Bác Hồ - tấm gương sáng ngời về đức tính giản dị
Năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo Chiến dịch Biên Giới. Nơi ở của Bác di chuyển theo các trận đánh có khi chỉ là túp lều cỏ dựng tạm vài hôm. |
Với bao thế hệ người Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gần gũi, thân thương, đáng kính “Người là Cha, là Bác, là Anh” và có lối sống vô cùng khiêm tốn, giản dị. Bác Hồ là một tấm gương sáng ngời về đức tính giản dị. Mặc dù là Chủ tịch nước, là nguyên thủ của một quốc gia, nhưng Bác Hồ lại có một cuộc sống hết sức giản dị. Nơi làm việc cũng là nơi ở của Bác, chỉ là một ngôi nhà sàn đơn sơ, với các đồ đạc đủ dùng ở mức tối thiểu và cần thiết nhất. Hằng ngày, Bác thường dùng bữa với vài món ăn dân dã, đơn giản. Trang phục Bác thường mặc nhất là bộ bà ba nâu, bộ ka ki vàng và đôi dép cao su…
GIẢN DỊ VÀ KHIÊM TỐN
Tư trang của một vị Chủ tịch như Bác Hồ thật đặc biệt, bởi nó quá giản dị. Có lẽ những thế hệ mai sau khi được nghe kể sẽ cho đó là những câu chuyện huyền thoại. Từ những năm tháng hoạt động cách mạng ở nước ngoài, lúc ở Thái Lan, lúc ở Trung Quốc hay khi làm Chủ tịch nước; những năm tháng đi kháng chiến, lúc về thăm nông dân gặt lúa hay làm thượng khách ở nước ngoài…, Bác luôn giữ phong cách ung dung và giản dị đến lạ thường. Dù ở đâu, lúc nào Bác cũng để lại ấn tượng tốt đẹp, một phong cách mẫu mực của một lãnh tụ.
Làm Chủ tịch nước, Bác nhận lấy cho mình được quyền sống giản dị, bằng mức sống đời thường của người dân. Các đồng chí được giao việc phục vụ Bác đã tìm mọi cách lo cho Bác được chu tất về mọi mặt, nhưng Bác luôn có cái lý của Bác để không nhận bất cứ một đặc ân nào.
Thời kỳ hoạt động cách mạng ở Pác Bó (tỉnh Cao Bằng), lãnh tụ Hồ Chí Minh cũng như các đồng chí khác phải ăn cháo bẹ, rau măng ròng rã. Khi đi công tác, ngoài những đồ đạc cần thiết mang theo, Bác cho làm món thịt rang mặn Việt Minh theo công thức một thịt - một muối - một ớt, đi tới đâu chỉ cần thổi cơm, tìm thêm rau xanh nấu canh, rồi bỏ “thịt” của nhà ra ăn là xong bữa. Cách nấu nướng như vậy rất tiện, cần nghỉ chỗ nào cũng được, khỏi phải vất vả mua ở dọc đường, lại tiết kiệm. Thấy Bác sức khỏe yếu mà làm việc nhiều, thức khuya nên mọi người rất lo lắng, đề nghị việc ăn của Bác phải có chế độ riêng, nhưng Bác nhất định không chịu.
Trong hang đá ẩm ướt, Bác vẫn nằm ổ tranh như mọi người. Anh em phục vụ chỉ còn cách luôn thay tranh mới để giữ ấm và đảm bảo vệ sinh cho Bác. Bác cũng không chịu ăn cơm riêng, mà vẫn độn ngô cùng anh em; thấy vậy, anh em phải họp bàn ra nghị quyết tập thể đề nghị Bác phải ăn cơm, Bác không vui nhưng phải chấp hành vì tôn trọng tập thể. Đồng chí Lộc, người cấp dưỡng lâu năm cho Bác có “sáng kiến” tìm ra một “biệt đãi” riêng để Bác bồi dưỡng sức khỏe, đó là để dành lại bát nước cơm cho Bác. Sự “biệt đãi” này được đồng chí Lộc kiên trì thực hiện từ khi Bác ở Pác Bó cho đến Tân Trào.
Khi ở Pác Bó, Bác thường vào bản làng thăm đồng bào với bộ quần áo chàm, chân đi giày vải, trông như một ông Ké thực thụ. Khi về Thủ đô Hà Nội đọc Tuyên ngôn Độc lập, các đồng chí Trung ương may cho Bác bộ quần áo bằng vải ka ki. Trong thời kháng chiến, Bác có thêm bộ “quân phục màu xanh”, Bác thường mặc lúc đi ra mặt trận. Bác còn có thêm chiếc áo len để giữ ấm vào mùa đông, chiếc áo khoác tránh mưa là chiến lợi phẩm của đơn vị bộ đội tặng Bác.
Nói về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng - một học trò xuất sắc, một cộng sự thân thiết, gần gũi của Bác đã viết: “Đó là cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ…”. |
Trời nắng thì Bác thường dùng bộ “gụ Hà Đông” cho mát. Khi bước vào cõi vĩnh hằng, Bác vẫn mặc bộ đồ quần áo kaki và đôi dép lốp cao su quen thuộc. Thời kỳ kháng chiến, đồ dùng của Bác có chiếc vali nhỏ đựng sách, tài liệu và chiếc máy đánh chữ, quần áo tư trang cho vào một túi nhỏ. Khi các đoàn thể, cá nhân tặng Bác đồ dùng thì Bác thường đem tặng cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc hoặc đem bán đấu giá lấy tiền cho cách mạng.
