Sống anh hùng, chết lưu danh
Trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, với tinh thần dũng cảm chiến đấu, hy sinh, những người khởi nghĩa là những tấm gương chói lọi trong lịch sử cách mạng của nhân dân ta. Ông già Chợ bị bọn hội tề bắt được đem nạp cho đế quốc, chúng đánh ông đến chết vẫn không khai thác được gì.
Đồng chí Giác (chồng đồng chí Nguyễn Thị Thập, là thành viên trong Ban lãnh đạo Nam kỳ khởi nghĩa năm 1940 ở tỉnh Mỹ Tho) và 3 đồng chí Ghè, Quới và Huân đã tuẫn tiết để không sa vào tay giặc... Nhân dân ta vẫn luôn nhắc nhớ những tấm gương anh hùng trong cuộc khởi nghĩa này với bao thương tiếc.
“THÀ CHẾT HẾT, CHỚ KHÔNG HÀNG”
Ngày 4-1-1941, do 1 tên phản bội khai báo, Chủ tỉnh Mỹ Tho cho quân tập trung bao vây đồng Cây Me, gần gò trâm bầu. Biết khó có thể chống lại quân chính quy của địch rất đông, các đồng chí lãnh đạo chủ trương cho anh em du kích rút ra khỏi vòng vây.
Còn lại 4 đồng chí: Lê Văn Giác, Bí thư Chi bộ đầu tiên của xã Long Hưng, trong Ban khởi nghĩa; Nguyễn Văn Ghè (Bảy Ghè), Tỉnh ủy viên, Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh, trong Ban khởi nghĩa, Bí thư Huyện ủy Châu Thành; Lê Văn Quới (Bảy Quới), Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh, Huyện ủy viên Châu Thành, người đã bắn chết tên đội xếp Piétri; Nguyễn Văn Huân (Hai Huân), cán bộ Huyện ủy Châu Thành, phụ trách Chi bộ làng Bình Trưng rút lên gò Cây Me bắn lại địch cho đến viên đạn cuối cùng và quyết cùng nhau không để giặc bắt.
Gò Me - nơi các đồng chí Giác, Ghè, Quới, Huân tử tiết để khỏi rơi vào tay giặc Pháp. |
Các đồng chí bảo nhau: “Thà chết hết, chớ không hàng” và sẵn sàng chờ đợi bọn lính Lê dương tiến tới. Đồng chí Giác và đồng chí Ghè cầm con dao tự đâm họng mình. Đồng chí Quới với thanh gươm bén trong tay - thanh gươm đã từng hạ bao kẻ thù trong cuộc khởi nghĩa, đã tự đâm mình. Lính Lê dương ập tới bắt.
Trong khoảnh khắc cuối cùng trước cái chết, đồng chí Quới nắm cán gươm nhằm tên Lê dương phóng tới, nhưng do sức đã kiệt, nên khi lưỡi gươm bay ra chỉ đủ sức làm đứt cánh tay của hắn. Xong động tác này, đồng chí ngã quỵ xuống chết lập tức.
Các đồng chí Ghè, Giác tự cắt cổ nhưng chưa chết hẳn. Bọn địch đưa về nhà thương Mỹ Tho cho băng bó vết thương, nhưng các đồng chí cự tuyệt. Chúng đè xuống, băng xong, các đồng chí tháo băng, móc cho máu chảy.
Túng thế, chúng phải cột hai chân, hai tay của các đồng chí vào thanh giường sắt. Chúng đưa sữa, các đồng chí không thèm uống. Chúng bắt ép, vạch miệng đổ vào, các đồng chí phun sữa ra hết. Chúng chỉ còn một cách là tiêm thức ăn vào.
Qua một thời gian thấy vết thương ở cổ bắt đầu lành, chúng dụ dỗ nhưng không được, đã dùng mọi cực hình tra tấn cũng vô hiệu. Sau cùng, tháng giêng năm 1941, chúng đưa hai đồng chí ra xử tử. Đồng chí Huân thì bị kết án chung thân khổ sai và đày ra Côn Đảo.
Bia tưởng niệm "4 ông". |
Đồng chí Ba Cò cũng bị bao vây rất gắt, liệu không thể sống được, đã chạy đến một xóm có đông đảo nhân dân ở tập trung, leo lên ngọn dừa nói với đồng bào những lời cuối cùng: “Một chút nữa, tôi sẽ vĩnh viễn xa bà con. Tôi sẽ chết trước khi quân thù đến bắt. Nhưng tôi chắc rằng dòng máu cách mạng và lòng sôi sục căm thù của bà con không bao giờ khô cạn. Nước chúng ta nhất định sẽ được giải phóng!”.
