Thứ Bảy, 23/05/2020, 21:21 (GMT+7)
.

Tiến tới Đại hội XIII của Đảng: Công tâm, toàn diện chọn đúng cán bộ

Trong mỗi kỳ Đại hội Đảng, cùng với việc quyết định đường lối, nhiệm vụ chính trị của Đảng, việc bầu ra các cơ quan lãnh đạo của Đảng luôn là nội dung rất quan trọng, được dư luận đặc biệt quan tâm.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị để phê duyệt quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, nhiệm kỳ 2021-2026; xem xét công tác nhân sự và quyết định thi hành kỷ luật cán bộ. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị để phê duyệt quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, nhiệm kỳ 2021-2026; xem xét công tác nhân sự và quyết định thi hành kỷ luật cán bộ. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Trong mỗi kỳ Đại hội Đảng, cùng với việc quyết định đường lối, nhiệm vụ chính trị của Đảng, việc bầu ra các cơ quan lãnh đạo của Đảng luôn là nội dung rất quan trọng, được dư luận đặc biệt quan tâm.

Nói như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, công tác văn kiện rất quan trọng, nhưng công tác nhân sự phức tạp, khó hơn, nhạy cảm hơn, cần tổng kết rút kinh nghiệm, đề ra định hướng để làm cho tốt, để chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cán bộ chủ chốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Vấn đề hệ trọng này được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm trong quá trình xây dựng, lãnh đạo, rèn luyện Đảng ta.

Người chỉ rõ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc;” “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém.”

Ngay từ những ngày đầu cách mạng, Hồ Chí Minh đã quan tâm đặc biệt đến việc đào tạo, đánh giá và sử dụng cán bộ. Trong đó, việc hiểu và đánh giá đúng cán bộ là yêu cầu xuất phát để tiến hành các mặt khác của công tác cán bộ.

Việc đánh giá cán bộ không thể chỉ căn cứ vào những biểu hiện bên ngoài mà phải đi sâu tìm hiểu bản chất của họ; không thể chỉ dựa vào một việc làm mà phải tìm hiểu tất cả các công việc mà họ thực hiện; không thể chỉ xem xét cán bộ trong một thời điểm mà phải thấy rõ lịch sử của họ. Tức là phải có cái nhìn toàn diện mới có thể đánh giá cán bộ một cách đúng đắn, khách quan.

Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Xem xét cán bộ, không chỉ xem ngoài mặt mà còn phải xem tính chất của họ. Không chỉ xem một việc, một lúc mà phải xem toàn cả lịch sử, toàn cả công việc của họ... Nếu ta không xem xét rõ ràng, thì lầm nó là cán bộ tốt. Vì vậy, nhận xét cán bộ không nên chỉ xét ngoài mặt, chỉ xét một lúc, một việc, mà phải xét kỹ cả toàn bộ công việc của cán bộ.”

Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhắc nhở: “Đừng thấy đỏ tưởng là chín.”

Tiến sỹ Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, người đã dành hơn 30 năm nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích muốn cầm được quyền, Bác chỉ rất rõ hai điều kiện: thứ nhất, Đảng phải xứng đáng với vai trò lãnh đạo; thứ hai mỗi người cán bộ, đảng viên phải là đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

Quang cảnh bầu cử tại Đại hội Đảng bộ Sở Thông tin & Truyền thông thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN
Quang cảnh bầu cử tại Đại hội Đảng bộ Sở Thông tin & Truyền thông thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN

Ngẫm lời dặn dò của Bác, nổi lên hai vấn đề: Đầu tiên Đảng phải xứng đáng là người lãnh đạo, tức là phải có năng lực lãnh đạo, khả năng lãnh đạo; tiếp đến phải là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, nói lên phẩm chất, đạo đức, tác phong của người lãnh đạo.

Suy cho cùng, tư tưởng chỉ đạo cũng như thực hành của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc lựa chọn đội ngũ cán bộ, quản lý xã hội, lãnh đạo nhân dân nói gọn lại trong hai nội dung: Người cán bộ đó phải có đức và có tài.

Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Lý Việt Quang, Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) trong khi khẳng định đạo đức là gốc, là nền tảng, Người không vì thế xem nhẹ tài năng bởi theo Hồ Chí Minh, có đức mà không có tài thì vô dụng, nhưng nếu có tài mà không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy, người cán bộ, đảng viên cũng không quy tụ, lãnh đạo được nhân dân. Đạo đức phải gắn liền với năng lực.

Tâm đắc với nhiều nội dung trong bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói về việc lựa chọn cán bộ cho Đại hội XIII, theo Tiến sỹ Chu Đức Tính, chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho thấy việc trân trọng sự giám sát của nhân dân để thấy người cán bộ đó thực sự có "đỏ" hay không, rất phù hợp với quan điểm của Bác.

Để chuẩn bị cho khâu trọng yếu này, Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã quy định rõ 6 nội dung trong công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử cấp ủy. Đây là "kim chỉ nam" để các cấp ủy căn cứ, thực hiện trong lựa chọn nhân sự đại hội đảng bộ các cấp.

Quy định đã có, nhưng vấn đề quan trọng nằm ở việc vận dụng, triển khai trong thực tế để tìm "đúng người", giao đúng việc.

Con số gần 100 cán bộ cao cấp vi phạm bị xử lý, kỷ luật từ đầu nhiệm kỳ Đại hội khóa XII đến nay, trong đó có những người giữ cương vị rất cao trong hệ thống chính trị và không ít người đã phải ngồi tù, cho thấy việc lựa chọn, chuẩn bị nhân sự trước Đại hội dù đúng quy trình nhưng lại chưa trúng.

