Thủ tướng: Tìm cách kích hoạt tốt hơn nữa kinh tế tư nhân
Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam chứng kiến nhiều thành quả của nền kinh tế, đặc biệt 2018 là năm thứ 4 liên tiếp có số doanh nghiệp thành lập mới với số vốn kỷ lục, trong đó có vai trò của khối doanh nghiệp tư nhân. Tư nhân đang tạo ra khoảng hơn 42% GDP..
Toàn cảnh Diễn đàn kinh tế tư nhân 2019 |
Chiều 2-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019 và có bài phát biểu quan trọng. Đây là sự kiện cấp cao có quy mô quốc gia, quốc tế lớn nhất trong năm 2019 về những vấn đề then chốt, giải pháp phát triển cho khu vực kinh tế hiện chiếm khoảng 40% GDP cả nước. Khoảng 2.500 doanh nhân tư nhân tham dự phiên toàn thể, đối thoại với Chính phủ, các địa phương theo tinh thần công - tư, để góp phần tháo gỡ các rào cản, nút thắt để phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Theo báo cáo của Ban kinh tế Trung ương, khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam, nhất là sau 2 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 10-NQ/TW đã có bước phát triển mới cả về số lượng, chất lượng và có những đóng góp ngày càng tăng đối với sự phát triển của nền kinh tế và xã hội. Theo đó, số lượng doanh nghiệp tư nhân tăng mạnh từ 655.000 năm 2017 lên 730.000 năm 2018 và đạt hơn 743.000 doanh nghiệp vào cuối quý I-2019. Quy mô của nhiều doanh nghiệp ngày càng mở rộng, một số doanh nghiệp đạt tổng tài sản đến hàng trăm ngàn tỷ đồng và sử dụng hàng chục ngàn lao động. Khu vực kinh tế tư nhân hiện chiếm khoảng 40% GDP cả nước.
Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp tư nhân thành lập nhiều nhưng khả năng trụ vững và phát triển hiệu quả còn thấp. Phần lớn (97%) doanh nghiệp tư nhân là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, với khoảng 70% doanh nghiệp đăng ký có quy mô dưới 10 lao động và vốn đăng ký dưới 5 tỉ đồng. Cùng với đó là vốn ít, công nghệ sản xuất lạc hậu, trình độ quản lý yếu kém, hiệu quả và sức cạnh tranh yếu, ít đầu tư vào lĩnh vực sản xuất…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chiều 2-5 |
Phát biểu tại diễn đàn chiều 2-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Nhà nước là xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần. Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam chứng kiến nhiều thành quả của nền kinh tế, đặc biệt 2018 là năm thứ 4 liên tiếp có số doanh thành lập mới với số vốn kỷ lục, trong đó có vai trò của khối doanh nghiệp tư nhân. Tư nhân đang tạo ra khoảng hơn 42% GDP, nhiều doanh nghiệp đã khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường và được người dân tin tưởng. Dù chưa có đánh giá đầy đủ, nhưng 2 năm qua cho thấy khát vọng vươn lên của khu vực này. Khu vực tư nhân có vai trò hết sức quan trọng của nền kinh tế, cần tìm cách kích hoạt tốt hơn nữa.
Thủ tướng cho rằng, phát triển kinh tế tư nhân vẫn còn nhiều rào cản, vướng mắc, vì thế thời gian tới phải tiếp tục kiến tạo chính sách. Thủ tướng dùng 10 từ cho khu vực này, đó là: sự bình đẳng, được bảo vệ, khích lệ và trao cơ hội cho kinh tế tư nhân.
Bình đẳng, đó là kinh tế tư nhân bình đẳng trước pháp luật, trong cạnh tranh, phân bổ nguồn lực với các thành phần kinh tế khác, nhất là tiếp cận nguồn lực. Đặc biệt, cần giảm chồng chéo tầng lớp, tạo môi trường thông thoáng cho kinh tế tư nhân.
Khích lệ là được tôn vinh các dự án, ngược lại cần lên án đấu tranh các doanh nghiệp vi phạm đạo đức kinh doanh.
Cuối cùng là trao cơ hội, đó là tạo cơ hội tiếp cận nguồn lực, cắt giảm chi phí kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm... làm ra môi trường thông thoáng, minh bạch, thuận lợi.
