Thứ Sáu, 22/11/2019, 15:17 (GMT+7)
.
KỶ NIỆM 79 NĂM NGÀY NAM KỲ KHỞI NGHĨA (23-11-1940 - 23-11-2019)

Nổi dậy khởi nghĩa ở tỉnh Mỹ Tho

Đầu năm 1940, Tỉnh ủy Mỹ Tho được củng cố. Đồng chí Phan Văn Khỏe, Xứ ủy viên Nam kỳ được Xứ ủy chỉ định trực tiếp làm Bí thư Tỉnh ủy. Tỉnh ủy triển khai Nghị quyết 6 của Trung ương và các nghị quyết của Xứ ủy đến tận cơ sở.

Các chiến sĩ tham gia Khởi nghĩa Nam kỳ năm xưa về thăm nhà bà Năm Dẹm - nơi họp Hội nghị  Xứ ủy Nam kỳ chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa ngày 23-11-1940 (xã Tân Hương).
Các chiến sĩ tham gia Khởi nghĩa Nam kỳ năm xưa về thăm nhà bà Năm Dẹm - nơi họp Hội nghị Xứ ủy Nam kỳ chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa ngày 23-11-1940 (xã Tân Hương).

Từ ngày 21 đến 27-7-1940, Xứ ủy triệu tập hội nghị mở rộng tại xã Tân Hương, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Đến dự hội nghị có 24 đại biểu của 19/21 tỉnh ở Nam kỳ. Đồng chí Phan Đăng Lưu, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng đến dự.

Tỉnh Mỹ Tho do đồng chí Phan Văn Khỏe, Bí thư Tỉnh ủy đến dự. Hội nghị quyết định chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa, tiến tới lập Chính phủ lâm thời nhân dân, chọn lá cờ đỏ sao vàng do Tỉnh ủy Mỹ Tho thông qua làm cờ Mặt trận và cờ Chính phủ. Hội nghị bầu đồng chí Tạ Uyên làm Bí thư Xứ ủy và bầu 2 đồng chí Phan Văn Khỏe, Lê Văn Khương vào Thường vụ Xứ ủy.

2 xã Long Hưng và Thạnh Phú thuộc quận Châu Thành là trung tâm của cuộc khởi nghĩa ở tỉnh Mỹ Tho. Đây là địa bàn hết sức quan trọng, từ đây lực lượng khởi nghĩa có thể đánh vào thị xã Mỹ Tho, cắt đứt con đường huyết mạch nối Sài Gòn và miền Tây Nam bộ.

Bảo vệ khu vực này, địch có 2 đồn lớn đóng ở xã Thạnh Phú và ở Cầu Đúc thuộc xã Long Định. Mỗi đồn có 1 tiểu đội lính gác và một số mã tà (cảnh sát). Ngoài ra, mỗi xã có ban hội tề và một số tay chân đắc lực của thực dân Pháp.

Hơn 0 giờ ngày 23-11, hàng ngàn quần chúng của khu vực Long Hưng - Thạnh Phú nổi dậy khởi nghĩa. Quần chúng tự vũ trang bằng những vũ khí thô sơ, rầm rập kéo đến những địa điểm đã quy ước trước, nghe Ủy ban khởi nghĩa phát lệnh và kéo đến trụ sở tề xã giành chính quyền về tay nhân dân.

Vào lúc 1 giờ ngày 23-11-1940, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Văn Tân và sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Danh, 1 đội vũ trang cảm tử hơn 30 người của làng Long Hưng và Thạnh Phú kéo đến bao vây đánh chiếm đồn Thạnh Phú. Nhân dân các xã xung quanh xã Long Hưng kéo về đình Long Hưng gần 3.000 người. Lực lượng này sẵn sàng kéo xuống đánh chiếm thị xã Mỹ Tho hoặc đánh chiếm lộ Đông Dương khi có lệnh.

