.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải: Đóng góp ý kiến đối với 2 dự án Luật

Cập nhật: 19:58, 28/10/2019 (GMT+7)

(ABO) Sáng 25-10, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Phát biểu ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang thống nhất với ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sửa đổi lần này chỉ tập trung vào một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Việc sửa đổi lần này vừa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đổi mới, sắp xếp bộ máy theo hướng tinh gọn như tinh thần Nghị quyết của Đảng, vừa đảm bảo sửa đổi cụ thể trên cơ sở thực tế, tránh tình trạng chủ quan, nóng vội, rập khuôn.

Để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thanh Hải tham gia một số ý kiến cụ thể như sau:

Một là, về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ

- Về việc quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh, cấp huyện và tiêu chí thành lập các tổ chức hành chính theo quy định tại khoản 3, Điều 23: Thống nhất sửa đổi tại khoản 3, Điều 23 theo hướng giao Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tiêu chí thành lập và số lượng biên chế tối thiểu để tổ chức các đơn vị bên trong thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; quy định về tổ chức, khung số lượng, tiêu chí thành lập và số lượng biên chế tối thiểu để tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị bên trong thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh theo hướng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, bảo đảm thu gọn đầu mối, giảm cấp trung gian, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Việc giao Chính phủ quy định các vấn đề này để đảm bảo quyền hạn của Chính phủ và phát huy được tính năng động của các cơ quan trong việc bố trí cán bộ.

 

 

- Về việc giao Chính phủ quyết định thực hiện thí điểm mô hình mới về tổ chức bộ máy tại khoản 10, Điều 23: Thống nhất với ý kiến giao Chính phủ quyết định thực hiện thí điểm mô hình mới về tổ chức bộ máy. Vì vấn đề cải cách bộ máy đã được đặt ra từ lâu, cho nên rất cần giao Chính phủ tổ chức thí điểm để tìm ra những mô hình mới hiệu quả hơn trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan để có cơ sở lý luận rõ ràng cho việc thí điểm. Tuy nhiên, thí điểm phải có thời gian cụ thể là mấy năm, không nói chung chung như trong thời gian vừa qua.

Hai là, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương

- V phân cấp, phân quyền và ủy quyền: Thống nhất ý kiến về việc phân cấp, phân quyền và ủy quyền theo dự thảo luật. Tuy nhiên, cần làm rõ hơn nữa các nguyên tắc, tiêu chí của việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền trong luật để làm cơ sở cho các luật chuyên ngành quy định cụ thể. Đồng thời gắn phân quyền, phân cấp với cơ chế kiểm tra, thanh tra khi thực hiện phân quyền, phân cấp và đảm bảo các điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác cho địa phương.

Ngoài ra, để tránh phân cấp, phân quyền tràn lan, làm giảm trách nhiệm và hiệu lực quản lý Nhà nước, dự thảo Luật xác định nguyên tắc đối với các luật chuyên ngành khi được quy định về nhiệm vụ phân quyền cho địa phương các cấp phải quy định một cách cụ thể quyền hạn, không nói chung chung, cái nào là của địa phương, cái nào là của Trung ương.

- Về số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp tỉnh, cấp huyện và số lượng Phó Trưởng ban của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện: Đối với số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh: Đề nghị thực hiện theo Phương án 2, quy định lãnh đạo HĐND cấp tỉnh có 2 đại biểu hoạt động chuyên trách; trường hợp Chủ tịch HĐND tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách thì bố trí 1 Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách; trường hợp Chủ tịch HĐND tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động kiêm nhiệm thì bố trí 2 Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách.

Hiện nay, hướng sửa luật là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền về cho cơ sở, nên công việc trong thời gian tới sẽ nhiều hơn, vai trò của Thường trực và các ban của HĐND sẽ nhiều hơn trong thực hiện nhiệm vụ. Do đó, cần phải có cán bộ chuyên trách đủ mạnh, đảm bảo chất lượng để thực hiện nhiệm vụ, vai trò, chức năng theo quy định.