Nói về phong trào khởi nghiệp, Thủ tướng nhận định hiện đã bước đầu có hệ sinh thái khởi nghiệp, nhưng chưa mạnh mẽ. Tới đây, Thủ tướng, Chính phủ sẽ có quyết sách để thế hệ trẻ, các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương bày tỏ kỳ vọng đối với Diễn đàn kinh tế tư nhân 2019, tác động của sự kiện trong phát triển kinh tế tư nhân theo tinh thần Nghị quyết 10.
Trên cương vị là đơn vị soạn thảo Nghị quyết 10, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh là yêu cầu trong tiến trình xây dựng kinh tế. Đây được xem là phương thức quan trọng để giải phóng sức sản xuất; huy động nguồn lực xã hội. Nghị quyết này là kết tinh tinh hoa, đúc kết kinh nghiệm từ trước và có tiếp thu, có chọn lọc những thành tựu của thế giới.
Theo ông Nguyễn Văn Bình, phải thống nhất trong nhận thức thì mới có hành động thống nhất. Có nhận thức đầy đủ thấu đáo các quan điểm của Đảng thì mới đủ bản lĩnh quyết tâm xóa bỏ mọi rào cản, mọi mặc cảm để phát triển kinh tế tư nhân. Chỉ khi hiểu thấu đáo, xuyên suốt mới có bản lĩnh đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, tuyệt đối hóa kinh tế hóa tư nhân; khích lệ các thành phần kinh tế đều cạnh tranh bình đẳng; hỗ trợ bổ sung và thống nhất trong nền kinh tế thị trường. Có nhận thức thì mới xây dựng đội ngũ doanh nhân có ý chí tự lực tự cường, yêu nước, phát triển bản thân nhưng gắn chặt với lợi ích đất nước.
Cùng với đó, hiểu đúng thì mới giải quyết đúng đắn quy luật giữa nhà nước và thị trường. “Trong lịch sử phát triển chủ nghĩa xã hội, tại nhiều nước, có khi tuyệt đối vai trò kinh tế nhà nước, nên có nhiều tiêu cực và dẫn đến thất bại. Đôi khi nhiều nước tư bản cũng tuyệt đối vai trò của kinh tế tư nhân dẫn đến khủng hoảng nhiều năm, và họ phải thừa nhận vai trò nhà nước trên quan điểm vỗ tay bằng 2 bàn tay: nhà nước và thị trường. Nhà nước có vai trò điều tiết. Thị trường và đóng vai trò chủ yếu trong giải phóng sức xã hội và tận dụng hiệu quả nguồn lực xã hội”, đồng chí Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.
Để phát triển kinh tế tư nhân, phải xây dựng môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, có sức cạnh tranh. Chính phủ cần xây dựng nền kinh tế vĩ mô, cải thiện chính sách, tạo môi trường đổi mới sáng tạo, áp dụng khoa học công nghệ để các doanh nghiệp có điều kiện phát triển bền vững.
“Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã đánh số 10 cho Nghị quyết phát triển kinh tế tư nhân thể hiện mong muốn, quyết tâm của Đảng, Nhà nước nhằm đạt được nhiều kết quả thắng lợi giống như nghị quyết khoán 10 trong ngành nông nghiệp”, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng nhấn mạnh về vai trò của kinh tế tư nhân, về việc triển khai những chủ trương, cơ chế cho kinh tế tư nhân phát triển. Ông Phùng Quốc Hiển cho rằng, việc xóa bỏ rào cản cho kinh tế tư nhân phát triển còn nhiều bất cập. Tới đây, Quốc hội sẽ rà soát các luật còn tạo rào cản cho kinh tế tư nhân, tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp, để họ tham gia hay rút khỏi thị trường nào đó đều phải đơn giản hơn. “Quốc hội, Chính phủ sẽ tập trung trong thời gian tới nhằm hoàn thiện thể chế để khu vực kinh tế tư nhân phát triển”, Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Trước giờ khai mạc phiên toàn thể, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham gia lễ cắt băng khai mạc Triễn lãm Thành tựu kinh tế tư nhân. Với khoảng 30 gian hàng, triển lãm tập trung vào nhiều lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế như tài chính, ngân hàng, sản xuất công nghiệp, tiêu dùng, y dược, công nghệ, vận tải... thuộc nhiều tập đoàn, công ty tên tuổi như VinFast, Agribank, MXP, BIM Group, TTC, Grab, TomoChain.
(Theo sggp.org.vn)
.