.

Đồng chí Lê Văn Phẩm suốt đời phấn đấu vì lý tưởng của Đảng

Cập nhật: 10:22, 06/01/2020 (GMT+7)

Mừng Xuân Canh Tý 2020, mừng Đảng quang vinh tròn 90 tuổi, Tỉnh ủy Tiền Giang chỉ đạo biên soạn quyển sách “Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Lê Văn Phẩm”, do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành năm 2019. Quyển sách phát hành là dịp để chúng ta tuyên truyền, cổ vũ cán bộ, đảng viên và nhân dân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tấm gương chiến đấu anh dũng, hy sinh oanh liệt của các bậc cách mạng tiền bối; là dịp giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng và của dân tộc cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Đồng chí Lê Văn Phẩm (bên trái) nhận lẵng hoa Bác Tôn trao tặng.                                                                                         Ảnh: TRẦN BIỂU
Đồng chí Lê Văn Phẩm (bên trái) nhận lẵng hoa Bác Tôn trao tặng. Ảnh: TRẦN BIỂU

SỚM GIÁC NGỘ CÁCH MẠNG

Đồng chí Lê Văn Phẩm, bí danh Sáu Nghiệm, Chín Tín, Chín Hải..., sinh năm 1922 tại ấp Rạch Trắc, xã Mỹ Phước Tây, huyện Cai Lậy (nay là TX. Cai Lậy), tỉnh Tiền Giang. Sinh ra, lớn lên trên vùng đất giàu truyền thống yêu nước, vùng đất của những điệu hò, câu hát đậm chất nhân văn, trữ tình..., đồng chí Lê Văn Phẩm được nuôi dưỡng và giáo dục bởi truyền thống của quê hương, tận mắt chứng kiến bao nỗi thống khổ của nhân dân dưới ách thống trị của bọn thực dân, phong kiến, đế quốc và sự đàn áp tàn bạo, đẫm máu của chúng đối với đồng bào trong các phong trào yêu nước… đã giúp đồng chí sớm giác ngộ cách mạng, lựa chọn và dấn thân vào con đường đấu tranh cách mạng, giành quyền sống và quyền tự do.

NHÀ LÃNH ĐẠO CÁCH MẠNG ƯU TÚ TIÊU BIỂU

Được các bậc cách mạng đàn anh dẫn dắt, đồng chí Lê Văn Phẩm tích cực học tập, rèn luyện về chính trị và quân sự, được đồng bào, đồng chí thương yêu, tin cậy. Trong hoạt động cách mạng, với những trách nhiệm được giao ngày càng nặng nề, từ khi là người thanh niên hăng hái, nhiệt huyết tham gia cách mạng ở quê nhà năm 1940, cho đến khi đảm nhiệm cương vị lãnh đạo Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang, cuộc đời của đồng chí Lê Văn Phẩm gắn liền với những chặng đường đấu tranh đầy hy sinh, gian khổ, song rất đỗi hào hùng, vẻ vang của Đảng bộ và địa phương. Với đức độ và tài năng được rèn luyện trong đấu tranh cách mạng, với nghị lực và sức hoạt động bền bỉ, người chiến sĩ cách mạng kiên cường, vị lãnh đạo năng động, sáng tạo Lê Văn Phẩm có nhiều cống hiến và đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng ở địa phương.

Với 68 tuổi đời, 45 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Văn Phẩm đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Cuộc đời của đồng chí là tấm gương sáng chói về đạo đức cách mạng, tình yêu gia đình, quê hương, đất nước, hy sinh phấn đấu cho độc lập tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân, luôn tin tưởng, lạc quan vào tương lai tươi sáng của cách mạng; có những cống hiến to lớn trong chiến tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, cũng như trong những năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới, góp phần đưa Tiền Giang vững bước đi lên.

Có thể nói, những thắng lợi mà nhân dân Tiền Giang giành được từ khi có Đảng lãnh đạo đều in đậm dấu ấn của một thế hệ những nhà lãnh đạo cách mạng ưu tú, mà đồng chí Lê Văn Phẩm là một trong những người tiêu biểu. Trải qua nhiều giai đoạn hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Văn Phẩm trở thành chiến sĩ cách mạng kiên trung của Đảng và nhân dân ta.

Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Lê Văn Phẩm là tấm gương sáng về một người cộng sản kiên trung và tài năng, đức độ, tận tụy với Đảng, tận hiếu với dân, vẹn nghĩa với đồng chí, bạn bè và trọn tình làm chồng, làm cha. Sống và hoạt động trong khoảng thời gian đầy cam go và thử thách của lịch sử những năm 40 - 70 của thế kỷ XX, đồng chí Lê Văn Phẩm cùng cách mạng địa phương trải qua những năm tháng đầy đau thương nhưng vinh quang. Bởi lẽ đó, cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Lê Văn Phẩm thu hút sự quan tâm của nhiều người (từ đồng chí, đồng đội đến những người nghiên cứu lịch sử) nhằm đánh giá đúng đắn công lao của đồng chí đối với quê hương.

