Miễn thuế nhưng cần điều tiết hành vi sử dụng đất, tránh bỏ hoang
Cập nhật: 21:40, 26/05/2020 (GMT+7)
Ngày 25-5, kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV đã thảo luận về dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN) mà các đại biểu (ĐB) Quốc hội còn ý kiến khá khác nhau. Một số ĐB đề nghị thu 100% thuế đối với đất để hoang hóa không sử dụng sau 12 tháng và song song đó, cần kiểm kê đất nông nghiệp, đánh giá toàn diện tình trạng để đất hoang hóa.
Tránh tình trạng để đất hoang hóa
Chính sách miễn, giảm thuế SDĐNN được thực hiện từ năm 2001 đến nay và sẽ hết hiệu lực vào ngày 31-12-2020. Vì vậy, Chính phủ đề nghị Quốc hội kéo dài thời gian miễn thuế SDĐNN đến hết ngày 31-12-2025 nhằm góp phần phát triển tam nông.
Chính phủ cũng cho rằng, việc tiếp tục miễn thuế SDĐNN đến hết năm 2025 sẽ không làm giảm thu ngân sách nhà nước do đây là chính sách đang được thực hiện trên thực tế. Số thuế SDĐNN được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm sẽ tiếp tục là hình thức hỗ trợ trực tiếp cho tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp, là nguồn tài chính quan trọng đầu tư trực tiếp cho khu vực nông nghiệp, nông thôn. Thẩm tra về nội dung này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhất trí với tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết tiếp tục ban hành chính sách miễn thuế SDĐNN cho giai đoạn 2021-2025, đặc biệt trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và tình hình bất lợi về thiên tai, biến đổi khí hậu hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Minh Đức, TPHCM thảo luận về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi)
Ảnh: VIẾT CHUNG
|
Thảo luận về nội dung này, ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, miễn thuế SDĐNN khi có tác động của dịch Covid-19 thì tán thành, nhưng nếu kéo dài quá thì cần cân nhắc. Bởi miễn thuế gần 10.000 tỷ đồng/năm cũng không thể hỗ trợ hết cho mọi nông dân; cũng như không thể điều tiết hành vi sử dụng đất, có thể khiến tình trạng bỏ hoang hóa đất trầm trọng hơn. “Vì không phải nộp thuế nên nhiều người sẽ vẫn giữ đất dù không còn sản xuất, cản trở những người có nhu cầu tích tụ quỹ đất để sản xuất. Điều tiết sử dụng đất bằng thuế là hết sức cần thiết, do đó nếu kéo dài chính sách này sẽ không đạt được mục tiêu là hạn chế tình trạng đất đai bị hoang hóa, lãng phí”, ĐB Hoàng Văn
Theo ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), thực tế, nhiều nơi nông dân bỏ hoang đất trong thời gian dài, vì càng làm càng lỗ. ĐB Nguyễn Anh Trí đồng tình miễn thuế nhưng trừ những trường hợp để đất hoang hóa; thời gian miễn chỉ nên 5 năm, sau đó cần có sự đánh giá, phân hóa, điều tiết lại việc sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, ở những vùng đất đai khô cằn thì có thể cho dân chuyển đổi mục đích sử dụng như xây hồ chứa nước, làm du lịch… để nông dân đỡ khổ. Trong khi đó, ĐB Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) đề nghị kéo dài thời gian miễn thuế đến hết ngày 31-12-2030, tức là 10 năm, cùng với đó đánh giá, kiểm kê lại đất nông nghiệp.
Giải trình lại ý kiến các ĐB, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, đất hoang hóa do nhiều nguyên nhân khác nhau, không phải chỉ do nguyên nhân thuế. Việc xử lý đất hoang hóa phải theo Luật Đất đai. “Từ ý kiến các ĐB là nên kéo dài nghị quyết hay có nghị quyết mới; miễn 5 năm hay 10 năm… ban soạn thảo sẽ nghiên cứu và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nhưng kéo dài 5 năm thì phù hợp hơn”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu ý kiến. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, bộ đang nghiên cứu đề xuất, hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai nói chung và chính sách thuế liên quan đến đất đai nói riêng, trong đó có thuế từ đất nông nghiệp.
Nhấn mạnh trách nhiệm, sứ mệnh của thanh niên
Chiều 25-5, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi). Giải trình về dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết, để nhấn mạnh trách nhiệm, sứ mệnh của thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước tình hình mới, dự thảo luật bổ sung 1 chương quy định trách nhiệm của thanh niên đối với Tổ quốc, Nhà nước, gia đình và xã hội, đặc biệt là trách nhiệm đối với bản thân thanh niên. Về độ tuổi thanh niên, đa số ý kiến thống nhất với dự thảo là từ đủ 16 cho đến 30 tuổi.
Dự thảo luật cũng quy định chính sách dành cho các nhóm thanh niên đặc thù bao gồm: chính sách dành cho thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện, thanh niên có tài năng, thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện về mọi mặt để thanh niên thuộc các nhóm đối tượng này phát huy được khả năng của mình, đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời quy định các giải pháp về chính sách để huy động lực lượng thanh niên này tham gia vào các dự án, hoạt động cụ thể nhằm phát triển đất nước.
ĐB Vũ Trọng Kim (Hải Dương) và một số ĐB khác cho rằng, Luật Thanh niên nên chú trọng nhiều về trách nhiệm của thanh niên, chính sách để bồi dưỡng thế hệ thanh niên sau này đảm đương nhiệm vụ của đất nước cũng như khai thác thế mạnh của thanh niên. “Đó không phải là chính sách mang tính ban ơn cho thanh niên, mà chính là trách nhiệm của chúng ta, phải ra được chính sách để bồi dưỡng và phát huy thanh niên”, ĐB Vũ Trọng Kim nói.
Đáng chú ý, ĐB Nguyễn Minh Đức (TPHCM) nêu ý kiến, thực tế hiện nay có một số văn bản thực thi pháp luật đối với người thực hiện nghĩa vụ quân sự cũng như tuyển dụng vào lực lượng quân đội, công an nêu rõ tiêu chí không được xăm trổ. ĐB cho rằng, quyền tự do của thanh niên luôn được tôn trọng. Có một bộ phận thanh niên thích tự do, xăm trổ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự. Vấn đề đặt ra là khi Tổ quốc cần nhưng vì có quy định như vậy nên không tham gia được. Hoặc cũng có những đối tượng cố tình xăm trổ để trốn nghĩa vụ quân sự. Do đó, cần có quy định chặt chẽ hơn trong luật về vấn đề này để thể hiện rõ quyền và nghĩa vụ thanh niên khi đang trong tuổi nghĩa vụ quân sự.
Cụ thể, khi đang trong tuổi nghĩa vụ quân sự thì thanh niên không được quyền xăm trổ. Như vậy sẽ đảm bảo công bằng: có thanh niên vì trót xăm trổ nên không thực hiện được nghĩa vụ quân sự; có thanh niên vì cố tình xăm trổ để không thực hiện nghĩa vụ quân sự.
(Theo sggp.org.vn)