Năm 1946, sang Pháp với tư cách khách mời của Chính phủ Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh ở khách sạn, nhưng ngủ trên sàn, ăn sáng vào lúc 6 giờ, tự giặt quần áo... Các đồng chí cùng đi ngạc nhiên vì giữa thủ đô Paris hoa lệ mà Bác vẫn giữ những thói quen ở trong nước, nhưng sau đó ai cũng hiểu rằng Bác muốn tất cả thành viên cùng theo Bác tự kiềm chế mình trước mọi cám dỗ của cuộc sống xa hoa; đồng thời, Bác cũng nhắc nhở mọi người rằng, nước ta còn nghèo, mà cái nghèo thì không thể nhanh chóng khắc phục, còn phải chịu đựng nó lâu dài, vậy thì sống giản dị, tiết kiệm là thói quen tốt, cần rèn luyện thường xuyên.
Nhận xét về nếp sống giản dị của Bác, một tờ báo Pháp đã viết: “Sự ăn ở giản dị đến cực độ, như một nhà ẩn sĩ, đó là một đức tính rõ rệt nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một tuần lễ ông nhịn ăn một bữa, không phải là để hạ mình cho khổ sở, mà là để nêu một tấm gương dè sẻn gạo cho đồng bào đặng làm giảm bớt nạn đói trong nước. Hết thảy mọi người chung quanh đều bắt chước hành động đó của ông...”. Như vậy, nếp sống giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đơn thuần là tiết kiệm, mà mang ý nghĩa rất cao đẹp.
Bác tiết kiệm nhưng không ki bo, keo kiệt, không lãng phí, phô trương. Năm 1969, Charles Fournio - nhà báo Pháp cuối cùng được phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chứng kiến và kể rằng: “Khi nghe nói đến những dự kiến tổ chức mừng thọ Người 80 tuổi (vào ngày 19-5 sang năm), Hồ Chủ tịch đã tỏ ý không tán thành tất cả mọi biểu hiện chú ý đặc biệt đến Người và nói rõ là không được bày vẽ gì nhân dịp này, chừng nào còn cần thêm tiền để làm nhà trẻ, trường học, bệnh viện và thư viện”.
“ĐÔI DÉP ĐƠN SƠ, ĐÔI DÉP BÁC HỒ”
“Đôi dép đơn sơ
Đôi dép Bác Hồ
Bác đi từ thuở chiến khu Bác về
Phố phường, nhà máy đồng quê
Còn in dấu dép Bác về Bác ơi!…”.
Đôi dép cao su của Bác đã đi vào thơ ca, nhạc, họa, gắn liền với cuộc đời vĩ đại, đức tính giản dị, ý chí kiên cường của Bác. Đôi dép của Bác được cắt từ chiếc lốp ô tô quân sự, chiến lợi phẩm của trận phục kích địch tại Việt Bắc. Đôi dép được cắt vừa chân Bác, khi đi vừa êm chân, vừa chắc chắn khi lội suối, trèo đèo, vượt đường trơn, dốc cao. Thấy tiện, dễ sử dụng lại hiệu quả, Bác phổ biến trong toàn mặt trận, thay thế dần giày vải, dép rơm, dép mo cau… Nhân chuyến hành quân đi chiến dịch, Bác thấy ai cũng đi đôi dép cao su vượt suối, vượt đèo thoăn thắt, Bác nói vui: Như vậy Bác cháu ta có đôi hài cao su vạn dặm, chúng ta muốn đi đâu cũng được”.
Đầu năm 1958, đi thăm Ấn Độ, Bác vẫn đi đôi dép cao su thường ngày. Mọi người trong đoàn thấy thế rất ái ngại nên bàn nhau mang theo một đôi giày. Lên máy bay, nhân lúc Bác ngủ, anh em đã thay đôi dép bằng đôi giày. Khi thức giấc, Bác hỏi dép, anh em trả lời Bác là đôi dép đã để quên dưới khoang máy bay. Khi xuống sân bay, Bác yêu cầu lấy dép để Bác đi. Bác bảo đừng lo gì cả, đất nước Ấn Độ cũng nghèo như mình, mới độc lập nên còn nhiều vất vả.
Bác đi dép có bít tất thế là rất tốt, họ không chê mình đâu. Nhân dịp này, Bác muốn gần gũi với nhân dân lao động Ấn Độ. Hôm sau, trên các trang báo lớn của Ấn Độ đều hết lời ca ngợi Bác là vị Chủ tịch nước dân chủ nhất thế giới, ca ngợi đôi dép Bác Hồ là một huyền thoại. Trong thời gian Bác ở Ấn Độ, đôi dép của Bác đã trở thành tâm điểm chú ý của mọi người, nhất là các chính khách, nhà báo, nhà quay phim, chụp ảnh.
Hành trang của Bác, của một vị lãnh tụ giản dị như hành trang của một người dân bình thường, bởi Bác sống không chỉ cho riêng mình. Trong lời bài hát “Bác Hồ - Một tình yêu bao la” của nhạc sĩ Thuận Yến có đoạn viết: “Bác Hồ, Người là tình yêu thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại. Cả cuộc đời, Bác chăm lo cho hạnh phúc nhân dân, cả cuộc đời Bác hy sinh cho dân tộc Việt Nam…”. Chỉ vài từ, vài câu chữ thôi mà ai cũng hiểu được tấm lòng bao la của Bác Hồ với dân tộc Việt Nam. Bác Hồ - tiếng gọi gần gũi mà thân thương, giản dị nhưng vô cùng thiêng liêng luôn là niềm tự hào của các thế hệ người Việt Nam. Cả cuộc đời, tư tưởng, sự nghiệp của Bác là trường học lớn, là tấm gương đạo đức cho các thế hệ học tập và noi theo.
HỒNG LÊ (tổng hợp)