Đồng chí còn nhắn nhủ mấy tên trong xã nhà trót chạy theo làm lính, làm làng cho đế quốc: “Các anh đừng tự mình tước bỏ quyền công dân Việt Nam. Hãy quay lại với đồng bào!”. Nói vừa dứt câu, đồng chí liền lấy dao tự sát giữa lúc quân đội đế quốc chụm súng bắn lên ngọn dừa như mưa. Năm ấy đồng chí vừa 23 tuổi.
Cũng ở xã Long Hưng, trên một bến đò vắng, đồng chí Hiệp đang đi tìm đường tránh bọn cò bót, khi chúng đã tràn vào làng. Tình cờ chúng bắt được đồng chí Hiệp ở bến đò, bắt khai chỗ giấu súng và dẫn đi bắt cộng sản. Đồng chí Hiệp bảo chúng: “Tôi sẽ dẫn các ông đi theo tôi qua bến đò này”.
Vừa 21 tuổi nhưng dáng người gầy gò, bọn cò bót coi thường đồng chí Hiệp. Qua nửa sông, đồng chí nhận chìm xuồng, cố bám chặt tên cò Tây, quyết dìm nó xuống đáy sông. Cò Tây khỏe quá, đồng chí không dìm nổi. Rốt cuộc chúng chỉ mất một thằng lính. Đồng chí Hiệp đã ra đi trên dòng sông này. Đồng chí là đảng viên. Trước khởi nghĩa, mặc dù chỉ mới 15 - 16 tuổi, nhưng đồng chí Hiệp đã bị đế quốc bỏ tù 2 lần vì “tình nghi chính trị”.
“ÔNG GIÀ CHẾT RỒI CŨNG CÒN ĐÁNH ĐẾ QUỐC”
Nhắc đến ông già Chợ thì hầu hết những cán bộ, đảng viên từng ở rừng Ba U đều biết. Ông là một cố nông nghèo khổ. Không tiền đóng thuế thân, ông phải rút sâu vào rừng Ba U để trốn sự khủng bố của bọn làng lính.
Trước năm 1930, khu rừng này có rất nhiều lau sậy và rắn độc. Từ khi ông già Chợ và đứa con gái nhỏ của ông vào ở đó, khu rừng được khai phá dần. Năm 1940, khi cán bộ vào đã có những liếp thơm, liếp mía, những hàng đào lộn hột và chuối mọc lên.
Ông già Chợ hết lòng ủng hộ cách mạng, đem củi đưa ra cho các đồng chí đun bếp. Hết củi đến rơm, hết rơm ông tự đi cắt cỏ phơi khô thay củi đem ra. Nhiều khi thức ăn không có, ông lội vô bưng bắt cá thia thia cho anh em ăn. Trong cuộc sống quá thiếu thốn, gian khổ, thời gian hoạt động của cán bộ ở rừng Ba U lúc nào cũng có mặt ông già Chợ bên cạnh. Ông thương yêu cán bộ như người ruột thịt, nên tất cả các đồng chí đều coi ông như cha đẻ.
Xung quanh việc ông già Chợ hy sinh, ở xã Long Hưng có câu chuyện được nhiều người truyền tụng: Tên hương quản Lượm, người đã bắt ông già Chợ theo lệnh của đế quốc, rất khiếp sợ tinh thần anh dũng của ông, tuổi tác đáng bậc cha mẹ, khiến nó bị ám ảnh mãi phát điên. Suốt ngày nó lạy lục, nói lải nhải: “Ông Chợ đến đó! Ông Chợ đến đó!”. Sau mấy ngày liền như thế, nó lăn đùng ra chết. Một số lính làng khác cũng sống trong trạng thái thần kinh căng thẳng ấy.
Để đầu óc đỡ căng thẳng và lương tâm bớt giày vò, bọn chúng cho mời thầy trong làng lập chay đàn cúng tế và lập bài vị thờ ông già Chợ và một số đồng chí khác. Mỗi lần nhắc đến chuyện hội tề lập bài vị thờ ông già Chợ, bà con ở xã thường nói với nhau về ông già Chợ với tấm lòng biết ơn và khâm phục: “Ông già chết rồi cũng còn đánh đế quốc và bọn bán nước”.
LINH THỦY (tổng hợp)