp mặt cách đây không lâu tại Hà Nội, đồng chí Đỗ Mười hỏi tôi: “Hiện nay chú đang đọc gì?”. Tôi trả lời đang đọc Trịnh Xuân Thuận - nhà vật lý vũ trụ nổi tiếng thế giới (quê Hà Nội). Cuốn sách nói về một số sự tương đồng giữa vật lý hiện đại và đạo Phật.

Khi ấy đồng chí Đỗ Mười bảo: “Ở Hà Nội không thấy bán. Chú gởi cho tôi cuốn đó”. Ít lâu gặp lại, ông bảo: “Mấy cuốn sách Trịnh Xuân Thuận tôi đã đọc hết. Rất hay và thú vị”. Rồi ông nói tiếp: “Bây giờ tôi mới hiểu vì sao nhà vật lý vũ trụ đó lại trở thành phật tử”.

Bức ảnh cuối cùng tôi chụp ông tại nhà là tấm ảnh ông đang ngồi cạnh một chồng sách, trong đó có mấy cuốn sách tôi gởi biếu ông từ TPHCM. Âu cũng là kỷ niệm đáng quý về ông, một người lãnh đạo rất nhiều vốn sống thực tiễn nhưng không bao giờ sa vào chủ nghĩa kinh nghiệm và suốt đời trau dồi thêm tri thức vô tận của loài người.

Câu chuyện ngắn của tôi kể về người Thủ tướng kính mến như một nén hương vĩnh biệt ông. Xin gởi tới gia đình ông lời chia buồn chân thành của tôi trước sự ra đi của đồng chí Đỗ Mười kính mến.

TRẦN QUÂN NGỌC Nguyên Thư ký đồng chí Đỗ Mười (Theo sggp.org.vn)
 

.
.
.