"Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công"
Trong quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác dân vận. Bác đã chỉ rõ rằng, quần chúng nhân dân là chủ thể của cuộc cách mạng, là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Nhưng để nhân dân nhận thức rõ vai trò, sứ mệnh của mình, Đảng phải tiến hành công tác tuyên truyền, vận động để người dân giác ngộ, tự nguyện làm tốt bổn phận và trách nhiệm của mình. Đó chính là công tác dân vận của Đảng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tát nước chống hạn với bà con nông dân ở cánh đồng Quai Chảo, xã Đại Thanh, huyện Thường Tín, Hà Đông (tháng 12-1958). |
QUAN ĐIỂM CỦA BÁC VỀ CÔNG TÁC DÂN VẬN
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân vận không chỉ tuyên truyền suông bằng sách báo, mít tinh, khẩu hiệu…, mà phải bằng hành động cụ thể, thiết thực. Do đó, lúc sinh thời, Bác rất quan tâm đến việc xây dựng những điển hình tốt, những tấm gương tốt. Bác cũng đã trực tiếp viết thư khen ngợi, động viên, khuyến khích những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập, lao động sản xuất, chiến đấu và đề nghị có mục “Gương người tốt, việc tốt” trên báo để động viên mọi người noi theo. Bác thường nói, một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền và cả cuộc đời Bác chính là một tấm gương sáng.
Bác đến với dân gần gũi và chân tình, không có sự cách biệt. Bác sẵn sàng lội xuống ruộng cầm dây gầu tát nước, đạp guồng nước cùng dân… Đến thăm cơ sở hay đơn vị, Bác không chỉ dừng lại ở phòng khách hay hội trường, mà thường xem tận nơi nhà bếp, giếng nước, nơi vệ sinh…
Bác cũng không chỉ gặp gỡ lãnh đạo, mà tận tình thăm hỏi từng người lao động bình thường nhất. Bác đến với dân để động viên phong trào, biểu dương thành tích, cố gắng của đồng bào và bao giờ cũng nghiêm khắc phê bình những khuyết điểm cần sửa chữa. Suốt cuộc đời Bác hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Bác đã dành trọn cuộc đời để làm việc cho nước, cho dân.
… Khuyết điểm to ở nhiều nơi là xem khinh việc dân vận. Cử ra một ban hoặc vài người, mà thường cử những cán bộ kém rồi bỏ mặc họ. Vận được thì tốt, vận không được cũng mặc. Những cán bộ khác không trông nom, giúp đỡ, tự cho mình không có trách nhiệm dân vận. Đó là sai lầm rất to, rất có hại. Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công. (Trích tác phẩm “Dân vận” đăng trên Báo Sự thật, ngày 15-10-1949) |
Là người sáng lập, rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh: Công tác dân vận là một bộ phận quan trọng trong công tác của Đảng, nếu thiếu hoặc làm không tốt Đảng sẽ không tập hợp được quần chúng làm cách mạng.
Theo Bác, nếu có quần chúng mà không có Đảng thì mọi phong trào của quần chúng chỉ là phong trào tự phát.
Làm cách mạng đòi hỏi phải huy động sức mạnh của toàn dân tộc, bởi “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng nào. Thành công của Đảng ta là ở nơi Đảng ta đã tổ chức và phát huy lực lượng cách mạng vô tận của nhân dân”.
Nếu không làm tốt công tác dân vận thì không những không phát huy được sức mạnh của toàn dân, mà còn bị kẻ thù chống phá, xuyên tạc, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đến lúc ấy dù việc nhỏ đến mấy thì cũng không thành công.
Bác chỉ rõ, chỉ có làm tốt công tác dân vận thì mới huy động được sức mạnh vô địch của quần chúng nhân dân: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Do đó, cách mạng muốn thành công, đạt được nhiều thành tựu lớn lao thì phải xây dựng nền tảng từ nhân dân: “Gốc có vững, cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”.