Rạng sáng ngày 23-11, khi được lệnh, lực lượng khởi nghĩa từ xóm Dựa xã Long Hưng kéo ra lộ Đông Dương phối hợp du kích và quần chúng các xã: Nhị Bình, Long Định, Long Hưng... đánh đồn Cầu Đúc ở xã Long Định. Đến đây, quân khởi nghĩa chạm trán với đơn vị tuần tra của tên quận Tâm, sau đó chia làm 2 cánh, một cánh kéo về xã Long Hưng và một cánh kéo về xã Long Định, rồi rút vô căn cứ rừng Ba U.

Khu vực Tam Hiệp thuộc quận Châu Thành do đồng chí Nguyễn Thị Thập chỉ huy có lực lượng tự vệ khá mạnh. Sau khi tổ chức nổi dậy tại làng Thân Cửu Nghĩa và Long An, Ủy ban khởi nghĩa đưa lực lượng đến xóm Nhơn Huề, làng Tam Hiệp phối hợp với lực lượng tại chỗ đánh trống mõ, giương cao lá cờ đỏ sao vàng, cờ đỏ búa liềm kéo đến bao vây bót Chợ Bưng. Lúc đầu đám lính kháng cự nhưng đến 8 giờ chúng bỏ chạy. Quân khởi nghĩa chiếm bót, bắt 5 tên, thu 6 súng.

Ở các quận Cai Lậy, Chợ Gạo, thị xã Mỹ Tho, nhận lệnh khởi nghĩa của Xứ ủy Nam kỳ, Ủy ban khởi nghĩa đã huy động đông đảo nhân dân đứng lên khởi nghĩa giành quyền làm chủ ở nhiều nơi.

Tính chung, từ ngày 23 đến 30-11-1940, toàn tỉnh Mỹ Tho có 75/124 làng (xã) giành được quyền làm chủ, bao gồm: Quận Cái Bè 2 xã, quận Cai Lậy 23 xã, quận Châu Thành 30 xã, quận Chợ Gạo 19 xã. Các xã có nhân dân tham gia đông là: Long Hưng (quận Châu Thành) có 100% số hộ tham gia, xã Mỹ Hạnh Đông (quận Cai Lậy) có 96,8% số hộ tham gia.

Ngoài ra, có 15 xã khác hưởng ứng theo từng mức độ khác nhau, như quận Cái Bè có 5 xã, quận An Hóa có 3 xã… Ủy ban khởi nghĩa chuyển sang thực hiện nhiệm vụ chính quyền của dân hoặc thành lập Ủy ban nhân dân.

Ngay trong ngày 23-11-1940, chính quyền cách mạng tỉnh Mỹ Tho được thành lập và tổ chức mít tinh, có hơn 3.000 người dự tại đình Long Hưng. Lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng 5 cánh xuất hiện trên ngọn cây bàng trước đình Long Hưng và trước cổng trụ sở (trước cổng đình) một băng rôn được treo với dòng chữ “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quốc”.

Cuộc khởi nghĩa của nhân dân tỉnh Mỹ Tho nói riêng và của nhân dân Nam bộ nói chung làm thực dân Pháp vô cùng hoảng sợ. Chúng ra sức dùng những biện pháp dã man nhằm ngăn chặn, đàn áp cuộc khởi nghĩa. Mặc dù chúng rải quân đi tuần hành khắp nơi trong tỉnh nhưng không thể nào ngăn quần chúng nổi dậy chiếm bốt, phá trụ sở tề, phá cầu đường...

Cuộc khởi nghĩa của nhân dân tỉnh Mỹ Tho nổ ra trong điều kiện chủ quan và khách quan chưa chín muồi, vì vậy cuộc khởi nghĩa chưa đạt kết quả như mong đợi, nhưng có ý nghĩa lịch sử lớn. Cùng với cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, cuộc khởi nghĩa của nhân dân tỉnh Mỹ Tho đã thức tỉnh mạnh mẽ tinh thần giác ngộ cách mạng của quần chúng nhân dân, góp phần mở ra cao trào giải phóng các dân tộc Đông Dương sau đó.

LÊ VĂN TÝ

.
.
Liên kết hữu ích
.