Công tác thi đua, khen thưởng phải bám sát thực tiễn
Thi đua yêu nước (TĐYN) luôn được xác định là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, vừa là động lực, vừa là mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh. Nói về ý nghĩa Đại hội TĐYN tỉnh lần thứ VI-năm 2020, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua (TĐ) - Khen thưởng (KT) tỉnh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trần Thị Thanh Tuyết cho biết:
Phó Chủ tịch Hội đồng TĐ-KT tỉnh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trần Thị Thanh Tuyết. |
Đại hội TĐYN toàn tỉnh lần thứ VI - năm 2020 nhằm đánh giá kết quả và tác dụng của phong trào TĐYN từ sau Đại hội TĐYN toàn tỉnh lần thứ V - năm 2015 đến nay trên tất cả các lĩnh vực KT-XH, quốc phòng, an ninh của địa phương; đồng thời, đề ra phương hướng, nhiệm vụ đẩy mạnh phong trào TĐ và thực hiện công tác KT trong thời gian tới.
Tại đại hội, tỉnh cũng biểu dương thành tích các phong trào TĐ và tôn vinh các tập thể, cá nhân, các gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu ở các ngành, các cấp trong tỉnh, qua đó khơi dậy và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo động lực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của từng ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị.
Thông qua đại hội TĐ làm cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân nhận thức sâu sắc ý nghĩa, vai trò của phong trào TĐYN đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước nói chung, của tỉnh nói riêng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH, giữ vững quốc phòng, an ninh…trên địa bàn tỉnh.
* Phóng viên (PV): Từ công tác TĐ, KT đã tạo động lực, góp phần quan trọng trong phát triển KT-XH của tỉnh. Dù vậy, có một số ý kiến cho rằng, phong trào TĐ có lúc, có nơi vẫn còn mang tính hình thức, đồng chí nghĩ gì về ý kiến này?
* Đồng chí Trần Thị Thanh Tuyết: Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “TĐ là yêu nước, yêu nước thì phải TĐ , những người TĐ là những người yêu nước nhất”, TĐ-KT được coi như là một biện pháp góp phần thiết thực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Một thực tế cho thấy, nơi nào lãnh đạo quan tâm sâu sát, phát huy được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, có kiểm tra, giám sát, KT kịp thời thì phong trào TĐYN nơi đó thực hiện tốt. Càng khó khăn thì càng phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, linh hoạt, nhạy bén vận dụng đưa nghị quyết vào cuộc sống. Khi xây dựng được khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận xã hội và tham gia của nhân dân trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước thì nơi đó các phong trào TĐ đều đạt kết quả tốt.
Từ các phong trào TĐYN do Trung ương và tỉnh phát động đã thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia, TĐ sản xuất - kinh doanh, góp phần thúc đẩy KT-XH của tỉnh phát triển. |
Tuy nhiên, trên thực tế cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, không phải mọi phong trào TĐ đều đáp ứng được các yêu cầu nêu trên; ở một số địa phương, ngành, lĩnh vực, đơn vị, việc phát động phong trào TĐ còn mang tính hình thức, chưa toàn diện, thiếu chiều sâu và sự vận dụng lan tỏa, chưa thu hút được nhiều lực lượng tham gia hưởng ứng. Công tác KT còn bộc lộ bất cập cả về nội dung, hình thức, tiêu chuẩn và quy trình, thủ tục.
Những hạn chế nêu trên một phần là do yêu cầu ngày càng cao của công tác TĐ, KT đòi hỏi người làm công tác này không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phải thực sự “bám sát thực tiễn và đi trước thực tiễn một bước” để tham mưu các cấp lãnh đạo tổ chức hiệu quả phong trào TĐ trong tình hình mới.
* PV: Với vai trò là cơ quan trực tiếp tham mưu cho UBND tỉnh trong công tác TĐ, KT, đồng chí có thể cho biết một số định hướng trong việc nâng cao chất lượng công tác này trong thời gian tới?
* Đồng chí Trần Thị Thanh Tuyết: Để nâng chất công tác TĐ, KT, phải tập trung thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Tiếp tục tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác TĐ, KT, trong đó trọng tâm là Chỉ thị 34 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác TĐ, KT và Luật TĐ, KT; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác TĐ, KT để góp phần hoàn thành nhiệm vụ chung.
2. Tập trung vào việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của công tác TĐ, KT. Nội dung TĐ phải tập trung vào việc thực hiện hoàn thành nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị.
3. Tiếp tục kiện toàn Hội đồng TĐ-KT các cấp; tổ chức các lớp tập huấn công tác TĐ, KT cho đội ngũ làm công tác này nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác TĐ, KT đảm bảo hoạt động hiệu quả, tinh gọn.
4. Tiếp tục đổi mới công tác KT, để KT thực sự có tác dụng khích lệ, động viên và nêu gương. Việc KT, tuyên dương các gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến phải thực hiện thường xuyên, đều khắp, chú trọng KT các đơn vị cơ sở và người lao động trực tiếp. Phát huy, nhân rộng các mô hình, phong trào TĐ hiệu quả, góp phần tích cực vào hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng.
* PV: Xin cảm ơn đồng chí!
QUẾ ANH (thực hiện)