.

Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong lòng dân tộc và bạn bè thế giới

Cập nhật: 21:00, 01/05/2020 (GMT+7)

Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, người luôn sống trong muôn triệu trái tim của các thế hệ nhân dân Việt Nam đã sống một cuộc đời giản dị. Lúc sinh thời, trong hành trình đi tìm đường cứu nước, Người đã bôn ba qua rất nhiều nước trên thế giới. Ở những quốc gia Bác đã đi qua và ngay cả nơi Bác chưa kịp đến, người dân ở đó đều dành tình cảm quý mến và kính trọng đặc biệt đối với Bác. Hình ảnh của Bác đã trở thành một biểu tượng đặc biệt, thân thuộc và sống động trong ký ức của nhân dân Việt Nam và của bạn bè trên khắp năm châu. Như Tiến sĩ M. Ácmét, Giám đốc Khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một phần của huyền thoại ngay từ khi còn sống. Và rõ ràng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong số đó”.

Người đã để lại những ấn tượng thật sâu sắc cho những ai có may mắn được tiếp xúc, gần gũi với Người, ngay cả những nhân vật nổi tiếng thế giới. Bạn của Người không chỉ là những nhà cách mạng, mà còn là những nhà văn hóa lớn, nhà hoạt động xã hội, nhà văn, nhà điện ảnh, họa sĩ bậc thầy như Pi-cat-xô, Hăng-ri Bac-buyt và cả vua hề Sac-lô.

ANH HÙNG DÂN TỘC, NHÀ VĂN HÓA LỚN

Ngày 31-10-1987, Ủy ban Văn hóa - Khoa học - Giáo dục của Liên Hiệp quốc (UNESCO) đã ra Nghị quyết kỷ niệm lần thứ 100 Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Anh hùng dân tộc, nhà văn hóa lớn”, ghi nhận công lao của Người: “Sự đóng góp quan trọng về nhiều mặt trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật đã kết tinh truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của nhân dân Việt Nam”…

Chúng ta càng tự hào và cảm phục biết bao khi đọc lại những dòng viết về đồng chí Nguyễn Ái Quốc đăng trên Báo “Đốm Lửa” của Liên Xô, số ra ngày 23-12-1923 của nhà thơ - nhà báo Xô viết Ôxip Manđenxtam, khi nhà báo này gặp và phỏng vấn Người về dự Đại hội Quốc tế Cộng sản: Dáng dấp con người đang ngồi trước mặt tôi đây, Nguyễn Ái Quốc, cũng đang tỏa ra thật lịch thiệp và tế nhị. Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa châu Âu, mà có lẽ là nền văn hóa tương lai”.

Tình bạn giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và danh họa Pi-cát-xô kéo dài tới mấy mươi năm, nhưng mãi sau ngày Bác mất, nhân dân Việt Nam mới được biết. Trong câu chuyện giữa hai người bạn gặp nhau năm 1946, danh họa Pi-cát-xô đã nói: “Tôi còn nhớ bức tranh anh vẽ trên Báo Le Paria, anh ký Nguyễn Ái Quốc bằng chữ Tàu và lời chú thích bức tranh: “Xe xích sắt một ngày kia sẽ thay những con lạc đà, nhưng chúng vẫn còn khá nhiều, bằng chứng ư?”. Ngày ấy, tôi đã nói với Hăng-ri Bac-buyt rằng: Chỉ mấy nét vẽ này ta đã thấy một tư tưởng lớn, một tâm hồn lớn tàng ẩn bên trong. Nếu như anh tiếp tục con đường hội họa thì cũng có thể là một danh họa. Như hôm nay anh Nguyễn đã là Chủ tịch Hồ Chí Minh, tác giả tập tranh đi hàng đầu trong cuộc đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc…”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp chuyện với Thủ tướng Ấn Độ Nêru,  vị nguyên thủ nước ngoài đầu tiên đến Việt Nam  sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp chuyện với Thủ tướng Ấn Độ Nêru, vị nguyên thủ nước ngoài đầu tiên đến Việt Nam sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945.

Trong lời phát biểu của Thủ tướng Ấn Độ Nêru tại buổi chiêu đãi Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 7-2-1958 khi Người sang thăm Ấn Độ: Thật là một điều hân hạnh được gặp con người vĩ đại và có sức thu hút mãnh liệt đối với chúng ta. Mặc dù trong thế giới ngày nay có khác biệt và xung đột, nhưng được gặp Bác Hồ, chúng ta thật sung sướng được thấy lòng tốt của con người… tình bạn, lòng nhân ái sẽ vượt qua tất cả. Những lời nói xúc động, tràn đầy tin yêu với Bác Hồ, vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của nhân dân ta được Thủ tướng Ấn Độ Nêru, một nhà cách mạng lớn nói lên cách đây hơn nửa thế kỷ vẫn giữ nguyên giá trị.

Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 của nhân dân Việt Nam và nhân cách cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn cảm hứng để nhạc sĩ người Anh Ewan MacColl viết bài hát “The ballad of Ho Chi Minh” (Bài ca Hồ Chí Minh). Bài hát đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và trở nên thân thuộc trong các sự kiện quốc tế về Bác. Bài hát đã đi vào trái tim, thấm vào tâm hồn của biết bao người. Có lẽ, bất kỳ ai khi nghe bài hát này đều không thể kìm được cảm xúc của mình, vì bài hát chứa đựng tình cảm sâu sắc của bạn bè thế giới dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh...

“KHI CÁI CHẾT ĐÃ GIEO MẦM CHO SỰ SỐNG”

Tình cảm yêu mến đối với Bác Hồ không chỉ sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam, mà cả với bạn bè quốc tế. Khi Bác mất, thế giới nhắc đến Người với một sự kính trọng. Năm 1969, Bác ra đi về cõi vĩnh hằng. Đó không chỉ là mất mát lớn đối với nhân dân Việt Nam, mà còn để lại cho bạn bè thế giới sự tiếc thương vô hạn. Lãnh tụ nhiều quốc gia đã gửi đến Chính phủ và nhân dân Việt Nam những lời chia buồn đầy chân thành, sâu sắc.

Chủ tịch Cuba Fidel Castro đã viết: “Hồ Chí Minh thuộc những lớp người đặc biệt, mà cái chết đã gieo mầm cho sự sống và là nguồn cổ vũ đời đời bất diệt”. Lúc sinh thời, tuy Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa có dịp đến thăm Cuba, nhưng nhân dân Cuba đã dành rất nhiều tình cảm trân quý cho Người. Đặc biệt, Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt tại trung tâm Công viên Hòa Bình trên Đại lộ 26, một trong những con đường lớn nhất tại thủ đô La Habana. Công viên này được người dân La Habana trìu mến gọi là Công viên Hồ Chí Minh.

Quốc trưởng Norodom Sihanouk, Vương quốc Campuchia đã viết: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử các dân tộc Đông Dương và các dân tộc châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh như là tượng trưng cho cuộc đấu tranh yêu nước giành độc lập dân tộc, được nhân dân kính mến, được các bạn hữu khâm phục, được kẻ thù tôn trọng. Người là một trong những nhân vật hoạt động chính trị và là lãnh tụ cao quý nhất của thế kỷ này”.

Chủ tịch nước Cộng hòa Yemen Abdul Rahman Yahya Al-Eryani bày tỏ: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ và người chiến sĩ vĩ đại đã dâng hiến cả cuộc đời cho tự do và công lý. Chúng tôi cảm thấy châu Á đã mất đi một vị tư lệnh kiên cường, nhưng chúng tôi tin tưởng rằng sự nghiệp vĩ đại của Người mà nhân dân Việt Nam anh hùng cùng nhân dân các nước đang tiếp tục phấn đấu để thực hiện nhất định sẽ giành được thắng lợi to lớn”.

Còn biết bao tình cảm của những người bạn quốc tế dành cho Người. Hiện nay, ở Pháp có khoảng 45 điểm di tích lưu giữ nhiều tài liệu và hiện vật quý liên quan đến sự nghiệp hoạt động cách mạng của Bác từ năm 1911 đến 1927. Trong đó, nổi bật là Ngôi nhà số 9, ngõ Compoint, quận 17, Paris. Dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Pháp có thể kể đến Bản Yêu sách của nhân dân An Nam do Nguyễn Ái Quốc ký tên gửi tới Hội nghị Véc-xây… Hay tại thủ đô Moscow, có một quảng trường rất đặc biệt mang tên vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam: Quảng trường Hồ Chí Minh. Khi ghé thăm nơi đây, du khách sẽ ấn tượng với Tượng đài Bác Hồ tọa lạc tại trung tâm quảng trường rộng lớn, bên dưới có dòng chữ “Không có gì quý hơn độc lập tự do” bằng tiếng Nga. Nơi đây đã trở thành một địa chỉ rất quan trọng đối với người dân Việt Nam cũng như người dân Nga. Còn tại thành phố Saint Petersburg, Trường Đại học Tổng hợp Saint Petersburg, đã thành lập Học viện Hồ Chí Minh, nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử và văn hóa Việt Nam...

HỒNG ANH

.
.
.