BIÊN SOẠN QUYỂN SÁCH “CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG CỦA ĐỒNG CHÍ LÊ VĂN PHẨM”

Đã có nhiều công trình nghiên cứu, tìm hiểu đồng chí Lê Văn Phẩm, nhưng vẫn chưa phản ánh hết được cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của đồng chí. Vì vậy, thực hiện biên soạn quyển sách này là tiếp tục nghiên cứu, làm rõ và khẳng định thêm những giá trị cống hiến to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của quê hương Tiền Giang.   

Trong những năm tháng hoạt động cách mạng, đồng chí có công lao to lớn trong khôi phục lại cơ quan lãnh đạo và các tổ chức Đảng sau Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ tháng 11 năm 1940 ở địa phương. Sau đó, đồng chí cùng nhiều đồng chí khác lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền ở xã Mỹ Phước Tây và kéo ra hỗ trợ nhân dân chợ Cai Lậy giành chính quyền về tay nhân dân tại dinh quận tháng 8-1945.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí Lê Văn Phẩm cùng các đồng chí ở xã Mỹ Phước Tây thực hiện chủ trương của Đảng: “Cán bộ, chiến sĩ ở địa phương nào nhanh chóng trở về địa phương đó củng cố lại lực lượng chiến đấu lâu dài”, đồng chí bám trụ tại xã nhà, tiếp tục gầy dựng cơ sở cách mạng, phát động phong trào nhân dân tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp.

Đồng chí là một trong hai đồng chí Bí thư xã được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Cai Lậy. Tháng 7-1954, đồng chí phụ trách xây dựng cơ sở cách mạng ở huyện Cai Lậy. Tháng 10-1955, được đề cử vào Ban Thường vụ Huyện ủy Cai Lậy, phụ trách công tác binh vận, đồng chí cùng Ban Thường vụ Huyện ủy lãnh đạo nhân dân đấu tranh bảo vệ tính mạng và quyền lợi của nhân dân.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng chí cùng Đảng bộ tỉnh chủ trương “Bao vây bức rút, bức hàng. Đứng lại chống càn, giải phóng nông thôn”, mở Vùng giải phóng “20 tháng 7”; cán bộ, đảng viên bám cơ sở lãnh đạo nhân dân đấu tranh và chiến đấu, xây dựng và bảo vệ vùng giải phóng, phát động phong trào chiến tranh du kích làm chủ nông thôn, phối hợp với đấu tranh chính trị ở thành thị giành thắng lợi từng phần, tiến lên tổng công kích, tổng khởi nghĩa giành thắng lợi hoàn toàn.

Trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đồng chí lăn lộn ở chiến trường 2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công. Chiến tranh ác liệt, bão đạn mưa bom, thiếu thốn đủ bề, nhưng đồng chí vẫn bám dân, bám đất, lãnh đạo cách mạng, không ngại hy sinh, gian khổ, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân.

Ai từng chiến đấu, làm việc bên đồng chí đều có chung nhận xét: Đồng chí là người năng động, sáng tạo, lời nói đi đôi với việc làm. Đồng chí luôn gần gũi, sâu sát với dân, với cán bộ, với đồng đội, đoàn kết, chân tình, là người nhạy cảm, phong phú về thực tiễn. Cả cuộc đời đồng chí gắn bó với dân, sống trong dân và tin yêu dân...

Trong hòa bình xây dựng quê hương, đồng chí cùng Đảng bộ tỉnh Tiền Giang chủ trương: Khắc phục hậu quả chiến tranh, ra sức khai hoang phục hóa, ổn định tình hình chính trị - xã hội; từng bước cải tạo và xây dựng quan hệ sản xuất mới.

Với nhãn quan chính trị, quân sự sắc sảo, đồng chí chủ trương: Xây dựng các xã cù lao huyện Gò Công thành pháo đài quân sự vững chắc và kinh tế phát triển của Tiền Giang; thực hiện Chương trình Ngọt hóa Gò Công, đưa vùng đất bị nước biển xâm nhập sản xuất lúa từ 2 - 3 vụ/năm, phát triển nông nghiệp một cách bền vững cho các huyện phía Đông; thực hiện Chương trình khai hoang vùng Đồng Tháp Mười, tăng diện tích sản xuất lúa và cây màu, thu hút nhân dân đến khai hoang lập nghiệp, hình thành vùng dân cư mới Đồng Tháp Mười…

LÊ VĂN TÝ

.
.
.