Thứ Hai, 25/11/2019, 21:34 (GMT+7)
.
ĐÌNH LONG HƯNG:

Địa điểm tổ chức phiên tòa cách mạng đầu tiên ở Việt Nam

Ngày 23-11-1940, lịch sử dân tộc ta ghi thêm một trang sử hiển hách trong công cuộc chống ngoại xâm giành độc lập, đó là Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ.

Trong cuộc khởi nghĩa này, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Mỹ Tho phát huy cao độ chủ nghĩa yêu nước, tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, đã nổi dậy giành quyền làm chủ một vùng nông thôn rộng lớn, thành lập chính quyền cách mạng theo thể chế dân chủ cộng hòa và thành lập Tòa án nhân dân cách mạng xét xử bọn tay sai, bảo vệ thành quả cách mạng mà quân khởi nghĩa giành được.

Đình Long Hưng ngày nay.     Ảnh: TƯ LIỆU
Đình Long Hưng ngày nay. Ảnh: TƯ LIỆU

Đình Long Hưng thuộc xã Long Hưng, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho được Tòa án nhân dân cách mạng tỉnh chọn làm nơi tổ chức phiên tòa đầu tiên trong lịch sử cách mạng Việt Nam để xét xử bọn tay sai ác ôn.

Đình Long Hưng là nơi được Tỉnh ủy Mỹ Tho chọn làm trụ sở của Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Mỹ Tho. Tại đây, lần đầu tiên trên cả nước, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên ngọn cây bàng, cũng là địa điểm ra đời của Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Mỹ Tho.

Trụ sở Tòa án nhân dân cách mạng tỉnh Mỹ Tho cũng là nơi được Tòa án nhân dân cách mạng tỉnh Mỹ Tho tổ chức phiên tòa đầu tiên xét xử bọn tay sai gian ác.

Khi khởi nghĩa nổ ra, Ủy ban khởi nghĩa tỉnh chuyển căn cứ Tỉnh ủy từ vùng Ba U đến đình Long Hưng, ở phía Nam lộ Đông Dương (nay là Quốc lộ 1A) khoảng 2,5 km; ở vị trí trung tâm tỉnh Mỹ Tho, cách tỉnh lỵ khoảng 10 km về phía Tây, liên hoàn với nhiều xã, có lực lượng và nhiều cơ sở cách mạng mạnh như: Long Hưng, Thạnh Phú, Song Thuận, Vĩnh Kim, Kim Sơn, Phú Phong, Bàn Long, Long Định.

Chỉ cần qua lộ Đông Dương là tới xã Long Định và căn cứ cách mạng Đồng Tháp Mười ở phía Bắc. Với “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, đình Long Hưng đáp ứng đầy đủ các điều kiện để Tỉnh ủy Mỹ Tho thực hiện tư tưởng tiến công cách mạng giành chính quyền về tay nhân dân.

Từ đây, Ủy ban khởi nghĩa chỉ đạo khởi nghĩa trên phạm vi 75/114 xã của tỉnh Mỹ Tho. Tại đây, Ủy ban khởi nghĩa treo lá cờ đỏ sao vàng trên ngọn cây bàng, trở thành biểu tượng cho ý chí và mục tiêu khởi nghĩa là giành độc lập cho dân tộc và tự do cho nhân dân. Quốc hiệu “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quốc” cũng ra đời tại ngôi đình này.

Ngày 23-11-1940, Tòa án nhân dân cách mạng tỉnh Mỹ Tho thành lập tại đình Long Hưng. Đây là lần đầu tiên ở nước ta, Tòa án nhân dân cách mạng cấp tỉnh được thành lập.

Như vậy, ngay từ đầu cuộc khởi nghĩa, những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở tỉnh Mỹ Tho đã biết thực hiện quyền tư pháp, chủ yếu là quyền xét xử, là một trong những chức năng quan trọng của chính quyền cách mạng và giao cho Tòa án nhân dân thực hiện. Tòa án nhân dân cách mạng có vị trí rất quan trọng trong bộ máy Nhà nước dân chủ cộng hòa mới hình thành.

