Thứ Tư, 18/12/2019, 20:44 (GMT+7)
.
KỶ NIỆM 73 NĂM NGÀY TOÀN QUỐC KHÁNG CHIẾN (19-12-1946 - 19-12-2019)

Cả nước sục sôi đứng lên chiến đấu

Trước âm mưu, hành động xâm lược của kẻ thù, nhân dân Việt Nam không có con đường nào khác là cầm súng chiến đấu để bảo vệ độc lập, tự do. Ngày 18 và 19-12-1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp hội nghị tại làng Vạn Phúc (Hà Đông), quyết định phát động toàn quốc kháng chiến. Khoảng 20 giờ ngày 19-12-1946, quân và dân Thủ đô Hà Nội nổ súng mở đầu kháng chiến toàn quốc. Ngay đêm 19-12, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, trong đó Người khẳng định rõ: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa. Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!”. 

Ngôi nhà tại làng Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở, làm việc và viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.
Ngôi nhà tại làng Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở, làm việc và viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.

"NHẤT ĐỊNH KHÔNG CHỊU LÀM NÔ LỆ”

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vừa mới đời đã phải đương đầu với “thù trong, giặc ngoài,” nạn đói hoành hành, khó khăn chất chồng, tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhạy bén, sáng suốt, bình tĩnh chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua thác ghềnh hiểm nguy, từng bước tiến lên. Đứng vững trên nguyên tắc độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, Đảng đã đề ra sách lược ngoại giao mềm dẻo, linh hoạt, phù hợp với từng thời điểm của lịch sử nhằm phân hóa kẻ thù, loại trừ từng bước các thế lực thù địch, phản động, tranh thủ thời gian để củng cố và phát triển lực lượng cách mạng.

Với dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa, thực dân Pháp mỗi lúc một điên cuồng lấn tới. Là hiện thân của ý chí hòa bình Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm hết sức mình để tránh một cuộc chiến tranh đổ máu cho hai dân tộc Việt - Pháp, nhưng khi kẻ thù đã buộc chúng ta phải cầm súng bảo vệ Tổ quốc, thì nhân dân ta không sợ hy sinh, gian khổ, kiên quyết chiến đấu để bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc.

Đêm 19-12-1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Đại diện cho tinh thần yêu nước và ý chí đấu tranh bất khuất của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, thúc giục toàn dân đứng lên cứu nước. Đây là một định hướng chiến lược đối với toàn dân ta ngay từ đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tiếng của non sông đất nước, là lời hịch cứu quốc, khơi dậy mạnh mẽ lòng tự hào dân tộc, truyền thống anh hùng, bất khuất, kiên cường của nhân dân ta; thôi thúc cả nước sục sôi đứng lên chiến đấu, vì độc lập, tự do thiêng liêng của Tổ quốc.

Đáp Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân cả nước ta với ý chí “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” đã nhất tề đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mở đầu là cuộc chiến đấu của quân và dân Thủ đô Hà Nội. Cùng với quân và dân Thủ đô, quân và dân các địa phương trong cả nước đã chiến đấu ngoan cường, giam chân địch. Đường lối kháng chiến của Đảng ta xác định ngay từ đầu là chiến tranh toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính, phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc.

TỈNH MỸ THO VÀ GÒ CÔNG CÙNG CẢ NƯỚC KHÁNG CHIẾN

Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại tỉnh Mỹ Tho, nhiều trận chiến đấu của ta đã liên tiếp diễn ra khắp nơi. Nổi bật nhất là trận chiến thắng Cổ Cò diễn ra trên địa bàn huyện Cái Bè vào ngày 22-1-1947, chặn đánh đoàn xe công voa 14 chiếc (trong đó có 8 chiếc xe bọc thép) trên lộ 4. Ta đã tiêu diệt 170 tên, bắt sống 16 tên, thu hơn 100 súng, đốt cháy toàn bộ 14 xe.

Tiếp theo là chiến thắng Giồng Dứa trên địa bàn huyện Châu Thành vào ngày 25-4-1947, chặn đánh đoàn xe công voa của địch gồm 39 chiếc, trong đó có 12 xe quân sự do tên đại tá Trocard chỉ huy. Chỉ trong vòng 30 phút chiến đấu, ta đã tiêu diệt 43 tên (trong đó có tên đại tá chỉ huy), bắt sống 7 tên, phá hủy 16 xe, thu nhiều quân trang, quân dụng và vũ khí. Ngày 7-8-1947, ta lại dùng mưu tập kích đồn Long Định giữa ban ngày, là trận đánh đồn cấp đại đội địch đầu tiên của ta. Sau 20 phút chiến đấu, ta đã làm chủ trận địa, bắt sống toàn bộ 1 đại đội địch trong đồn, trong đó có 2 tên sĩ quan Pháp, thu nhiều súng, lựu đạn và hàng tấn quân trang, quân dụng.

Tại tỉnh Gò Công, giữa tháng 1-1947, Trung đội Quốc vệ đội đã phục kích tiêu diệt gọn 1 trung đội địch tại Tân Thành, diệt 37 tên, thu toàn bộ vũ khí. Ngày 10-3-1947, tại Long Thạnh, Trung đội 9 chặn đánh 1 tiểu đoàn lính Âu Phi và lính ngụy có xe bọc thép, pháo binh yểm trợ. Trận đánh diễn ra trong 1 ngày, ta đã tiêu diệt và làm bị thương gần 100 tên địch, thu nhiều vũ khí. Chiến thắng Long Thạnh đã làm cho quân Pháp hoang mang, lo sợ; làm nức lòng quân và dân ta...

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
.