Thứ Sáu, 25/09/2020, 09:51 (GMT+7)
.
TIẾN TỚI ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU LẦN THỨ XI ĐẢNG BỘ TỈNH TIỀN GIANG

Tăng trưởng kinh tế gắn với an sinh xã hội

Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, giảm nghèo bền vững là một trong những thành tích nổi bật của Đảng bộ tỉnh Tiền Giang, được Trung ương đánh giá cao. Hiện nay, Tiền Giang không còn hộ thiếu đói, tỷ lệ hộ nghèo liên tục giảm theo từng năm, an sinh xã hội được đảm bảo. Thành quả đó xuất phát từ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, có giải pháp căn cơ trong đầu tư thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Đảng bộ tỉnh Tiền Giang được thực hiện đồng bộ, gắn với đảm bảo an sinh xã hội.

HOÀN THÀNH VƯỢT MỨC NHIỀU CHỈ TIÊU PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

Nhiệm kỳ 2015 - 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh Tiền Giang đạt 7,3%/năm (Nghị quyết 8,5% - 9,5%). GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 58,6 triệu đồng, tương đương 2.488 USD. Cơ cấu kinh tế năm 2020, khu vực nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 37,1; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 27,8%; khu vực dịch vụ chiếm 35,1. Đến năm 2020, diện tích cây ăn trái của tỉnh trên 80 ngàn ha (tăng 10,5 ngàn ha).

Giai đoạn 2016 - 2020 có 107 xã nông thôn mới, là tỉnh có số xã đạt chuẩn nông thôn mới cao nhất trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long; có 2 huyện nông thôn mới và 3 đô thị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đến nay, Tiền Giang có 4 khu công nghiệp đang hoạt động, với tỷ lệ lấp đầy đạt 71% diện tích. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đến năm 2020 đạt 68 ngàn tỷ đồng, tăng bình quân 9,3%/năm. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,4 tỷ USD, tăng bình quân 11,13%/năm; kim ngạch nhập khẩu đạt 2 tỷ USD, tăng bình quân 12,4%/năm. Mật độ điện thoại cố định bình quân đạt 4,52 thuê bao/100 dân, điện thoại di động bình quân đạt 108 thuê bao/100 dân và Internet bình quân đạt 71,3 thuê bao/100 dân.

Trong 5 năm qua, Ban Vận động Quỹ “Vì người nghèo” các cấp trong tỉnh đã vận động xây dựng trên 3.100 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo.
Trong 5 năm qua, Ban Vận động Quỹ “Vì người nghèo” các cấp trong tỉnh Tiền Giang đã vận động xây dựng trên 3.100 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo.

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của tỉnh Tiền Giang tăng nhanh, giai đoạn 2016 - 2020 đạt trên 169,8 ngàn tỷ đồng, chiếm 38,2% so tổng GRDP của tỉnh. Tổng số doanh nghiệp thành lập mới giai đoạn 2016 - 2020 là 3.340, nâng tổng số doanh nghiệp hoạt động của tỉnh là 5.664, trong đó có 90 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Toàn tỉnh có 200 hợp tác xã đang hoạt động và 125/143 xã có hợp tác xã. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020 là 45.799,2 tỷ đồng (tăng bình quân 15,9%/năm), tổng chi ngân sách địa phương đạt 64.983 tỷ đồng, tăng bình quân 7,3%/năm, trong đó chi đầu tư phát triển hơn 20.27 tỷ đồng...

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng hướng, quyết liệt của Đảng bộ tỉnh Tiền Giang trong nhiệm kỳ qua đã đưa tỉnh hoàn thành đạt và vượt nhiều chỉ tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra. Điều đặc biệt quan trọng là, trong quá trình đầu tư phát triển kinh tế, tỉnh đã thực hiện đồng hành với đảm bảo an sinh xã hội.

KHÔNG ĐỂ AI BỊ BỎ LẠI PHÍA SAU

Với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, nhiệm kỳ qua, Đảng bộ tỉnh Tiền Giang đã quan tâm đầu tư lớn cho công tác giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội. Trong giai đoạn 2016 - 2020, ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo trên 3.250 tỷ đồng; bố trí để thực hiện các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững hơn 211 tỷ đồng.

Nguồn vốn tín dụng chính sách của Trung ương và địa phương đến cuối tháng 11-2019 hơn 2.462 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tiền Giang để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn đến thời điểm tháng 2-2020 đạt gần 175 tỷ đồng.

Ủy ban MTTQ tỉnh Tiền Giang và các tổ chức thành viên quan tâm tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, tổ chức xã hội và người dân ủng hộ đóng góp nguồn lực cho công tác giảm nghèo được gần 463 tỷ đồng. Các chính sách giảm nghèo đã đến đầy đủ với đối tượng thụ hưởng; trong đó, thực hiện  chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo và cận nghèo giai đoạn 2016 - 2020, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân cho vay 12 chương trình với tổng số tiền hơn 2.423 tỷ đồng cho 120.274 hộ được vay vốn.

Vốn cho vay được các đối tượng sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, người nghèo tiếp cận thuận lợi, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập. Thực hiện chính sách hỗ trợ về y tế cho hộ nghèo, trong 5 năm 2016 - 2019, tỉnh đã chi gần 184,6 tỷ đồng mua và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hơn 822.600 người dân diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân sinh sống tại xã đặc biệt khó khăn.

Ngoài ra, ngành Y tế đã tăng cường xây dựng và nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân, hiện 100% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Trong 4 năm, ngành Giáo dục và Đào tạo đã miễn giảm học phí cho hơn 27.000 học sinh là con, em hộ nghèo với kinh phí trên 14,6 tỷ đồng và trợ cấp hơn 3,5 tỷ đồng cho gần 16.300 học sinh là con, em hộ nghèo. Thực hiện cấp trên 50,5 tỷ đồng hỗ trợ giá điện cho 86.000 hộ nghèo. Trong 4 năm 2016 - 2019, đã có 1.064 hộ được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở từ nguồn ngân sách và vốn vay ưu đãi.

Song song đó, từ nguồn quỹ vận động được, Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” các cấp trong tỉnh Tiền Giang đã chi xây dựng 3.105 căn nhà đại đoàn kết cho người nghèo với tổng kinh phí gần 103 tỷ đồng. Mặt khác, các huyện, cơ sở dạy nghề trong tỉnh đã tổ chức các lớp dạy nghề, hỗ trợ dạy nghề cho 13.055 lao động nông thôn, trong đó có 2.509 người nghèo, số người nghèo sau học nghề có việc làm khoảng 85%.

Theo kết quả đánh giá cuối kỳ công tác giảm nghèo của Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 tỉnh Tiền Giang, tỷ lệ hộ sử dụng điện toàn tỉnh đạt 100%; đảm bảo tỷ lệ bao phủ dịch vụ cấp nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung tại đô thị đạt 99%, tỷ lệ dân số sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 100%, trong đó có trên 90% sử dụng từ hệ thống cấp nước tập trung, 80% dân số nông thôn sử dụng nước đạt quy chuẩn của Bộ Y tế. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm từ 5,87% năm 2016 còn dưới 3% vào năm 2020.

Việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo thời gian qua đã góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là người dân ở các xã bãi ngang ven biển, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản. Các chính sách, giải pháp giảm nghèo được triển khai thực hiện lồng ghép, đồng bộ và hiệu quả. Giải quyết một cách cơ bản về cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn, trước hết là hạ tầng thiết yếu.

 THỦY HÀ

.
.
.