Thấm đượm tình quân dân
Bài 1: Những "mắt thần" canh giữ biển
Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ an ninh - quốc phòng, cán bộ, chiến sĩ (CB-CS) đóng quân trên các đảo thuộc vùng biển Tây Nam của Tổ quốc còn là chỗ dựa vững chắc của người dân trên đảo và ngư dân đang ngày đêm bám biển. Thông qua các hoạt động hỗ trợ, các CB-CS đã nhận được sự đánh giá cao của chính quyền địa phương và sự tin yêu của người dân.
Đại úy Trần Bình Phục đã gắn bó với lớp học tình thương trên đảo Hòn Chuối hơn 10 năm qua. |
LỚP HỌC ĐẶC BIỆT
Đảo Hòn Chuối thuộc thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau cách đất liền 17 hải lý. Người dân ở đây quanh năm bám biển sinh sống với nghề đánh bắt và nuôi trồng hải sản. Do ở xa đất liền nên cuộc sống của đa số người dân trên đảo còn rất khó khăn. Do đó, chuyện học hành của con em trong các gia đình cũng không được quan tâm nhiều.
Chính điều này và từ thực tế nhìn thấy những trẻ em trên đảo suốt ngày theo cha, mẹ lênh đênh tìm miếng ăn trên biển đã làm cho Đại úy Trần Bình Phục, Đội phó Đội Vận động quần chúng thuộc Đồn Biên phòng Hòn Chuối luôn trăn trở ngay trong lần đầu đến đảo Hòn Chuối cách đây hơn 10 năm.
Đại úy Trần Bình Phục nhớ lại: “Lúc đó, tôi luôn suy nghĩ phải làm sao để giúp các em nhỏ trên đảo Hòn Chuối được đến trường, được học chữ giống như các bạn ở đất liền. Điều này đã thôi thúc tôi mạnh dạn tham mưu, đề xuất với Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Hòn Chuối xin ý kiến và được cấp trên đồng ý mở lớp học phổ cập cho con em ngư dân trên đảo.
Lúc đầu, lớp học khá sơ sài, chỉ được dựng tạm bằng những tấm vách tôn. Khi có lớp học rồi, các CB-CS trong đồn bắt đầu chia nhau đi vận động người dân đưa con em đến lớp. Do lớp học nằm trên núi, phải vượt qua hơn 300 bậc thang đá dốc mới có thể đến lớp được nên những ngày mưa bão, tôi cùng với CB-CS đến tận nhà đón các em đi học, rồi lại đưa về nhà”.
Bằng sự nỗ lực, những người lính “quân hàm xanh” đã làm thay đổi ý thức của người dân trên đảo về tầm quan trọng của việc học đối với tương lai của con em. Từ đó, học sinh đến lớp ngày một đông hơn, với khoảng 20 em theo học hằng năm. “Lớp học này rất đặc biệt khi có nhiều bậc học từ mẫu giáo cho đến tiếu học, THCS cùng học chung.
Là lính biên phòng, không có kỹ năng sư phạm, nên tôi đã phải tự tìm hiểu các bài giảng trong sách giáo khoa để có thể truyền tải kiến thức một cách dễ hiểu nhất đến các em. Đối với những kiến thức mới, tôi gọi điện vào đất liền để nhờ các thầy, cô giáo giải thích thêm” - Đại úy Trần Bình Phục chia sẻ.
Sự nhiệt tình của “thầy giáo” Trần Bình Phục đã hun đúc tinh thần học tập của các học sinh trong lớp. Đối với em Hồ Thị Mỹ Em, học sinh lớp 7, thì thầy Phục như là một người thân trong gia đình. Mỹ Em cho biết: “Em đã được thầy dạy trong 4 năm qua.
Thầy luôn theo sát tình hình học tập của em cũng như các bạn khác trong lớp; đồng thời, thầy luôn ân cần chỉ bảo những điều mà chúng em chưa hiểu để nắm vững hơn kiến thức và những kỹ năng sống. Bên cạnh đó, thầy còn vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ cho em và các bạn nhiều tập sách, quần áo mới để đến trường”.
