Về hai tên gọi quan trọng trong quá trình hoạt động cách mạng của Bác Hồ
“Bản yêu sách Tám điểm” gửi Hội nghị Quốc tế hòa bình Versailles được ký tên Nguyễn Ái Quốc (năm 1919). |
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những người hiếm hoi của thế giới, ngay từ khi còn sống đã trở thành một “nhân vật huyền thoại”. Do suốt cuộc đời là con người của hành động, nhiều lần bị bắt vào tù, đi rất nhiều nơi, làm rất nhiều nghề trong quá trình hoạt động cách mạng, lại nói rất ít về mình, nên khi Bác mất đi, nhân loại vẫn không ngừng tìm hiểu, khám phá về cuộc đời của Bác, về những di sản quý báu mà Bác để lại.
Vào năm 2001, trong quyển sách “Những tên gọi, bí danh, bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh” của Bảo tàng Hồ Chí Minh, do Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành, đã công bố 169 tên gọi, bí danh và bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng qua nhiều nguồn tư liệu đã tìm được.
Mặc dù vậy, trong lời giới thiệu sách, các tác giả vẫn khẳng định: “Con số này chắc hẳn chưa dừng lại ở đây, vì chúng ta còn tiếp tục nghiên cứu, xác minh và sưu tầm”.
Trong cuộc đời với 79 năm sống, hơn 60 năm hoạt động cách mạng, trong đó có hơn 30 năm hoạt động ở nước ngoài, bước chân đã đặt qua 4 châu lục, 3 đại dương và gần 30 nước, làm hàng chục nghề khác nhau nên việc sưu tầm đầy đủ những tư liệu về Bác là việc làm không đơn giản và dễ dàng.
Trong số những tên gọi của Bác, có 2 tên gọi quan trọng nhất được cả thế giới biết đến, đó là Nguyễn Ái Quốc và Hồ Chí Minh. Hai tên gọi này được Bác dùng từ khi nào, trong hoàn cảnh nào? Qua những tư liệu được sưu tầm, nghiên cứu mới nhất được công bố gần đây ở trong nước và nước ngoài giúp ta hiểu đầy đủ hơn về một số chi tiết quan trọng trong cuộc đời của Bác.
VỀ TÊN GỌI NGUYỄN ÁI QUỐC
Theo những tư liệu do bà Thu Trang, Tiến sĩ sử học, một Việt kiều ở Pháp sưu tầm trong thư khố lưu trữ của Bộ thuộc địa Pháp trước đây có liên quan đến Đông Dương và bà Phan Thị Minh (tức Lê Thị Kính), cháu ngoại cụ Phan Chu Trinh qua lời kể của những người thân trong gia đình, thì tên gọi Nguyễn Ái Quốc lần đầu tiên xuất hiện trong “Bản yêu sách Tám điểm” gửi Hội nghị Quốc tế hòa bình Versailles, đến Tổng thống Pháp, được đăng trên Báo L’Humanité của Đảng Cộng sản Pháp số ra ngày 18-6-1919 và còn được in hàng loạt thành văn bản gửi đi khắp nơi công bố cho một số phóng viên đại diện báo chí tiến bộ nước ngoài.
Việc này như quả bom quá bất ngờ với chính quyền thực dân Pháp. Ngày 23-6-1919, phủ Tổng thống Pháp sau khi nhận được văn kiện ký tên Nguyễn Ái Quốc đã gửi ngay công văn đến Bộ Thuộc địa yêu cầu “Báo cáo về Nguyễn Ái Quốc và nhóm do anh ta đại diện”.
Nhà sử học Jean Lacouture đã viết: Lúc đầu Bộ trưởng Thuộc địa lúc đó là Albert Sarraut mới nhậm chức, trong một cuộc trao đổi với Paul Arnoux, trùm mật thám Pháp ở Đông Dương được điều về làm Giám đốc Cơ quan điều tra chính trị của Bộ Thuộc địa, đã khẳng định: Nguyễn Ái Quốc không có thật, đó chỉ là một bí danh của Phan Chu Trinh. Mạng lưới cảnh sát, mật thám và chỉ điểm được huy động ráo riết để điều tra. Ngày 6-9, Bộ trưởng Albert Sarraut cho mời Nguyễn Ái Quốc đến Bộ Thuộc địa để trực tiếp gặp.
