Thứ Tư, 23/10/2019, 21:21 (GMT+7)
.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung:

Giảm giờ làm xuống 44 giờ/tuần thì tăng trưởng kinh tế sẽ giảm 0,5%/năm

ĐB Ngọ Duy Hiểu (Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, Việt Nam đang thực hiện 48 giờ/tuần, là mức cao, cần phải cân nhắc. ĐB đề nghị thực hiện 44 giờ nhưng có thể tăng giờ làm thêm.
 
a
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung. Ảnh: VIẾT CHUNG
Chiều 23-10, Quốc hội tiếp tục thảo luận về những nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) trước khi biểu quyết thông qua, dự kiến vào cuối kỳ họp này.
 
Đáng chú ý, nhiều ĐBQH đồng tình bổ sung một ngày nghỉ trong năm và đề xuất chọn ngày Gia đình Việt Nam (28-6). Nhưng các vấn đề về tăng tuổi nghỉ hưu, tăng giờ làm thêm, giảm giờ làm việc bình thường... thì ý kiến các ĐB còn rất khác nhau, vì thế không khí tranh luận diễn ra hết sức sôi nổi.
 
Về giờ làm việc bình thường, ĐB Ngọ Duy Hiểu (Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, Việt Nam đang thực hiện 48 giờ/tuần, là mức cao, cần phải cân nhắc. ĐB đề nghị thực hiện 44 giờ nhưng có thể tăng giờ làm thêm. “Về tuổi nghỉ hưu, cần cân nhắc thật kỹ, nếu tăng thì chỉ tăng ở bộ phận cán bộ công chức; còn lực lượng lao động trực tiếp thì phải tính toán thận trọng, nếu tăng thì tăng chậm, có lộ trình, không gây sốc”, ĐB Ngọ Duy Hiểu nói. Nhiều ĐBQH cũng cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu cần được tính toán thận trọng, có lộ trình, phân nhóm đối tượng lao động, không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động. Thực tế, nhiều lao động không muốn tăng tuổi nghỉ hưu.
 
Thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB và XH Đào Ngọc Dung cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu và tiếp thu tối đa ý kiến xác đáng các ĐBQH. Đây là dự thảo được cả xã hội, nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp (DN) đặc biệt quan tâm. Tổ chức Lao động quốc tế đã có bình luận về dự thảo, cho rằng đã phù hợp cơ bản với các nguyên tắc của ILO, phù hợp với nguyên tắc cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế.
 
Về tuổi nghỉ hưu, Bộ trưởng cho rằng, báo cáo giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nêu rất cụ thể về lập luận phương án. Về lực lượng lao động nghỉ hưu sớm, Bộ LĐ-TB và XH đã lấy ý kiến các bộ ngành, hiệp hội, doanh nghiệp để xác định có 1.810 ngành nghề, lĩnh vực độc hại, nặng nhọc, với khoảng 3 triệu lao động. Đương nhiên 3 triệu lao động này sẽ thuộc nhóm nghỉ hưu sớm, nhóm này cộng với điều kiện có sức khỏe suy giảm thì họ được nghỉ hưu sớm tới 10 năm.
 
Về thời gian làm thêm, Chính phủ đã trình và Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
 
a
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB và XH Đào Ngọc Dung  trao đổi với Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân
Về giảm giờ làm việc bình thường, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã có bó cáo đầy đủ, sâu sắc về vấn đề này. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB và XH Đào Ngọc Dung cho rằng giảm giờ làm việc bình thường là vấn đề lớn, có tác động lớn đến tất cả các chủ thể liên quan như người lao động, DN, nhà nước, có tác động lớn đến tăng trưởng, ngân sách, đến nền kinh tế.. vì vậy cần được nghiên cứu, đánh giá  và lượng hóa rất cụ thể, thận trọng. Hiện nay giờ làm việc là tuần làm việc 48 giờ/tuần, khuyến khích các DN sử dụng tuần làm việc 40 giờ.
 
Theo thống kê, có 89,6% DN đang thực hiện 48 giờ; 3,6% DN thực hiện 44 giờ; 6,8% thực hiện 40 giờ. Trong khối ASEAN có 8 nước làm 48 giờ như Việt Nam, chỉ có Singapore và Indonesia có số giờ làm việc thấp hơn. Đáng chú ý, thu nhập bình quân đầu người của Singapore năm 2018 là 65.000 USD/người/năm, gấp 12 lần Việt Nam.
 
Thực tế, nước càng giàu thì thời gian lao động càng ít, người càng nghèo thì thời gian lao động càng tăng lên. Còn Indonesia với dân số 270 triệu dân, 6% người thất nghiệp, họ giảm giờ làm là để chia sẻ việc làm cho nhiều người, tránh tỷ lệ thất nghiệp cao nhất.
 
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, với vấn đề giảm giờ làm từ 48 giờ xuống 44 giờ/tuần thì dù Chính phủ chưa trình, nhưng qua ý kiến của ĐBQH, Bộ LĐ-TB và XH đã tính toán: nếu giảm xuống 44 giờ thì tổng thời gian giảm đi sẽ là 208 giờ (trong khi Chính phủ đang xin Quốc hội cho tăng giờ làm thêm); tổng chi phí lao động tăng lên 10%; tổng giá trị xuất khẩu giảm khoảng 20 tỷ USD/năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ giảm 0,5%. Việt Nam là quốc gia đang nỗ lực lớn để không rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp, nếu muốn thế phải phải phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 7%/năm. “Vì vậy, đứng về góc độ kinh tế, đây là vấn đề rất lớn, rất hệ trọng với quốc gia, cần nghiên cứu rất kỹ lưỡng.
 
Vì vậy, đề nghị Quốc hội giao Chính phủ nghiên cứu để tính toán giảm giờ làm việc ở thời điểm thích hợp” - Bộ trưởng nói.
 
Trước đó, phát biểu tại hội trường, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM  cho rằng Việt Nam cần có lộ trình chuyển lao động 48 giờ xuống 40 giờ trong vòng 10 năm, có thể trước mắt xuống 44 giờ, sau 2030 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng thì sẽ làm 5 ngày mỗi tuần với người lao động. “Nếu chúng ta làm việc mỗi ngày 9 – 10 giờ quanh năm thì không thể có gia đình hạnh phúc đâu. Thế giới từ bỏ điều nay 133 năm nay rồi”, đồng chí nhấn mạnh.
 
(Theo sggp.org.vn)
.
.
.