Nhiều cán bộ, trong đó có những cán bộ đã được rèn luyện, thử thách, cất nhắc vào những vị trí quan trọng, được trông chờ, đánh giá là những "hạ giống đỏ," nhưng sau đó họ lại trở thành một con người khác, bộc lộ năng lực hạn chế, "tài không xứng chức," phẩm chất, đạo đức không xứng đáng vào vị trí đã được tin tưởng giao phó.

Còn nhớ trường hợp Lê Phước Hoài Bảo (con trai nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam Lê Phước Thanh), từng được nhìn nhận là cán bộ trẻ đầy triển vọng trong đội ngũ cán bộ của địa phương.

Mới 30 tuổi, Lê Phước Hoài Bảo đã trở thành Giám đốc Sở trẻ nhất cả nước. Những tưởng con đường quan lộ thênh thênh, thế nhưng những sai phạm được Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ ra đối với Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam Lê Phước Hoài Bảo như không trung thực trong việc kê khai quá trình công tác của bản thân trong hồ sơ, lý lịch và hồ sơ nhân sự ứng cử Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020... đã khiến bao người ngỡ ngàng. Những kỳ vọng, trông chờ vào "hạt giống đỏ" lụi tắt.

Hay Nguyễn Bá Cảnh (con trai duy nhất của cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh) tốt nghiệp đại học kinh tế tại Đà Nẵng, có bằng thạc sỹ Quản trị công ở Vương quốc Anh, cao cấp lý luận chính trị.

Sinh năm 1983, Nguyễn Bá Cảnh từng giữ chức Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng và được bầu làm đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố khóa IX.

Những tưởng "tuổi trẻ tài cao," với một nền tảng tốt như vậy, nhiều người trông chờ Nguyễn Bá Cảnh sẽ làm được điều gì đó cho Đà Nẵng. Nhưng khi dư luận phản ánh Nguyễn Bá Cảnh có quan hệ với một phụ nữ khác trong khi chưa ly hôn, vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình thì mọi chuyện đã sang một ngã khác.

Trước những vi phạm này, Thành ủy Đà Nẵng thống nhất cách các chức vụ trong Đảng của Nguyễn Bá Cảnh - Thành ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy, vì vi phạm Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình, vi phạm Quy định 47 của Trung ương về những điều đảng viên không được làm.

Một điều dễ nhận thấy ở Lê Phước Hoài Bảo, Nguyễn Bá Cảnh - những người được đặt nhiều kỳ vọng trong hàng ngũ cán bộ lãnh đạo trẻ - là họ đều có xuất phát điểm rất tốt, đó là niềm ao ước của không ít người.

Họ đều có nền tảng rất cơ bản khi sinh ra và được nuôi dưỡng trong những gia đình có truyền thống, có điều kiện thuận lợi để rèn giũa, hoàn thiện bản thân, được đào tạo bài bản, được thừa hưởng kiến thức, kinh nghiệm thực tế mà nhiều người cùng trang lứa khó có được.

Nhìn vào hồ sơ, bằng cấp, quá trình công tác hay những phát ngôn "mang dấu ấn" của họ khi đương chức, rất dễ lầm tưởng đây chính là những "hạt giống đỏ" trong hàng ngũ cán bộ lãnh đạo, để từ đó đặt nhiều trông mong, kỳ vọng vào những điều lớn lao hơn.

Thế nhưng thực tế lại cho thấy những điều không như mong đợi, bởi họ chưa thực sự "chín" như những gì phô bày bấy lâu. Khi bị phát hiện có vi phạm, họ thành "tay trắng," trở về điểm xuất phát.

Nhưng nếu câu chuyện không bị phát giác, họ tiếp tục leo lên những vị trí quan trọng hơn, quyền lực cao hơn, thì sự thiếu đạo đức, không trung thực của họ có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường, gây nguy hại cho tổ chức, cho đất nước, nhân dân. Cũng bởi "đỏ" mà không "chín" nên bản chất thật của họ sớm phơi bày, bị loại ra khỏi đội ngũ.

Những cái tên như Vũ Minh Hoàng, Nguyễn Xuân Anh, Trần Văn Mẫn... đều là những cán bộ trẻ, được kỳ vọng là những “hạt giống đỏ” của đất nước.

Những tưởng tương lai sáng lạn còn rộng mở phía trước, nhưng rồi có người bị kỷ luật, có người tuy không bị kỷ luật, nhưng con đường thăng tiến đã phải dừng lại, để trở về đúng với vị trí của họ.

Nhìn lại để thấy rằng trước thềm Đại hội Đảng lần thứ XIII, việc công tâm, khách quan, tỉnh táo, tinh tường của những người làm công tác nhân sự Đại hội, "đừng thấy đỏ tưởng là chín" như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ, là một yêu cầu cấp thiết để tìm được những cán bộ đủ đức, đủ tài gánh vác việc nước, xứng đáng để người dân gửi gắm niềm tin.

Làm tốt công tác nhân sự từ đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới làm tốt công tác nhân sự Đại hội XIII của Đảng, “dưới có vững thì trên mới bền chắc được,” đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, liên quan đến sự sống còn của Đảng, sự phát triển bền vững của đất nước.

(Theo https://www.vietnamplus.vn/tien-toi-dai-hoi-xiii-cua-dang-cong-tam-toan-dien-chon-dung-can-bo/641755.vnp)

.
.
.