Thứ Sáu, 12/06/2020, 17:02 (GMT+7)
.

Cần có biện pháp căn cơ ứng phó hạn, mặn trong những năm tới

(ABO) Tiếp tục đợt tiếp xúc cử tri trước kỳ họp của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Tiền Giang khóa IX, sáng 12-6, đại biểu HĐND tỉnh, đại biểu HĐND huyện Châu Thành tiếp xúc cử tri 3 xã Long Hưng, Long Định và Thạnh Phú (huyện Châu Thành).

Tại buổi tiếp xúc, sau khi nghe đại diện Tổ đại biểu HĐND tỉnh thông tin đến cử tri dự kiến nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa IX; đại biểu HĐND huyện Châu Thành thông tin dự kiến nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 13, HĐND huyện khóa XI sắp tới, cử tri phản ánh, kiến nghị tập trung các vấn đề còn bức xúc ở địa phương. Trong đó, vấn đề nhiều cử tri 3 xã quan tâm là tình hình hạn, mặn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cây trồng trên địa bàn huyện.

Nhiều cử tri 2 xã Long Hưng và Thạnh Phú chia sẻ về những thiệt hại trong hạn, mặn vừa qua, đời sống người dân chuyên canh cây trồng gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, giá vật tư nông nghiệp tăng gây khó khăn cho người dân. Cử tri kiến nghị lãnh đạo tỉnh có biện pháp ứng phó, phòng ngừa sớm hạn, mặn cho những năm sau. Ngoài ra, nhiều cử tri cũng kiến nghị sớm cụ thể hóa chính sách hỗ trợ khắc phục thiệt hại do hạn, mặn.

Cử tri phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc
Cử tri phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Châu Thành thông tin, do năm nay mặn đến sớm, lãnh đạo tỉnh, huyện đã tập trung chỉ đạo, có những phương án kịp thời ngay từ đầu mùa hạn, mặn. Cụ thể, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành Phương án số 425/PA-UBND về việc ứng phó khẩn cấp phòng, chống hạn, mặn trong mùa khô năm 2019 - 2020 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, các ngành, địa phương tiến hành đắp đập, đóng các cống ngăn mặn, kiểm tra, xử lý kịp thời các công trình đảm bảo ngăn mặn triệt để. Tỉnh đã có chủ trương đóng đập kinh Nguyễn Tấn Thành rất sớm (mùng 4 Tết). Thế nhưng, do kinh này là nguồn nước chủ lực cung cấp cho các xã trong huyện, là giao thông đường thủy huyết mạch đối với các huyện lân cận nên tỉnh cần trao đổi với Bộ Giao thông Vận tải. Điều đó làm tiến độ đắp đập chậm. Để khắc phục tình trạng nước mặn tràn vào, tỉnh đã triển khai đặt máy bơm nước mặn ra ngoài; đồng thời, lấy nước ngọt từ tỉnh Đồng Tháp về kinh Nguyễn Văn Tiếp. Việc này đã hỗ trợ đáng kể lượng nước ngọt tưới tiêu cho người dân trong huyện.

Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri
Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri tại UBND xã Long Hưng.

Về chính sách hỗ trợ khắc phục thiệt hại do hạn, mặn, huyện đã thống kê danh sách và xây dựng kế hoạch hỗ trợ người dân do hạn, mặn gây ra. Cụ thể, diện tích cây lúa và hoa màu thiệt hại trên 70% sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng/ha; diện tích cây trái thiệt hại trên 70% sẽ được hỗ trợ 4 triệu đồng/ha, tương tự thiệt hại từ 30% đến 70% sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng/ha...

Đại biểu HĐND tỉnh cũng cho biết, UBND tỉnh vừa tổ chức hội nghị đánh giá mức độ thiệt hại của hạn, mặn đối với cây trồng trên địa bàn tỉnh; đồng thời, nghiên cứu các giải pháp ứng phó hạn, mặn trong những năm tiếp theo. Trong đó, tỉnh đã bàn giải pháp đầu tư các công trình thủy lợi sao cho giảm thiểu tối đa thiệt hại do hạn, mặn gây ra.

Trước diễn biến phức tạp của hạn, mặn, UBND huyện Châu Thành đã kiến nghị tỉnh xây dựng 3 cống gồm: Nguyễn Tấn Thành, Phú Phong và Kim Sơn. Đồng thời, qua trao đổi với Sở NN&PTNT được biết, Sở NN&PTNT đang tham mưu UBND tỉnh đề nghị xây dựng thêm cống Hai Tân (huyện Cai Lậy), như vậy tổng cộng đề nghị xây dựng 4 cống để khép kín toàn bộ lượng nước ngọt phục vụ cây trồng.

Tuy nhiên, Sở NN&PTNT cho biết, đây là phương án các ngành, địa phương tham mưu, đề xuất để UBND tỉnh nghiên cứu và kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét bố trí kinh phí; bởi việc đầu tư 4 cống trên kinh phí rất lớn, khoảng 1.200 tỷ đồng. Hy vọng phương án này sẽ được Trung ương phê duyệt để tỉnh sớm triển khai thực hiện, góp phần hạn chế thiệt hại cây trồng, giúp nhân dân ổn định nguồn thu nhập trong thời gian tới.

HOÀI THU - NHƯ NGỌC

.
.
.