Vì "mái nhà chung" vững mạnh và phát triển
Nói đến Thái Nguyên, chúng ta có thể nhắc tới mảnh đất “Đệ nhất danh trà”, hay một vùng đất lung linh, huyền ảo với sông Công, hồ Núi Cốc…; và không thể không nhắc tới một địa danh đặc biệt, đó là ATK Định Hóa, nơi đây đã vinh dự được Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn làm “An toàn khu” tuyệt mật của Trung ương trong căn cứ địa Việt Bắc giai đoạn 1946 - 1954.
Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Phước Cường (bìa phải) nhận Cờ thi đua tập thể Hội xuất sắc tại Hội nghị Báo chí toàn quốc năm 2018. |
ATK Định Hóa với 128 địa điểm di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh, đã được Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2012. Đây không chỉ là nơi ở, làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ, mà rất nhiều cơ quan của Trung ương đã ra đời trên chính mảnh đất này, trong đó có Hội Nhà báo Việt Nam.
LỊCH SỬ THÀNH LẬP “HỘI NHỮNG NGƯỜI VIẾT BÁO VIỆT NAM”
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Danh nhân văn hóa kiệt xuất, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, cũng là một cây bút xuất sắc, một nhà báo lớn. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người đã nhận thấy rằng: “Báo chí chính là vũ khí sắc bén, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc”. Chính vì vậy, ngay từ khi còn hoạt động ở nước ngoài, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã dành sự quan tâm đặc biệt việc sử dụng báo chí để tuyên truyền, giác ngộ cách mạng.
Ngày 21-6-1925 tại Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc sáng lập Báo Thanh Niên - tờ báo theo chủ nghĩa Mác-Lênin, nhằm đấu tranh giải phóng dân tộc. Với tờ báo này, Nguyễn Ái Quốc trở thành người khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam. Năm 1937, Hội nghị Báo giới Trung kỳ họp phiên chính thức tại TP. Huế. Những nhân vật lỗi lạc như cụ Huỳnh Thúc Kháng, Chủ nhiệm Báo Tiếng Dân; chí sĩ Phan Bội Châu đang bị Pháp giam lỏng, không đến dự nhưng đều có thư hoan nghênh… Nhà báo Võ Nguyên Giáp thay mặt báo giới Bắc kỳ và nhà báo Hà Huy Tập thay mặt báo giới Nam kỳ cùng về Huế tham dự.
Lịch sử cho thấy, trong khoảng thời gian 3 năm (1936 - 1939), phong trào đấu tranh đòi dân chủ, dân sinh của nhân dân ta lần lượt rộ lên ở cả 3 miền là do sự lãnh đạo tài tình của Đảng, trong đó báo chí là đội quân đi đầu. Đó là niềm tự hào, là truyền thống của báo chí cách mạng Việt Nam, tạo tiền đề cho sự ra đời của Hội Nhà báo Việt Nam 15 năm sau đó. Chỉ ít lâu sau Ngày Cách mạng Tháng Tám (19-8-1945) thành công, trong bối cảnh đất nước phải đối mặt với vô vàn khó khăn, trong khi phải tập trung sức lực, trí tuệ chèo lái con thuyền quốc gia, Bác Hồ vẫn nghĩ đến việc nên sớm thành lập tổ chức của những người làm báo. Bác giao cho nhà báo Xuân Thủy, Chủ nhiệm Báo Cứu quốc đứng ra tổ chức, điều hành công việc ấy.
Cuối năm 1945, tại cuộc họp trù bị, nhà báo Xuân Thủy truyền đạt ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cụ Chủ tịch (Chủ tịch Hồ Chí Minh) rất hoan nghênh việc chúng ta lập Hội. Cụ nói, nhà báo cũng là chiến sĩ. Người cầm bút, người cầm súng, cầm gươm trên cùng chiến tuyến, cùng toàn dân cứu quốc và kiến quốc. Đũa từng chiếc để rời thì dễ bị bẻ gãy, chụm lại thành bó không sức nào bẻ nổi”.
Do tình hình khó khăn, mãi đến ngày 15-4-1946, Đại hội mới tiến hành tại trụ sở của Hội Hợp Thiện Hà Nội, đường Henri d’Orléans, nay là phố Phùng Hưng. Đại hội dự kiến mời 200 nhà báo chính thức tham gia, nhưng đến ngày họp nhiều người không có giấy mời cũng đến dự, đông gần bằng số đại biểu chính thức. Phòng họp không có đủ ghế ngồi, nhiều người phải đứng suốt cả buổi. Đại hội quyết định thành lập “Đoàn Báo chí Việt Nam”. Nhà báo Nguyễn Tường Phượng, Chủ nhiệm tuần báo Tri Tân được bầu làm Chủ tịch và nhà văn Nguyễn Huy Tưởng làm Tổng Thư ký Đoàn…
Cuối năm 1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, các nhà báo tản về hoạt động tại nhiều vùng trong cả nước. 3 năm sau, ngày 21-4-1950, Bác Hồ chỉ đạo thành lập “Hội Những người viết báo Việt Nam”, nay là Hội Nhà báo Việt Nam. Đại hội họp tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Nhà báo Xuân Thủy được bầu làm Hội trưởng, 2 Phó Hội trưởng là Đỗ Đức Dục và Hoàng Tùng, Nguyễn Thành Lê làm Tổng Thư ký.