Bằng những bài giảng của mình, Đại úy Trần Bình Phục đã dìu dắt không ít học sinh trên đảo Hòn Chuối trưởng thành trên con đường học tập, khi ngày càng có nhiều học sinh trên đảo thi đỗ đại học, tốt nghiệp ra trường và có việc làm ổn định.
Với việc làm ý nghĩa, những thầy giáo “quân hàm xanh” cùng với học sinh ở đảo Hòn Chuối luôn nhận được nhiều sự hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị về vật chất cũng như tinh thần. Đặc biệt, năm 2016, lớp học trên đảo đã được xây dựng khang trang, kiên cố thông qua Chương trình “Trường mới cho em” do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Tỉnh đoàn Cà Mau phối hợp thực hiện.
SẴN SÀNG HỖ TRỢ NGƯỜI DÂN
Dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng các đơn vị đóng quân trên đảo luôn triển khai thực hiện tốt công tác dân vận; đồng thời, chủ động phối hợp với các cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện tốt công tác an sinh xã hội; hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí…
Đại úy Nguyễn Minh Mạng, Chính trị viên Trạm Ra đa 595 (đảo Hòn Khoai, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) cho biết: “Dù ở xa đất liền và trung tâm hành chính của xã, nhưng thời gian qua, trạm đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã Tân Ân thực hiện tốt mô hình “Mỗi đơn vị gắn với một địa chỉ tình thương”. Hằng tháng, trạm còn trích nguồn quỹ tăng gia của đơn vị hỗ trợ gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn 20 kg gạo”.
Bên cạnh đó, các đơn vị tích cực tham gia nhiều hoạt động của địa phương. Đại úy Bùi Công Chuẩn, Chính trị viên Trạm Ra đa 625 (đảo Hòn Đốc, xã Tiên Hải, TP. Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang) cho biết: “Trong năm 2018, trạm đã hỗ trợ 240 kg gạo cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn trên đảo. CB-CS của trạm còn tham gia cùng với các đoàn thể trên địa bàn đóng góp 40 ngày công lao động xây dựng nông thôn mới; tặng 60 ghế ngồi cho các em học sinh trên đảo nhân dịp năm học mới…”.
Cùng với lực lượng Hải quân, các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng luôn hỗ trợ người dân trên đảo và ngư dân phòng, chống thiên tai, mưa bão. Trung tá Trịnh Đình Chấn, Chính trị viên Đồn Biên phòng đảo Thổ Chu (huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) cho biết: “Vào mùa mưa bão, đơn vị luôn cử lực lượng theo dõi sát tình hình để nhắc nhở và hỗ trợ ngư dân phòng, chống mưa bão, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản. Trong cơn bão số 1 (đầu tháng 1-2019) vừa qua, đơn vị đã hỗ trợ người dân trên đảo thực hiện tốt công tác phòng, chống và khắc phục những thiệt hại do bão gây ra”.
Các hoạt động của các đơn vị đã để lại những hình ảnh tốt đẹp về người lính Biên phòng trong lòng những người dân trên đảo. Chị Nguyễn Thị Ly, ấp Hòn Tre, xã Tiên Hải (đảo Hòn Đốc), TP. Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Đối với những người dân trên đảo, các CB-CS giống như những người thân trong gia đình. Bởi khi người dân cần là các CB-CS đều có mặt mà không quản ngại khó khăn, gian khổ. Thực tế ở cơn bão số 1 vừa qua, gia đình tôi được các chiến sĩ hỗ trợ chằng chống nhà cửa, dọn dẹp cây cối xung quanh nhà để đảm bảo an toàn”.
Với những đóng góp của mình, các đơn vị đóng quân trên các đảo Tây Nam nhận được sự đánh giá cao của chính quyền địa phương. Theo Chủ tịch xã An Sơn (đảo Nam Du), huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang Phạm Thanh Điền, CB-CS của các đơn vị cùng với các đoàn thể của địa phương thực sự là lực lượng nòng cốt trong thực hiện công tác phòng, chống thiên tai, giữ gìn vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, xây dựng nông thôn mới. Qua đó, càng thắt chặt hơn tình đoàn kết, gắn bó giữa người dân với các lực lượng trên đảo, tạo nên thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc.
PHAN THẮNG
(còn tiếp)