Và Bác cũng đã khẳng định: “Kinh nghiệm trong nước và các nước cho chúng ta biết: Có lực lượng dân chúng, việc to tát mấy, khó khăn mấy cũng làm được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong”. Do đó, cần phải nhận thức rõ công tác vận động, giác ngộ quần chúng là công tác quan trọng quyết định thành bại của cách mạng. Với khẳng định đó, Bác đã đưa vị trí của nhân dân lên đúng tầm, với sức mạnh vô địch trong lịch sử cách mạng Việt Nam.
NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG GIAN KHÓ, VẺ VANG
Quá trình lãnh đạo cách mạng, kể từ khi ra đời năm 1930, Ðảng ta đã lấy lợi ích của nhân dân, của dân tộc làm mục đích phấn đấu. Với tư cách là tổ chức chính trị, Ðảng ta đã vươn lên, xây dựng và rèn luyện đội ngũ, tổ chức và hoạt động thật sự tiêu biểu cho ý chí và nguyện vọng của toàn dân, tổ chức và lãnh đạo nhân dân, được nhân dân tin cậy, nuôi dưỡng, chở che, cùng toàn dân vượt qua mọi khó khăn, thử thách, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, giành chính quyền về tay nhân dân, xây dựng đất nước ngày một phồn vinh, tất cả đều vì hạnh phúc của nhân dân.
Ðúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh tổng kết trong tác phẩm “Dân vận”, những thành công của cách mạng là do dân vận khéo mà đạt được. Ðảng ta đã biết vận động tất cả lực lượng của mỗi người dân, không để sót một người dân nào, gộp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, tạo nên sức mạnh đoàn kết của toàn dân. Tại Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ III, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Thành công của Ðảng ta là ở nơi Ðảng đã tổ chức và phát huy lực lượng cách mạng vô tận của nhân dân.
Từ năm 1930 đến nay, công tác dân vận của Đảng đã trải qua 3 chặng đường phát triển gắn liền với lịch sử Việt Nam: Công tác dân vận trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền (1930 - 1945); Công tác dân vận trong 2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc (1945 - 1975); Công tác dân vận trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.
Trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền (1930 - 1945), thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã chứng minh đường lối cách mạng của Đảng là đúng đắn. Đó cũng là thắng lợi của nghệ thuật vận động quần chúng. Đảng biết dựa vào dân, tin ở dân, gắn bó với dân, tuyên truyền giác ngộ nhân dân, tổ chức tập hợp và hướng dẫn quần chúng nhân dân đấu tranh giành chính quyền.
Trong 2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc (1945 - 1975), thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ là thắng lợi của đường lối mở rộng đại đoàn kết toàn dân tộc vì sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc.
Đó là sự thành công của việc xây dựng lực lượng chính trị ngày càng rộng rãi trong Mặt trận và các đoàn thể, trong Lực lượng vũ trang theo tư tưởng Hồ Chí Minh; phát huy cao nhất về lực lượng, trí tuệ và của cải tạo thành sức mạnh tổng hợp để hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, công tác dân vận tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả, đi vào chiều sâu, chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng - Nhà nước với nhân dân…
Hiện nay, Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã thực hiện có hiệu quả, góp phần làm sáng rõ tư tưởng của Bác về công tác dân vận: Phải xây dựng cho được những tấm gương sáng từ trên xuống dưới để cho toàn Đảng, toàn dân noi theo và để lấy lại lòng tin của dân đối với Đảng và Nhà nước, như Bác Hồ đã nói: “Lấy gương người tốt việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”.
Để mỗi cán bộ, đảng viên thật sự xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, thiết nghĩ tự mỗi người cần thường xuyên học tập và làm theo lời dạy của Bác Hồ: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Những quan điểm đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự là nền tảng tư tưởng, lý luận đã được Đảng ta tiếp thu và vận dụng trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng.
HỒNG LÊ (tổng hợp)