Trong một phụ bản báo cáo ngày 12-10-1920 của Guesde, Giám đốc Sở Kiểm soát người Đông Dương tại Pháp, gửi Bộ trưởng Thuộc địa, sau khi kể lại toàn bộ kết quả theo dõi trước về Nguyễn Ái Quốc, Guesde viết: “Sau khi trao đổi với Toàn quyền Đông Dương, thấy cần phải biết rõ là ai. Ngày 20-9-1920 đã đưa giấy gọi Nguyễn Ái Quốc đến Sở cảnh sát để chụp ảnh và hỏi lại lai lịch (kết quả kèm theo). Thấy rõ đây vẫn là lời khi man - ký tên Guesde”.
Sau này, theo bà Phan Thị Minh nhớ lại lời kể của mẹ là bà Phan Thị Châu Liên, con gái cụ Phan Chu Trinh nói về cuộc gặp gỡ và trò chuyện giữa cụ Phan Chu Trinh với thân sinh của Bác Hồ tại Sài Gòn sau gần 15 năm hai người cách biệt nhau, cụ Phan đã hết lời khen ngợi và tin ở Nguyễn Ái Quốc.
Cụ Phan kể: “Trước đó, chúng tôi có vài bài ký bút danh Nguyễn Ái Quốc, nhưng ít ai chú ý. Chỉ sau khi có tờ đơn của dân Nam gửi đến Hòa đàm Varsailles và công bố rộng ra thì mới được chú ý. Bộ thuộc địa và cảnh sát Pháp đã đưa giấy đến cho tôi, đòi Nguyễn Ái Quốc ra trình diện. Chúng ngỡ là tôi sẽ ra. Tôi đã bảo Tất Thành ra nhận, làm chúng rất ngạc nhiên. Đó là lần đầu tiên chúng xáp mặt Tất Thành với tên hoạt động là Nguyễn Ái Quốc…”.
Ở trong nước khi nghe việc này, cụ Nguyễn Sinh Huy xúc động nói với cụ Phan Chu Trinh: Bác đã thay tôi đặt lại tên cho cháu, một cái tên tuyệt hay, tuyệt đẹp, khơi dậy lòng yêu nước trong người Nam mình. Và tên gọi Nguyễn Ái Quốc từ đó gắn với cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác và đi vào lịch sử.
VỀ TÊN GỌI HỒ CHÍ MINH
Đầu năm 1941, Bác về nước trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng. Chỗ ở của Bác là hang Pác Bó thuộc tỉnh Cao Bằng. Tình hình thế giới và trong nước lúc này có những chuyển biến rất nhanh, đặt ra cho cách mạng nước ta là phải thực hiện liên minh quốc tế, tranh thủ sự giúp đỡ của đồng minh mới có thể đưa cách mạng đến thắng lợi. Trước mắt phải phối hợp hành động giữa phong trào Việt Minh với phong trào chống Nhật của nhân dân Trung Hoa và các lực lượng chống phát xít trên chiến trường Thái Bình Dương.
Tối 13-8-1942, Bác lên đường đi Trung Quốc để liên lạc với các lực lượng cách mạng của người Việt Nam và lực lượng đồng minh. Để đánh lạc hướng bọn mật thám, Bác lấy tên mới là Hồ Chí Minh. Trong 2 giấy giới thiệu Bác mang theo được đóng bằng 2 con dấu “Việt Nam độc lập đồng minh” và “Quốc tế phản xâm lược Việt Nam phân hội” đều mang tên này. Ngoài ra, Bác còn mang theo 2 bức thư của 2 tổ chức trên giới thiệu là một kiều dân Trung Quốc ở Việt Nam về nước, có nhiệm vụ gặp người đại diện chính phủ Trùng Khánh của Tưởng Giới Thạch.
Ngày 27-8, khi Bác đi đến Túc Vinh thuộc Quảng Tây thì bị bọn mật vụ Tưởng bắt giữ vì bị nghi ngờ là gián điệp. Từ đó, trong suốt thời gian 13 tháng, Bác lần lượt bị giam trong khoảng 30 nhà tù của Tưởng Giới Thạch tại Quảng Tây. Trong thời gian ở tù tại đây, Bác đã viết nên tập thơ nổi tiếng “Nhật ký trong tù”. Bác còn tìm mọi cách liên lạc với cách mạng Trung Quốc và báo tin về nước. Như vậy, tên gọi Hồ Chí Minh được biết đến từ chuyến đi này của Bác.
HỒNG LÊ (tổng hợp)