Xây dựng chương trình hành động thực thi Hiệp định EVFTA
Cập nhật: 08:44, 26/09/2020 (GMT+7)
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thông tin, Bộ đã xây dựng chương trình hành động để thực thi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), trong đó cam kết mở cửa thị trường đầu tư và mua sắm của Chính phủ; đồng thời cũng đang chuẩn bị trình các cấp để phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA).
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc ký kết và thực hiện các Hiệp định này là một phần không tách rời trong tổng thể chính sách mà Việt Nam đã kiên trì thực hiện trong thời gian qua nhằm tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao hiệu quả phân bổ, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, thúc đẩy kinh tế tư nhân và cải thiện môi trường kinh doanh.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (Ảnh: MPI) |
Cơ hội và thách thức song hành khi thực thi Hiệp định
Thực tiễn cho thấy, các Hiệp định này cùng với 67 Hiệp định song phương về khuyến khích và bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký kết trong 30 năm qua đã góp phần cải tiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam theo hướng ngày càng thuận lợi, bình đẳng và an toàn, thân thiện đối với các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế.
Bên cạnh đó, việc thực hiện EVFTA và các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã khác cũng đặt ra những thách thức đối với Việt Nam. Thực tế cho thấy, thể chế, chính sách, cơ chế quản lý của Việt Nam còn một số mặt hạn chế. Hệ thống kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế. Năng lực và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu. Khả năng hấp thụ công nghệ hạn chế, gặp nhiều khó khăn trong việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Việc mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư cùng với những cam kết về việc tạo lập một môi trường kinh doanh bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài sẽ tạo cơ hội để các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận rộng rãi hơn với thị trường Việt Nam. Điều này đặt các doanh nghiệp Việt Nam trước sức ép cạnh tranh lớn hơn ngay tại thị trường trong nước.
Việc thực hiện cơ chế giải quyết tranh chấp theo các Hiệp định với Liên minh châu Âu cũng như các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng đặt ra những thách thức lớn hơn trong việc xây dựng, thực thi pháp luật, phòng ngừa và giải quyết có hiệu quả tranh chấp, vướng mắc với nhà đầu tư.
Tận dụng cơ hội, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt
Xuất phát từ bối cảnh thực tiễn của Việt Nam, trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ đã xây dựng Chương trình hành động thực thi Hiệp định EVFTA, theo đó, tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp:
Một là, tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định EVFTA, EVIPA và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư: tổ chức các hội thảo, hội nghị để tuyên truyền, phổ biến các cam kết của Việt Nam theo EVIPA cho các đối tượng có liên quan, đặc biệt là các cơ quan quản lý ở địa phương, nhà đầu tư, tổ chức tư vấn, cộng đồng doanh nghiệp; tổ chức xúc tiến đầu tư nhằm nâng cao nhận thức của các nhà đầu tư nước ngoài nói chung cũng như các nhà đầu tư EU nói riêng về cam kết của Việt Nam về mở cửa thị trường và tự do hóa đầu tư.
Chương trình xúc tiến đầu tư sẽ được thực hiện trên cơ sở các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Theo đó, các dự án của các nhà đầu tư EU sẽ được thu hút có chọn lọc, chất lượng, tập trung vào các lĩnh vực mà EU có tiềm năng và thế mạnh như: Công nghiệp chế biến, chế tạo, sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, dự án có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Hai là, tiếp tục rà soát, hoàn thiện thế chế, chính sách, pháp luật nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và bảo đảm thực thi cam kết của Việt Nam theo Hiệp định.
Để bảo đảm thi hành các Hiệp định đã ký kết với Liên minh châu Âu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan rà soát văn bản pháp luật liên quan và để xuất xây dựng các văn bản cần thiết để bảo đảm thi hành Hiệp định.
Kết quả rà soát cho thấy, hầu hết cam kết của Việt Nam theo Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về cơ bản phù hợp với pháp luật hiện hành, có thể áp dụng trực tiếp mà không yêu cầu sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan.
Tại kỳ họp thứ 9 vừa qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 113 về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA. Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang chuẩn bị trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định hướng dẫn thi hành Hiệp định CPTPP về đấu thầu, trong đó có quy định riêng đối với gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định EVFTA.
Để phát huy tối đa lợi ích của Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, đơn giản hóa và minh bạch hóa điều kiện gia nhập thị trường cho các doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thông qua việc cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh nói chung và điều kiện tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài nói riêng.
Ba là, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp. Đây là một trong các giải pháp quan trọng hàng đầu, quyết định sự thành công của việc thi hành Hiệp định. Bởi thế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo Nghị quyết 02 của Chính phủ, Nghị quyết số 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; Nghị quyết số 68 của Chính phủ về chương trình cắt, giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 – 2025.
Đồng thời, để hỗ trợ và nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp, sáng tạo, tham gia liên kết ngành, chuỗi giá trị giai đoạn 2021-2025 đồng thời khẩn trương đưa vào vận hành Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia với đầy đủ công năng kỹ thuật và thể chế vượt trội để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ khởi nghiệp, sáng tạo. Song song đó, Bộ cũng đang xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chương trình chuyển đổi số.
Bốn là, xây dựng và hoàn thiện cơ chế kiểm soát, phòng ngừa tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư theo hướng: Nâng tính minh bạch, hiệu quả của công tác thi hành và giám sát thi hành pháp luật nhằm hạn chế tranh chấp phát sinh với nhà đầu tư nước ngoài.
Thực hiện có hiệu quả công tác hỗ trợ sau đầu tư, giải quyết nhanh chóng, kịp thời những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, tránh phát sinh thành tranh chấp giữa nhà đầu tư và cơ quan nhà nước. Nâng cao hiệu quả hoạt động giải quyết tranh chấp trọng tài, tòa án và hoạt động thi hành phán quyết trọng tài.
Tăng cường giám sát thực thi ở cấp cơ sở để đảm bảo các chính sách tiến bộ về cải thiện môi trường kinh doanh được triển khai có hiệu quả, đồng thời tiếp tục hoàn thiện cơ chế cảnh báo sớm để phòng ngừa tranh chấp đầu tư.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Hiệp định EVFTA sẽ mang lại những cơ hội to lớn cho thương mại, đầu tư và phát triển kinh tế Việt Nam nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ, đòi hỏi Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, tổ chức hiệp hội và đặc biệt là các doanh nghiệp phải hành động nhanh hơn, quyết liệt hơn, thực hiện đầy đủ, đồng bộ và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra để thực hiện có trách nhiệm những cam kết đã ký, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh và tận dụng được hết cơ hội mà Hiệp định mang lại cho nền kinh tế./.
(Theo.dangcongsan.vn)