Hội Những người viết báo Việt Nam ra đời vào thời điểm khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đang trong giai đoạn vô cùng cam go, khốc liệt. Hội đã trở thành “mái nhà chung”, quy tụ những người làm báo dùng ngòi bút, trang giấy của mình góp phần vào cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Từ “mái nhà chung” ấy, các nhà báo, hội viên đã tỏa đi khắp các chiến trường. Những thước phim, hình ảnh, bài báo liên tục được gửi về đã phản ánh một cách chân thực nhất, sinh động nhất cuộc đấu tranh của quân, dân ta và tội ác của kẻ thù.
Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam là dịp để các cấp Hội, hội viên, nhà báo cả nước tự hào về truyền thống vẻ vang, phát huy những thành tích đã đạt được. Đồng thời, đây cũng là dịp những người làm báo cả nước nghiêm túc khắc phục các hạn chế, thấm nhuần sâu sắc chức năng, nhiệm vụ của báo chí cách mạng, tôn chỉ, mục đích của từng cơ quan báo chí, đề ra những giải pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả xã hội của báo chí, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
HỘI NHÀ BÁO TIỀN GIANG NGÀY CÀNG VỮNG BƯỚC
Cùng với sự phát triển chung của báo chí cả nước, trong những năm qua, Ban Chấp hành Hội Nhà báo tỉnh Tiền Giang (gọi tắt là Hội) đã có những bước phát triển vượt bậc về chất lượng và số lượng. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin - Truyền thông phối hợp với Hội, lãnh đạo Báo Ấp Bắc, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam tại Tiền Giang, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh… duy trì các cuộc họp báo thường kỳ, thường xuyên tổ chức, tạo điều kiện cho hội viên học tập lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam…
Thực hiện Chương trình Hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao của Trung ương, Hội thường xuyên phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ nâng cao liên tỉnh, như các lớp nâng cao về các thể tài báo chí; lớp thiết kế và trình bày báo; lớp phóng sự truyền hình; lớp kỹ thuật làm báo mạng điện tử; lớp phóng sự và ký sự; lớp phóng sự phát thanh thực tế; phong cách làm báo hiện đại; báo chí với mạng xã hội…
Hằng năm, Hội vẫn xuất bản 4 kỳ đặc san Người làm báo Tiền Giang với nội dung bổ ích, thiết thực về nghiệp vụ và đã thực hiện trang Thông tin điện tử Người làm báo Tiền Giang. Ngoài ra, để góp phần đưa thông tin về cơ sở, giới thiệu diện mạo phát triển của báo chí cả nước, hằng năm Hội phối hợp với Thư viện tỉnh, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội báo Xuân, thu hút đông đảo bạn đọc đến xem. Bên cạnh đó, Hội đã duy trì tổ chức Giải báo chí truyền thống - Giải Báo chí Tiền Giang - Nguyễn Văn Nguyễn (nay là Giải lần thứ 12), với kinh phí được duyệt mỗi năm hơn 200 triệu đồng.
Từ các cuộc thi ở địa phương, Hội đã tuyển chọn các tác phẩm xuất sắc gửi dự thi Giải Báo chí Quốc gia, Giải Báo chí Đồng bằng sông Cửu Long... Ngoài ra, Thường trực Hội còn tham gia Ban Tổ chức và Ban Giám khảo Giải Báo chí Búa Liềm Vàng cấp tỉnh, Cuộc vận động Sáng tác tác phẩm văn học - nghệ thuật - báo chí cấp tỉnh về đề tài Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Hằng năm, Hội Nhà báo tỉnh Tiền Giang đều được xét tặng danh hiệu “Đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” liên tục, được tặng Cờ thi đua xuất sắc hoặc Bằng khen của UBND tỉnh, Trung ương Hội. Năm 2003, Hội Nhà báo Tiền Giang nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2015, Hội được vinh danh là tâp thể hội xuất sắc 5 năm liền (giai đoạn 2010 - 2015), được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. 2 năm liền (2016 - 2017), Hội được Trung ương Hội xét tặng Cờ thi đua “Tập thể Hội Xuất sắc”. Hằng năm, Hội đều được tặng thưởng Bằng khen của UBND tỉnh.
HÀ ANH