.

Một lòng sắt son đi theo Đảng, theo Bác

Cập nhật: 22:22, 30/04/2020 (GMT+7)

Vừa bước sang tuổi 16, chú tham gia cách mạng. Đó là thời điểm năm 1966, để rồi từ đó đến nay hơn nửa thế kỷ trôi qua, chú vẫn sắt son một lòng theo Đảng, theo Bác. Năm 1968 chú bị địch bắt, bị giải từ nhà lao này đến nhà lao khác, bị đàn áp, tra tấn dã man, nhưng chú vẫn giữ vững khí tiết, bảo vệ bí mật của Đảng, bảo vệ cách mạng. Sau Hiệp định Paris (năm 1973), được trao trả tù binh, chú trở về quê hương Gò Công Tây, tiếp tục đi theo Đảng, theo Bác, nỗ lực cống hiến cho quê hương, đất nước.

Ảnh: P.M
Ảnh: P.M

Khi tôi chập chững bước chân vào nghề báo thì chú Đỗ Tấn Minh là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tiền Giang. Hồi ấy, dù là phóng viên còn “chân ướt chân ráo” nhưng tôi cũng có đôi lần được phỏng vấn và trò chuyện cùng chú, được chú ân cần tiếp chuyện. Những lần ấy khiến tôi vui và rất cảm kích trước sự bao dung của một lãnh đạo chức vụ cao của tỉnh.

Ấn tượng ấy theo tôi mãi đến tận giờ. Những năm gần đây, Hội Người cao tuổi (NCT) tỉnh Tiền Giang thỉnh thoảng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên Báo Ấp Bắc, với vai trò là Chủ tịch Hội, chú gọi điện “nhờ” tôi “hỗ trợ giúp” chú trong công tác tuyên truyền.

Cụm từ “nhờ hỗ trợ giúp” được chú dùng khiến tôi áy náy. Bởi với vai trò của chú, và với chức trách, nhiệm vụ của tôi, lẽ ra chú chỉ cần bảo “con”, “cháu” hay “bây” coi “tuyên truyền cho Hội” đều được, nhưng chú đã không nói thế.

Từ đó tôi càng thấm thía hơn về cách đối nhân xử thế của người có nhân cách lớn. Đôi khi chỉ cần một câu, hay chỉ một từ cũng đủ nói lên nhân cách của một người. Ngạn ngữ có câu “khiêm tốn bao giờ cũng thiếu” là thế.

VÀO ĐẢNG

Chiến tranh đã lùi xa. Những năm tháng bị bắt giam cầm ở Nhà tù Phú Quốc cũng lùi xa. Nhưng ký ức về những năm tháng sống trong “địa ngục trần gian” thì vẫn xanh tươi mãi cùng năm tháng trong tâm khảm người cựu tù kháng chiến Đỗ Tấn Minh. Chú nhớ mãi ngày 30-8-1968, khi ấy chú là Xã đội phó, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã Thành Công, huyện Gò Công Tây. Hôm ấy địch càn vào địa bàn xã Thành Công, chú cùng với 4 người nữa rút xuống hầm bí mật, bị địch phát hiện, ném lựu đạn vào hầm làm 2 người hy sinh, 3 người còn lại bị bắt.

Tiếp theo đó là những chuỗi ngày bọn giặc giam cầm chú ở Khám Gò Công, rồi Nhà tù Cần Thơ, sau đó là Nhà tù Phú Quốc; phải chịu biệt giam, nhốt trong chuồng cọp cùng với mọi cực hình tra tấn, đánh đập… Nhưng vượt lên trên những gông cùm, tra khảo, đàn áp dã man của kẻ thù là sự kiên trung, là tinh thần cách mạng thấm đẫm trong từng tế bào da thịt.

Thế nên chú vẫn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cộng sản, biến nhà tù thành trường học cách mạng; biến những nhục hình, tra khảo thành thử thách để tôi luyện lý tưởng; biến  “địa ngục trần gian” thành nơi rèn luyện tinh thần chiến đấu ngoan cường, quyết không lùi bước. Từ đó, chú được tổ chức Đảng ở nhà lao ghi nhận, đưa vào tổ chức Đoàn Thanh niên, rồi bồi dưỡng kết nạp Đảng.

Thời gian trôi qua rất xa nhưng chú vẫn nhớ mãi ngày 15-5-1971. Hôm ấy, chú cùng với Bí thư Chi bộ và Chi ủy viên (người được phân công bồi dưỡng chú) cùng ngồi với nhau. Đồng chí Bí thư sinh hoạt cho chú hiểu thêm về lý tưởng của Đảng, phẩm chất của người đảng viên cần có…, rồi tuyên bố: Hôm nay Chi bộ ghi nhận đồng chí vào Đảng, là đảng viên của Chi bộ.

Từ đó đến nay, ngày 15-5-1971 được ghi vào hồ sơ đảng viên, được sử dụng để tính tuổi Đảng của chú. Những năm tháng ở “địa ngục trần gian” đã lùi xa nhưng chú vẫn còn vẹn nguyên trong lòng những lời giáo huấn về tôn chỉ, mục đích, lý tưởng của Đảng, về phẩm chất của người đảng viên… Chính vì vậy, với chú, nhà tù đã trở thành trường học cách mạng, tôi luyện chú trở thành một đảng viên trung kiên, giữ vững khí tiết cho đến ngày trao trả tù binh sau khi Hiệp định Paris được ký kết (năm 1973).

