.

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang: Thảo luận góp ý 2 dự thảo luật

Cập nhật: 20:21, 23/10/2020 (GMT+7)

(ABO) Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 10 - Quốc hội khoá XIV, ngày 23-10, tại phiên thảo luận trực tuyến đối với dự thảo Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) và dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Tiền Giang đã có nhiều ý kiến đóng góp cho 2 dự thảo luật còn nhiều ý kiến khác nhau.

Đối với dự thảo Luật Phòng, chống HIV/AIDS

Tham gia thảo luận về dự thảo Luật Phòng, chống HIV/AIDS, đại biểu Lê Quang Trí, ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang đồng tình về sự cần thiết phải ban hành dự thảo luật này; đồng thời, đóng góp một số ý kiến góp phần hoàn thiện dự thảo luật.

Cụ thể: Về quyền và nghĩa vụ của người nhiễm HIV (tại Điều 4), tại điểm b, khoản 2, đại biểu Lê Quang Trí đề nghị Ban Soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh thành “Thông báo ngay kết quả xét nghiệm HIV dương tính của mình cho vợ, chồng, người có quan hệ tình dục hoặc chuẩn bị kết hôn với mình theo quy định của pháp luật” thay vì người nhiễm HIV có nghĩa vụ thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính, vì nếu việc thông báo chậm kết quả dương tính sẽ làm mất cơ hội ngăn chặn sự lây nhiễm HIV/AIDS.

đồng chí Nguyễn Thanh Hải Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu
Đại biểu Lê Quang Trí phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận trực tuyến.

Về phòng, chống HIV trong cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (tại Điều 15), tại điểm a, khoản 2 quy định “Cơ sở giáo dục không được có hành vi từ chối tiếp nhận học sinh, sinh viên, học viên vì lý do người đó nhiễm HIV”.

Đại biểu Lê Quang Trí đề nghị Ban Soạn thảo cần nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung thêm những đối tượng như: Giáo viên, giảng viên, người lao động nhiễm HIV cũng không bị kỳ thị, phân biệt đối xử. Những người nhiễm HIV e sợ thái độ kỳ thị hoặc bị phân biệt đối xử sẽ tránh né xét nghiệm và không áp dụng các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV. Sợ hãi không dám xét nghiệm HIV đồng nghĩa với việc họ có thể vô tình làm lây lan HIV sang người thân hoặc những người khác trong cộng đồng.

Đại biểu Lê Quang Trí cho rằng, để cung cấp dịch vụ xét nghiệm HIV, yêu cầu người đó phải có chuyên môn, chứng chỉ và các điều kiện đảm bảo khác, vì vậy đại biểu đề nghị Ban Soạn thảo nghiên cứu bỏ quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 20 “Người nhiễm HIV được thực hiện cung cấp dịch vụ xét nghiệm sàng lọc HIV”.

Ngoài ra, đại biểu Lê Quang Trí đề nghị Ban Soạn thảo xem xét, bổ sung về những hành vi bị nghiêm cấm, trách nhiệm thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV… để luật được đầy đủ và chặt chẽ.

Đối với dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi)

Đại biểu Tạ Minh Tâm, ĐBQH tỉnh Tiền Giang cũng đã đóng góp ý kiến về trách nhiệm các cơ quan, tổ chức liên quan (Điều 70). Đại biểu Tạ Minh Tâm kiến nghị Ban Soạn thảo xác định cụ thể hơn trách nhiệm trên các lĩnh vực của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao, các bộ chuyên ngành.

Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trung ương; giữa cơ quan trung ương và các cơ quan chuyên môn ở địa phương. Đặc biệt làm rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phân cấp thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước; bảo đảm các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan phải tuân thủ các quy định đặt ra cũng như phát huy tốt nguồn lực lao động này khi trở vê nước.

Đối với Điều 19 thông báo chuẩn bị nguồn lao động để bảo đảm chặt chẽ, đại biểu Tạ Minh Tâm kiến nghị Ban Soạn thảo bổ sung một khoản về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh nơi doanh nghiệp dịch vụ chuẩn bị nguồn lao động sau khi tiếp nhận thông báo của các bộ phải theo dõi, giám sát, kiểm tra; phát hiện và ngăn chặn kịp thời các biểu hiện vi phạm, ảnh hưởng quyền, lợi ích người lao động địa phương.

Đại biểu Tạ Minh Tâm đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận trực tuyến
Đại biểu Tạ Minh Tâm đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận trực tuyến.

Về giáo dục định hướng, đại biểu Tạ Minh Tâm cho rằng, giáo dục định hướng là nội dung rất quan trọng, quyết định người lao động hòa nhập thành công vào môi trường lao động mới xa quê hương. Nội dung giáo dục định hướng sẽ rất khác nhau đối với từng quốc gia khác nhau mà người lao động đến làm việc.

Những kiến thức trang bị là nền tảng người lao động có thể sinh hoạt, lao động, chủ động bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích cũng như thực thi trách nhiệm của mình theo hợp đồng, theo pháp luật nước sở tại, phù hợp văn hóa, phong tục nơi mình đến lao động...

Để tránh các yêu cầu quan trọng này thực hiện qua loa, hình thức, mang tính thủ tục. Đại biểu Tạ Minh Tâm kiến nghị Ban Soạn thảo cân nhắc trong giao nhiệm vụ giao dục định hướng cho một số cơ sở được chỉ định và được kiểm định bảo đảm chất lượng thông tin, kiến thức, kỹ năng truyền đạt cho những người lao động chuẩn bị bước sang một môi trường mới.

Ngoài ra, đại biểu Tạ Minh Tâm còn đóng góp ý kiến đối với các nhóm vấn đề như: Trách nhiệm của doanh nghiệp dịch vụ trong trường hợp bị giải thể; trách nhiệm của doanh nghiệp dịch vụ trong trường hợp phá sản; quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

H. THU - N. NGỌC (tổng hợp)

.
.
.