Họp trực tuyến: Mô hình cần nhân rộng!
Đây là cách làm tiết kiệm, phù hợp cho công việc của các ĐBHQ tại các địa phương, đồng thời đảm bảo nội dung ý kiến của các ĐBQH được sâu hơn.
Đây là chia sẻ của các ĐBQH với bên hành lang Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, ngày 19-6.
ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội). |
Tuy nhiên, sau trải nghiệm cách tổ chức kỳ họp chia thành 2 phần, một phần họp trực tuyến để thảo luận những vấn đề chung, phần thứ 2 tập trung tại hội trường; ông Cường cho rằng đây là cách làm rất hiệu quả bởi vì sau khi đưa các vấn đề ra thảo luận, “xới xáo” ban đầu tại các đoàn ở địa phương thì các ĐBQH có được gần 2 tuần “giãn cách” để chuẩn bị ý kiến được tốt hơn.
Đánh giá về chất lượng kỳ họp thứ 9 Khóa XIV, theo ông Cường, chất lượng kỳ họp không bị ảnh hưởng gì so với các kỳ họp trước. Chỉ một điểm khác biệt là tại kỳ họp này không có nội dung chất vấn đối với các thành viên chính phủ.
Các ý kiến phát biểu từ khi khi họp trực tuyến tại các đoàn ĐBQH cũng không có sự khác biệt nào như khi phát biểu tại nghị trường. “Thậm chí, có nhiều ý kiến đã được chuẩn bị kỹ hơn là do có một khoảng thời gian để các ĐBQH nghiên cứu kỹ lưỡng hơn”, ông Cường nói.
Do đó, theo ông Cường, các kỳ họp nếu được thì nên thực hiện theo phương thức vừa trực tuyến vừa tập trung. “Qua đây, cũng giúp thêm cho các ĐBQH tại địa phương giải quyết các công việc tại chỗ phù hợp hơn”, ông Cường chia sẻ.
ĐBQH Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên - Huế). |
Đặc biệt, với hình thức họp trực tuyến chia làm hai giai đoạn sẽ tạo điều kiện về mặt thời gian để các đại biểu và các lãnh đạo địa phương, bộ ngành nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội.
“Qua đó giúp các đại biểu cũng có thời gian kịp thời chuẩn bị công việc giữa năm và chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp”, ông Nghĩa nói.
Vẫn theo ông Nghĩa, kết quả này một lần nữa khẳng định, trong bất cứ hoàn cảnh nào, Quốc hội cũng luôn nỗ lực, trách nhiệm vì lợi ích của nhân dân và đất nước.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội Mai Thị Phương Hoa cũng đồng tình với hình thức họp trực tuyến. “Trong tương lai, Quốc hội nên phát huy và nhân rộng mô hình kết hợp họp trực tuyến”, bà Hoa bày tỏ.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đỗ Văn Sinh bình luận, chúng ta phải thích nghi và làm tốt việc này hơn nữa. Đánh giá về tính hiệu quả khi họp trực tuyến, ông Sinh cho rằng cách thức họp này hiệu quả hơn họp tập trung ở điểm đại biểu địa phương không phải đi lại, ăn nghỉ tốn kém.
Chia sẻ về việc họp trực tuyến không thấy được hết sự hấp dẫn, căng thẳng, sôi nổi tại Hội trường, theo ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), đây chỉ là một khía cạnh. Vấn đề quan trọng hơn là qua chất vấn rồi sau đó sẽ làm thế nào thực hiện giám sát của Quốc hội ngày càng tốt hơn.
“Tôi vẫn có thể chất vấn bằng văn bản nếu chính phủ thực hiện được việc trả lời nhanh, gọn, đúng vấn đề”, ông Cương nói.
Vẫn theo ông Cương, từ trước đến nay việc chất vấn bằng văn bản vẫn được tiến hành một cách bình thường. Còn đưa ra chất vấn tại hội trường được truyền hình trực tuyến cũng chỉ một hình thức, bình thường trong thời gian có kỳ họp, dù không có dịp chất vấn trực tiếp tại hội trường thì đại biểu vẫn chất vấn bình thường.
Quan trọng là làm thế nào để công khai nội dung đại biểu chất vấn và câu trả lời của chính phủ đối với vấn đề chất vấn, giúp cho báo chí truyền tải thông tin đến cử tri, người dân.
“Công tác giám sát với hoạt động chất vấn là chức năng của đại biểu Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, đoàn thư ký. Trên cơ sở trả lời chất vấn, đánh giá việc trả lời đã đáp ứng yêu cầu chưa. Bản thân từng đại biểu là người đánh giá chính xác nhất câu trả lời của chính phủ”, ông Cương bày tỏ.
(Theo enternews.vn)
.