Khi quân Pháp đàn áp quân khởi nghĩa, Ủy ban khởi nghĩa tỉnh và Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Mỹ Tho tổ chức cuộc họp, nhận định: Tình hình sẽ diễn biến gay go, phức tạp và khó khăn hơn. Vì vậy, chúng ta cần thực hiện một số việc cấp bách, trong đó có việc: “Phải tiến hành xét xử ngay và xử cho hết tù nhân mà chúng ta bắt được trong cuộc khởi nghĩa gồm bọn phản động, các cai đồn ngoan cố để thể hiện tinh thần cách mạng triệt để, bảo vệ thành quả cách mạng của quân khởi nghĩa…”.

Tối 29-11-1940, phiên tòa đầu tiên xét xử bọn tay sai tiến hành tại đình Long Hưng. Hội đồng xét xử tỉnh Mỹ Tho gồm các đồng chí và ông (bà): Nguyễn Hữu Thường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Quân sự tỉnh Mỹ Tho; Lê Văn Quới, Quận ủy viên Châu Thành; Lê Văn Giác, Bí thư Chi bộ xã Long Hưng; Đặng Văn Hiệp, Trương Văn Ty... Đồng chí Nguyễn Thị Thập, Thường trực Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Mỹ Tho là phái viên của Tỉnh ủy Mỹ Tho làm nhiệm vụ biện hộ trong Hội đồng.

Để bảo vệ phiên tòa, Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh phân công người phụ trách bảo vệ và lực lượng dân quân (thường gọi là lực lượng du kích) phòng ngừa quân Pháp tấn công giải cứu bọn tay sai. Nơi xử án có treo hai lá cờ: Cờ đỏ sao vàng và cờ đỏ búa liềm; một cái bàn và vài cái ghế dành cho Hội đồng xét xử.

Hai bên bàn là 2 chiến sĩ vai mang súng, tay cầm gươm đứng trang nghiêm. Trước bàn Hội đồng xét xử khoảng 10 m là quần chúng nhân dân đứng chật cả sân đình. Phiên tòa xét xử đầu tiên tại đình Long Hưng chỉ xử cảnh cáo tên Hương quản Sâm ở xã Long Định và cai Trí (Bùi Văn Trí) bị ta bắt tại đồn Thạnh Phú.

Trong 3 đêm xét xử khẩn trương, nghiêm túc (từ đêm 29-11 đến đêm 1-12-1940), Tòa án nhân dân cách mạng tỉnh Mỹ Tho xét xử khoảng 10 phiên, trong các phiên đó, nhân dân và biện hộ đều thống nhất xin Hội đồng xét xử tha chết cho các bị cáo.

Việc làm của tòa án đã để lại trong nhân dân dấu ấn sâu sắc về tính nhân văn của cách mạng. Hầu hết các bị cáo sau đó không cộng sự với giặc, mà tích cực ủng hộ cách mạng trong đấu tranh giành độc lập.

Hoạt động xét xử công khai của Tòa án nhân dân cách mạng tỉnh có sự tham dự của đông đảo người dân lần đầu tiên trong đời mình được trực tiếp tham gia luận tội đã thể hiện rõ tính dân chủ của chính quyền cách mạng.

Thành tựu mà Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940 ở tỉnh Mỹ Tho để lại to lớn và có ý nghĩa lịch sử đó là cho ra đời lá cờ đỏ sao vàng, thành lập chính quyền nhân dân cách mạng tỉnh Mỹ Tho theo thể chế dân chủ cộng hòa và thành lập Tòa án nhân dân cách mạng tỉnh Mỹ Tho.

Tòa án nhân dân trở thành chỗ dựa của nhân dân trong bảo vệ công lý, quyền con người; là công cụ hữu hiệu bảo vệ chính quyền cách mạng và thể chế dân chủ cộng hòa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm có hành vi chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.

79 năm đã trôi qua, nhưng Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ vẫn in đậm dấu ấn lịch sử không thể phai mờ trong tâm khảm của mỗi người Việt Nam.

Nhớ về khởi nghĩa Nam kỳ thì không thể quên đình Long Hưng, cái nôi của cuộc khởi nghĩa ở tỉnh Mỹ Tho, nơi làm rạng danh tinh thần đấu tranh cách mạng của nhân dân ta và đã một thời gây chấn động sự thống trị của thực dân Pháp ở Đông Dương.

Đình Long Hưng xứng đáng được xem là biểu tượng hào hùng, đậm chất tráng ca và sử thi của nhân dân tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) sẽ trường tồn mãi cùng lịch sử dân tộc Việt Nam.

TS. LÊ VĂN TÝ

(Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang)

.
.
.