Thời gian có thể làm phôi phai nhiều thứ, nhưng những trận đàn áp, tra tấn trong khoảng thời gian chú bị giam cầm từ Khám đường Gò Công, Nhà tù Cần Thơ, rồi đến Nhà tù Phú Quốc thì mãi mãi hằn sâu trong ký ức. Cũng muốn quên đi, nhưng mỗi khi trái gió trở trời, những vết thương hằn sâu trên da thịt lại nhức buốt, lúc ấy những ký ức về năm tháng bị giam cầm trong “địa ngục trần gian” lại hiện về rõ mồn một...

Đồng chí Đỗ Tấn Minh tặng quà cho người cao tuổi.		Ảnh: P.M
Đồng chí Đỗ Tấn Minh tặng quà cho người cao tuổi. Ảnh: P.M

ĐI THEO ĐẢNG, THEO BÁC

Sau Hiệp định Paris, ngày 15-3-1973, chú được trao trả tù binh tại Thạch Hãn (tỉnh Quảng Trị), sau đó đưa ra Bắc an dưỡng ở Sầm Sơn, Thanh Hóa. Đến ngày 30-4-1974, chú về Nam, được Tỉnh ủy Gò Công (nay là tỉnh Tiền Giang) phân công nhiệm vụ mới. Sau giải phóng, từ Chủ tịch, rồi Bí thư Chi bộ xã, chú được rút lên huyện, đảm nhiệm các chức vụ: Phó Ban Nông nghiệp, Phó Chủ tịch, Chủ tịch, Bí thư Huyện ủy Gò Công Tây, Đại biểu Quốc hội…

Ở vị trí nào chú cũng luôn nỗ lực phấn đấu, tận hiến cho quê hương. Đó cũng là cách mà chú thực hiện lời tuyên thệ trước Đảng, một lòng sắt son đi theo Đảng, theo Bác. Từ đó, chú được tín nhiệm giao giữ nhiều vị trí quan trọng như: Giám đốc Sở Thủy sản (nay đã sáp nhập vào Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh. Ở vị trí nào chú cũng để lại những dấu ấn nhất định, từ đó được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều Huân chương, Huy chương, Bằng khen…, trong đó có Huân chương Lao động hạng Nhất.

Tháng 3-2010, chú nghỉ hưu theo chế độ. Tuy nhiên, đó chỉ là mốc thời gian để dừng lại một chặng đường. Năm 2011, chú nhận nhiệm vụ Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch Hội NCT tỉnh, đó là một chặng đường mới với nhiều thử thách mới. Gần 10 năm giữ vai trò Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch Hội NCT tỉnh, điều chú tâm đắc chính là hoạt động chăm lo cho NCT trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu với nhiều chương trình và cuộc vận động được thực hiện như: Chương trình “Mắt sáng cho NCT”; NCT chung sức bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; Công tác xây dựng quỹ chăm sóc và phát huy vai trò NCT…; Cuộc vận động Nâng cao đời sống tinh thần, rèn luyện sức khỏe cho NCT; Chăm sóc sức khỏe NCT nơi cư trú; NCT tham gia phát triển kinh tế…

Từ đó có hàng ngàn NCT được chăm sóc sức khỏe, được khám, chữa bệnh, cấp thuốc và được mổ mắt miễn phí, đem lại ánh sáng cho NCT bị mù lòa do bệnh lý. Ngoài ra, trong thời gian qua, hàng trăm căn nhà tình thương, mái ấm NCT cũng đã được xây dựng và trao tặng cho NCT khó khăn về nhà ở, được thăm viếng, tặng quà trong các dịp lễ, tết…

Điều chú tâm đắc nữa là, trong thời gian qua, với vai trò là người đứng đầu Hội NCT tỉnh, chú đã cùng tập thể BCH Hội từng bước nâng cao uy tín của NCT trong cộng đồng xã hội, được cấp ủy địa phương đánh giá cao. Thông qua phong trào “Tuổi cao gương sáng”, NCT đã tích cực tham gia các phong trào ở địa phương. Nhiều NCT đã hăng hái đảm nhận công việc xã hội phù hợp với điều kiện sức khỏe, khả năng, kinh nghiệm tại nơi cư trú như: Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, Ban công tác Mặt trận, công tác hòa giải, Tổ tự quản…

Gần 10 năm qua, chú cùng với tập thể BCH Hội NCT tỉnh đưa công tác Hội không ngừng phát triển, giúp Hội nhận được nhiều Cờ thi đua, Bằng khen của UBND tỉnh, Trung ương Hội, Thủ tướng Chính phủ, được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì.

Trải qua 54 năm tận hiến cho quê hương, đất nước, điều chú tâm đắc không phải đã được tín nhiệm, bố trí nhiều vị trí lãnh đạo quan trọng của Đảng và Nhà nước, mà là chú vẫn luôn vẹn nguyên một lòng sắt son đi theo Đảng, theo chân Bác..

THIÊN QUANG

.
.
.