Đẩy mạnh xây dựng Chính quyền điện tử hướng đến Chính quyền số
Thực hiện Kế hoạch 328 ngày 8-10-2019 của UBND tỉnh về xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số của tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025, ngày 31-12-2019, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 438 về tổ chức Cuộc thi “Tìm hiểu về Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số tỉnh Tiền Giang” năm 2019 - 2020 (gọi tắt là Cuộc thi).
Tiền Giang đẩy mạnh xây dựng Chính quyền điện tử hướng đến Chính quyền số. |
Ngày 3-6 vừa qua, UBND tỉnh tổ chức kiểm tra công tác triển khai thực hiện về phát động Cuộc thi.
TRIỂN KHAI SÂU RỘNG
Cuộc thi nhằm nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số của tỉnh Tiền Giang. Qua đó, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về việc xây dựng Chính phủ điện tử nói chung và Kế hoạch xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số của tỉnh Tiền Giang nói riêng, nhằm giúp cán bộ, công chức, viên chức và mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh thấy được lợi ích, hiệu quả của dịch vụ công trực tuyến mang lại, góp phần nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến và kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
Cuộc thi nhằm chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI. Đối tượng tham gia là công dân Việt Nam từ đủ 12 tuổi trở lên hiện đang sinh sống và làm việc trên địa bàn tỉnh Tiền Giang (trừ thành viên Ban Tổ chức, Ban Giám khảo, tổ giúp việc và những bộ phận trực tiếp tham gia vào quá trình tổ chức cuộc thi). Tổng giá trị giải thưởng cuộc thi hơn 154 triệu đồng, trong đó có 1 giải Nhất cá nhân trị giá 10 triệu đồng, 1 giải Nhất tập thể trị giá 20 triệu đồng. |
Đến nay, Trung tâm Công nghệ thông tin (CNTT) và Truyền thông (Sở Thông tin và Truyền thông) đã xây dựng xong phần mềm thi trắc nghiệm trực tuyến, tại địa chỉ: thitructuyen.tiengiang.gov.vn. Việc soạn ngân hàng câu hỏi và các bước chuẩn bị cho cuộc thi cũng đã được thực hiện hoàn chỉnh. Cụ thể, đối với vòng loại, hình thức thi tự do, thí sinh tự đăng ký thông tin trên phần mềm và thực hiện bài thi theo quy định. Ở Vòng chung kết, hình thức thi tập trung.
Nội dung thi gồm các câu hỏi trắc nghiệm, tìm hiểu những nội dung về Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử, Chính quyền số và dịch vụ công trực tuyến được thực hiện trên Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Tiền Giang. Người dự thi trả lời 30 câu hỏi trắc nghiệm trên phần mềm ứng dụng, tích hợp trong website, trong thời gian tối đa 25 phút. Kết quả thi trắc nghiệm, điểm thi sẽ được phần mềm chấm tự động và hiển thị ngay sau khi người dự thi hoàn thành phần thi.
Cuộc thi được tổ chức trên phạm vi toàn tỉnh, với thời gian thi thử trong tháng 6-2020, nhằm tạo cho thí sinh quen dần với hệ thống câu hỏi. Cuộc thi chính thức được bắt đầu vào tháng 7-2020 và Vòng chung kết sẽ diễn ra vào tháng 8-2020. Dù vậy, ngay từ những ngày đầu tháng 2-2020, các đơn vị huyện, thành, thị, sở, ngành, cá nhân đã phát động tổ chức thi vòng loại. Sau vòng loại, các đơn vị, cá nhân có thành tích được tuyên dương, khen thưởng và chọn tham gia Vòng thi chung kết cấp tỉnh.
HIỆU QUẢ RÕ RỆT
Những năm qua, việc ứng dụng CNTT và truyền thông ở tỉnh đã có bước phát triển vượt bậc, góp phần nâng cao hiệu quả trong quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội. Hạ tầng CNTT và truyền thông của tỉnh được chú trọng đầu tư xây dựng, 100% cơ quan nhà nước cấp sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố được nối mạng truyền số liệu chuyên dụng, kết nối Internet và hiệu quả mang lại rất rõ nét.
Đơn cử là trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tất cả các cuộc họp của tỉnh với các địa phương, đơn vị đều được điều hành thông qua hệ thống hội nghị trực tuyến. Không phải triệu tập đầy đủ lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung về nơi họp như trước đây, thông qua các cuộc họp trực tuyến, mọi chỉ đạo của tỉnh đến các địa phương, cũng như việc nắm bắt tình hình, trao đổi, thống nhất công việc đều được thực hiện qua hệ thống kết nối Internet trực tiếp.
Cùng với hình thức họp trực tuyến, trong thời gian cách ly xã hội, để phòng, chống dịch bệnh, các cơ quan, đơn vị đều cử cán bộ thay phiên nhau làm việc tại nhà thông qua ứng dụng CNTT nhằm đảm bảo không gây đình trệ công việc. Cán bộ, công chức trao đổi công việc qua Hệ thống quản lý hành chính. Chính vì vậy, tuy làm việc tại nhà nhưng mọi công việc của cơ quan, đơn vị vẫn được đảm bảo.
Đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào quản lý, giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến hướng tới nền hành chính hiện đại, minh bạch trên địa bàn tỉnh đã và đang mang lại hiệu quả tích cực trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị và phục vụ đời sống hằng ngày của mỗi người dân. Tỉnh Tiền Giang đã và đang đi đúng hướng thông qua các Đề án Chính quyền điện tử, thành phố thông minh và hướng tới Chính quyền số.
P. MAI