Đối với số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp huyện: Thống nhất giảm 1 Phó Chủ tịch HĐND cấp huyện xuống còn 1 người, vì chức năng, nhiệm vụ của cá nhân Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND chỉ mang tính hành chính, điều hành, triệu tập các cuộc họp HĐND; đôn đốc, kiểm tra UBND và các cơ quan nhà nước khác tại địa phương; giám sát việc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật tại địa phương; chỉ đạo điều hòa, phối hợp các hoạt động khác của các ban…; đồng thời, còn có sự hỗ trợ của các ban của HĐND; bản thân trong các ban của HĐND đã có thành viên hoạt động chuyên trách.

Đối với số lượng Phó Trưởng ban chuyên trách HĐND cấp tỉnh: Thống nhất Phương án 1, quy định ban của HĐND cấp tỉnh có 2 đại biểu hoạt động chuyên trách, nếu Trưởng ban là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách thì bố trí 1 Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách; nếu Trưởng ban là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm thì bố trí 2 Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách. Tuy nhiên, cần đề ra tiêu chuẩn cụ thể của Trưởng ban, Phó Trưởng ban để đảm bảo đây là những người thật sự có năng lực và uy tín.

- Về việc HĐND ủy quyền cho Thường trực HĐND hoặc UBND được quyết định một số nhiệm vụ cấp bách, phát sinh trong thời gian giữa 2 kỳ họp nhưng phải báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất: Không nên ghi HĐND ủy quyền cho Thường trực HĐND hoặc UBND được quyết định một số nhiệm vụ cấp bách, phát sinh trong thời gian giữa 2 kỳ họp. Vì HĐND đại diện cho nhân dân nên HĐND không nên ủy quyền lại cho UBND; đồng thời, HĐND ban hành quyết định trên cơ sở biểu quyết ý kiến của tập thể và Thường trực HĐND chỉ là cơ quan giúp cho HĐND nên không có quyền thay mặt HĐND, do đó HĐND không nên ủy quyền cho Thường trực HĐND.

- Về Hội đồng nhân dân cấp xã: Đề nghị không nên bổ sung thẩm quyền của HĐND cấp xã trong việc quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Vì thực chất các chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của xã là do cấp trên, cấp ủy giao, còn HĐND cấp xã không có thực quyền về việc quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của xã. Do đó, việc bổ sung quy định thẩm quyền này vừa không đúng chức năng, nhiệm vụ của chính quyền địa phương cấp xã, vừa mang tính chất hình thức, làm tăng thêm thủ tục cho UBND cấp huyện trong việc phê duyệt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được HĐND cấp xã thông qua. Vì thế, không nên hợp thức hóa một hoạt động mà không có thực chất.

- Về bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương: Thống nhất với Phương án 1, là hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng HĐND cấp tỉnh thành một Văn phòng; giữ nguyên Văn phòng UBND cấp tỉnh. Vì trên thực tế, 12 đơn vị địa phương đã tổ chức hợp nhất 3 Văn phòng trên thành 1 Văn phòng, nhưng việc hợp nhất thành 1 Văn phòng chỉ mang tính chất cơ học, không phát huy được hiệu quả hoạt động của Văn phòng, nguyên nhân là do tính chất đặc thù hoạt động của các cơ quan khác nhau.

Văn phòng ĐBQH và Văn phòng HĐND là cơ quan tham mưu, giúp việc và phục cơ quan dân biểu có cùng tính chất, phương thức hoạt động, trong khi đó Văn phòng UBND là cơ quan hành chính nhà nước mang tính chất hoạt động khác hẳn với 2 Văn phòng đã nêu trên. Tuy nhiên, vấn đề này đang trong thời gian thực hiện thí điểm nên thống nhất với với kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là sau khi kết thúc thí điểm sẽ chấn chỉnh phù hợp với thực tế hoạt động của 2 Văn phòng.

MINH NHỰT (tổng hợp)

.
.
.